Một chặng đường dài để Ukraine gia nhập EU

Hội đồng châu Âu gồm các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EUCO) đã nhất trí cấp quy chế ứng cử viên gia nhập EU cho Ukraine. Tuy nhiên, giới phân tích chính trị nhận định rằng, giữa việc trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên đến việc kết nạp nước này làm thành viên đầy đủ của EU là cả một chặng đường dài.

Để trở thành một thành viên chính thức của EU, thách thức lớn đầu tiên mà Ukraine phải vượt qua là tìm cách chấm dứt cuộc chiến để có thể bắt tay vào tiến trình tái thiết đất nước. EU là một liên minh kinh tế-chính trị và dù có ủng hộ Ukraine đến mấy EU cũng sẽ gần như không bao giờ kết nạp một quốc gia đang trong một cuộc chiến tranh toàn diện, với một nền kinh tế tê liệt và các cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề.

Kết nạp một Ukraine như thế sẽ chỉ là việc rước thêm một gánh nặng khổng lồ về kinh tế-chính trị-xã hội và chắc chắn sẽ có rất nhiều thành viên EU không bao giờ chấp nhận. Nhưng làm sao để kết thúc cuộc chiến và khi nào cuộc chiến kết thúc lại là câu hỏi chưa ai trả lời được. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây nhận định, cuộc chiến có thể sẽ kéo dài vài năm. Kể cả khi cuộc chiến kết thúc sau vài năm nữa, vấn đề lớn là khi đó đất nước Ukraine sẽ có một chính thể và một thực thể địa lý ra sao?

Một đất nước tái lập lại toàn bộ lãnh thổ và vẫn theo đuổi chính sách thân phương Tây hay một quốc gia bị chia cắt, tàn phá với các chính quyền thân Nga. Không ai có thể biết chính xác các kịch bản sắp tới của cuộc chiến tại Ukraine, cũng có nghĩa không ai có thể biết khi nào Ukraine mới có thể thực sự bắt tay vào việc thực hiện các cam kết như EU yêu cầu để trở thành thành viên đầy đủ.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày 23 - 24/6 tại Brussels, lãnh đạo các nước EU đã quyết định việc trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine nhưng sau đó Ủy ban châu Âu (EC) sẽ cần ít nhất vài tháng mới có thể công bố một danh sách rất dài những yêu cầu mà EU bắt buộc Ukraine phải thực hiện trong nhiều năm tới.

Đó sẽ là những yêu cầu về cải cách toàn diện, từ kinh tế cho đến tư pháp. Trong chuyến thăm đến Kiev cách đây hơn 10 ngày, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng “Ukraine còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có việc chống tham nhũng”.

Thực ra, với EU, việc trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên là một hành động mang nặng tính biểu tượng chính trị còn việc giám sát Ukraine thực hiện các cải cách trong những năm tới ra sao là một hành động thực chất và bỏ qua tất cả những gì đang được tô vẽ về Ukraine trên báo chí phương Tây hiện nay, các chuyên gia kinh tế tại châu Âu đều chung nhận định rằng, Ukraine còn cách quá xa các tiêu chuẩn do EU đặt ra.

Trong cuộc “thảo luận định hướng” về việc Ukraine gia nhập EU tổ chức hôm 13/6, Ủy viên phụ trách việc mở rộng EU, ông Olivier Varhelyi thậm chí còn nhận định rằng trong số 3 nước muốn gia nhập EU là Ukraine, Moldova và Gruzia thì Ukraine thậm chí còn xếp thấp nhất về các chỉ số.

Nói cách khác, đây không phải là một quốc gia dân chủ rực rỡ như cách mà báo chí phương Tây ca ngợi sau ngày 24/2 mà là một quốc gia vẫn còn quá nhiều khiếm khuyết nếu xét theo các tiêu chuẩn EU. Vì thế, nếu Ukraine chấp nhận cải cách như EU yêu cầu, tiến trình đó có thể kéo dài hàng chục năm hoặc vài thập kỷ, với điều kiện tiên quyết, đó là cuộc chiến hiện nay phải chấm dứt.

Đối với việc Ukraine xin gia nhập EU, Nga không phản đối vì theo quan điểm của Moscow, EU là một liên minh kinh tế chứ không phải liên minh quân sự như NATO nên việc Kiev gia nhập EU không tạo ra các đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với nước Nga. Phát biểu tại họp báo sau khi quyết định của EU được công bố, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho rằng, quyết định như thế nào là chuyện nội bộ của khối này.

“Đây là những vấn đề nội bộ của châu Âu. Điều quan trọng đối với Nga là tất cả quá trình này không gây ra thêm nhiều vấn đề cho chúng tôi, cũng như cho mối quan hệ giữa Nga với các quốc gia này. Với tình hình hiện tại thì không còn điều gì có thể làm cho quan hệ hai bên xuống thấp hơn nữa”, ông nói. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói ông không đặt nặng chuyện Ukraine gia nhập EU, vì EU không phải là một khối quân sự. Thực tế thì Nga không có tiếng nói gì trong việc này. Vào thời điểm này, Nga có lẽ cũng không để tâm quá nhiều đến việc Ukraine có được trao tư cách ứng cử viên gia nhập EU hay không vì cũng hiểu rõ rằng, từ tư cách ứng cử viên đến việc trở thành thành viên đầy đủ của EU là một chặng đường dài với quá nhiều bất trắc, có thể sẽ chẳng bao giờ đến đích.

Một ví dụ điển hình là Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO và là đồng minh quan trọng của phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ đã đệ đơn xin gia nhập EU từ cách đây 35 năm (1987), được EU trao tư cách ứng cử viên cách đây 23 năm (1999), đã chính thức tiến hành các đàm phán gia nhập EU từ 17 năm trước (2005) nhưng cho đến nay vẫn không biết khi nào mới có thể được chấp nhận vào gia đình EU.

Do đó, một hành động mang tính biểu tượng là tư cách ứng cử viên gia nhập EU của Ukraine cũng không phải là sự kiện quá quan trọng. Tất nhiên, về phía EU và chính quyền Ukraine thì các tuyên bố đưa ra đều cho rằng việc Ukraine được trao tư cách ứng cử viên là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến Nga, rằng các hành động quân sự của Moscow không thể ngăn cản mong muốn ngả hẳn về phương Tây của Kiev.

Minh Hải (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/quoc-te/mot-chang-duong-dai-de-ukraine-gia-nhap-eu-i658255/