Một chính sách nhân văn

Ngày 17/08/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 22/2023/QĐ-TTg quyết định về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (Quyết định 22). Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2023. Đây là một chính sách hết sức nhân văn, nhân đạo nhằm giúp những người lầm lỡ có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Ảnh VGP

Thực tế cuộc sống, việc hòa nhập cộng đồng của một bộ phận người chấp hành xong án phạt tù vẫn còn gặp nhiều trở ngại, do họ luôn mặc cảm, tự ti về quá khứ; khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, tạo kế sinh nhai do tâm lý nhiều người ngại thuê, ngại nhận những người có tiền án vào làm việc... Người chấp hành xong án phạt tù đã không dễ dàng tìm kiếm được việc làm ổn định cuộc sống, họ cũng không có vốn để tự sản xuất, kinh doanh... Vì vậy, dù đã được xóa án tích nhưng phải chật vật mưu sinh, nên những người này dễ bị bạn xấu rủ rê. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người chấp hành xong án phạt tù tái phạm tội, “ngựa quen đường cũ”.

Nhằm giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo, khoan hồng. Tuy nhiên, trước khi có Quyết định 22 thì chưa có chính sách riêng nào để hỗ trợ cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn, cũng như chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định riêng chính sách tín dụng để khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh thu hút lao động là người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc. Quyết định 22 là chính sách hỗ trợ đầu tiên và cụ thể tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận với vốn vay ưu đãi để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Vậy là hành trình tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời của những người lầm lỡ giờ không còn đơn độc nhờ có sự đồng hành, tiếp sức của chính sách tín dụng đầy tính nhân văn của Chính phủ.

Trong Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ quy định rất cụ thể hai nhóm đối tượng được vay vốn gồm: Người chấp hành xong án phạt tù (điều kiện để được vay vốn là người chấp hành xong án phạt tù cần chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội và có nhu cầu vay vốn thì sẽ được công an cấp xã lập danh sách và được UBND cấp xã xác nhận) và cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù (điều kiện để được vay vốn là có sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù, có nhu cầu và có phương án vay vốn được UBND cấp xã xác nhận). Mức vốn cho vay, đối với người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/người đối với vay vốn để đào tạo nghề và tối đa 100 triệu đồng/người đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Còn với cơ sở sản xuất, kinh doanh có thể vay lên đến 2 tỉ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh. Quyết định cũng nêu rõ người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh quy định ở trên phải thuộc trường hợp không còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các chương trình tín dụng khác có cùng mục đích sử dụng vốn vay để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo quy định của pháp luật thì mới đủ điều kiện để vay vốn. Mức lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ...

Để việc triển khai thực hiện Quyết định 22 thống nhất, nhất quán, hiệu quả, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai Quyết định 22, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị: Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm thường xuyên tổ chức giám sát để việc thực hiện chính sách này theo đúng tôn chỉ, mục đích, đúng quy định của pháp luật. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ LĐTB&XH và các bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, UBND các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương cần có nhận thức đúng đắn về vị trí quan trọng, mục đích, ý nghĩa của chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù và triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 22. UBND các địa phương, nhất là các địa phương có nhiều người chấp hành xong án phạt tù cần quan tâm, chủ động cân đối bố trí ngân sách địa phương để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay, đảm bảo đáp ứng đủ nguồn vốn để cho vay...

Ngay sau khi Quyết định 22 được ban hành, hệ thống Ngân hàng Chính sách đã phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách mới của Chính phủ đến với nhân dân, đặc biệt là đến với các đối tượng thụ hưởng. Cùng với đó công an các địa phương tiến hành rà soát, phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội xác định đối tượng và nhu cầu vốn, đảm bảo đáp ứng kịp thời. Với phương châm thấu hiểu, đồng hành và chia sẻ, chỉ sau vài ngày Quyết định số 22 có hiệu lực đã có 145 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tín dụng chính sách xã hội với tổng số tiền gần 11 tỉ đồng. Qua tổng hợp nhanh từ các địa phương trong cả nước có 2.089 người mãn hạn tù có nhu cầu vay vốn với tổng số tiền 138 tỉ đồng.

Quyết định 22 được đánh giá là chính sách nhân văn, nhân đạo, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn. Bởi không chỉ giúp người chấp hành xong án phạt tù có việc làm, kế sinh nhai mà còn giúp họ có điều kiện phát triển bình đẳng như các cá nhân khác trong cộng đồng, tái hòa nhập cộng đồng bền vững. Đây còn là chính sách góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau của Đảng và Nhà nước ta.

Phạm Kim

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-de-hom-nay/mot-chinh-sach-nhan-van/201015.htm