Một Châu Âu chia rẽ

Những tranh cãi chính trị khốc liệt về chính sách di cư đang được kích hoạt tại Đức sau cuộc xung đột bạo lực chống nhập cư ở thành phố Chemnitz.

Những tranh cãi chính trị khốc liệt về chính sách di cư đang được kích hoạt tại Đức sau cuộc xung đột bạo lực chống nhập cư ở thành phố Chemnitz. Và điều này càng nhấn mạnh một cuộc xung đột mới nổi lên trong lòng Liên minh Châu Âu (EU) giữa phe chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế, tức là giữa những người chống di cư với một biên giới khép kín và những người ủng hộ biên giới rộng mở.

Khủng hoảng chính trị đang khuấy động nước Đức, nơi mà các cuộc xung đột bạo lực tại thành phố Chemnitz đã kích động những tranh cãi gay gắt về chính sách di cư, có thể được nhìn thấy trong cuộc xung đột mới này. Các cuộc tranh cãi ở Đức thực sự là một cuộc chiến chống lại di sản của Thủ tướng Angela Merkel, và nó vẫn được xem là thành quả chính trị để đánh giá nhiệm kỳ của bà Merkel.

Các cuộc biểu tình bạo lực nổ ra ở Chemnitz hồi cuối tháng 8 sau vụ một người đàn ông Đức bị giết hại, vụ việc trong đó 2 người nhập cư từ Syria và Iraq đã bị bắt. Các cuộc đụng độ đã làm rung chuyển nền chính trị Đức, làm sống lại sự căng thẳng trong chính phủ của bà Merkel và bùng nổ một cuộc tranh luận gay gắt về chính sách biên giới mở của vị nữ lãnh đạo này vào năm 2015 để cho hơn 1 triệu người tị nạn vào Đức.

Chính phủ Thủ tướng Merkel đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi bà trở thành thủ tướng, khi tranh cãi về chính sách di dân giữa đảng của bà, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và đồng minh Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) nổ ra. Cuộc chiến chống nhập cư đang gia tăng trên toàn EU bất chấp sự sụt giảm mạnh về số lượng người di cư thực tế đến Châu Âu so với năm 2015.

Cuộc khủng hoảng di cư hiện nay chủ yếu tập trung vào cách mọi người phản ứng với những người mới đến chứ không phải cách quản lý số người thực sự đến EU. Tỷ lệ người nhập cư đã giảm mạnh ở Châu Âu kể từ khi dòng chảy người di cư khổng lồ đến lục địa già vào năm 2015.

Ở Châu Âu, thái cực chủ nghĩa dân tộc đang nổi lên mạnh hơn so với chủ nghĩa quốc tế, và điều đó được thể hiện rõ nhất từ hình ảnh giữa Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Và có thể nói, Châu Âu có vẻ là một cuộc chiến giữa “một phe Macron” và “phe Orban”.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_195606_mot-chau-au-chia-re.aspx