Một chữ yêu trong 3 lần gặp

Mỗi khi gập trang cuối của một cuốn sách, nghe xong một bản nhạc, xem hết một bộ phim, tôi luôn thấy bóng dáng mình trong đó, ngỡ như tác giả đã thấu hiểu và viết tặng riêng mình vậy

1. HỒN MA. Nếu như Trịnh Công Sơn từng "Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời" ("Bên đời hiu quạnh") thì tôi cũng từng ước giá như sau khi chết vẫn có thể biết được mọi thứ diễn ra trong đám tang của mình. Được thấy cảnh "Triệu người quen có mấy người thân/Khi lìa trần có mấy người đưa" ("Bài không tên số 4" - Vũ Thành An), thậm chí còn được tự kể về cái chết, an ủi người thân trên chính... Facebook của mình. Tôi đã tự cười cợt bản thân bởi ý tưởng điên rồ ấy cho đến khi bắt gặp Lauren trong "Nếu em không phải một giấc mơ" của Marc Levy.

Lauren là nhân vật nữ chính, cô đã phải sống đời sống thực vật hơn 6 tháng sau một tai nạn. Trong lúc phần xác vẫn bất động mê mải ngủ trong bệnh viện thì linh hồn cô lại chuyển động - cô đi, nghe và nhìn thấy mọi người nhưng không ai nghe hay nhìn thấy cô. Đau khổ, cô trở về căn hộ của mình thì gặp Arthur - một kiến trúc sư vừa dọn đến thuê, định mệnh khiến anh là người duy nhất nghe, nhìn và cảm nhận được cô. Arthur chuyển từ trạng thái bực tức vì nghĩ đó là trò đùa vớ vẩn hoang tưởng sang dịu dàng lắng nghe, tin tưởng và nhiệt tình giúp Lauren nhập xác khiến cô không khỏi vừa cảm động vừa băn khoăn. Cô bướng bỉnh, thậm chí dỗi hờn, gặng hỏi "Vì sao anh giúp em?", nhưng Arthur một mực lảng tránh, anh lao vào tìm kiếm tài liệu, liều lĩnh lên kế hoạch cướp xác cô trong bệnh viện, đưa cô đi trốn... Và họ đã yêu nhau, bất luận cô là "hồn ma". Lúc này Lauren không cần hỏi "Vì sao anh giúp em?" nữa, với cô, dù có nhập xác được hay không cũng không còn quan trọng, bởi cô chưa từng gặp người đàn ông nào bỏ thời gian, công việc, công sức... quan tâm cô không vụ lợi và chân thành đến thế. Thời gian họ có nhau có thể là ngắn ngủi, Lauren có thể là ảo ảnh, là giấc mơ nhưng với Arthur, tình yêu anh dành cho cô là thực, hạnh phúc họ đang có là thực.

2. ROBOT. Ngày Valentine tôi đi xem phim với bạn. "Alita: Battle Angel" là phim bom tấn, thể loại hành động Mỹ năm 2019, dựa trên bộ manga "Gunnm" của Yukito Kishiro, đạo diễn Robert Rodriguez, kịch bản của James Cameron và Laeta Kalogridis. Phim được xây dựng trong bối cảnh ra đời của thế giới hậu sụp đổ vào thế kỷ XXVI, trong đó tiến sĩ Dyson là một nhân vật tử tế và xuất chúng trong việc chế tạo, phục hồi robot, thậm chí chế tạo và thay thế các bộ phận bằng sắt thép cho cả con người. Một ngày nọ tiến sĩ Dyson nhặt được bộ não và lõi tim năng lượng một nữ robot tại bãi phế liệu của thành phố Zalem - một thành phố sắt thép hoạt động bằng các cỗ máy khổng lồ. Tiến sĩ Dyson đã phục hồi thân thể cô bằng các thiết bị cơ khí và đặt tên cô là Alita.

Alita vốn là một robot chiến binh, tuy không còn ký ức khi tỉnh lại nhưng cô còn nguyên khả năng xúc cảm, nhận thức và tình cảm, cô đã cảm nhận được tình yêu, niềm vui bên những người quen mới. Từ khi quen Hugo, cô tìm thấy một thứ cảm xúc mạnh mẽ hơn rất nhiều - tình yêu. Đó là hạnh phúc lớn lao nhất nhưng cũng là nỗi đau đớn nhất của cô người máy xinh đẹp. Ký ức, sức mạnh, bản năng chiến đấu cũng như nhân tính trong cô ngày càng lớn mạnh sau mỗi lần giao đấu với kẻ thù, điều này cho thấy dữ liệu bộ não cũ của cô dần hồi phục, truyền dẫn mệnh lệnh cho một thân thể hoàn toàn mới. Bộ phim lột tả mọi khía cạnh đạo đức suy đồi tỉ lệ nghịch với một xã hội càng ngày càng hiện đại: Mọi thứ đều có thể quy đổi thành tiền và thay thế bằng máy móc, trừ bộ não! Thế nhưng, Alita lại là thứ sản phẩm "người" nhất - như Hugo cảm nhận và yêu - tình yêu tưởng chừng như không thể giữa người với robot. Tình yêu hóa trái tim sắt thép nở hoa, đó cũng là giọt mật ngọt đọng lại của bộ phim.

3. SỎI ĐÁ. Nghe nhạc Trịnh ở mỗi trạng thái khác nhau sẽ có những thấu cảm và xúc cảm khác nhau. Nhạc Trịnh đâu chỉ ngân vang bởi phần nhạc mà còn âm ỉ bởi phần lời. Với "Diễm xưa", người con gái đó đã vô tình đi qua những mùa mưa âu sầu ủ ê xứ Huế, neo vào lòng Trịnh một tình cảm đặc biệt. Con đường Diễm đi qua để lại biết bao dấu ấn nhưng giờ chỉ còn "hun hút" hàng cây long não phủ màu nhớ nhung...

Mưa Huế níu tôi trở về một chiều Sài Gòn, anh chat hỏi bên tôi có mưa không, anh đang trú mưa trong quán cà phê và thấy một người đàn bà điên lê những bước chân rời rạc trên phố. "Phụ nữ trẻ mà điên thường là thất tình?", anh cũng nghĩ vậy. "Chắc cô ấy đẹp?", ừ, tóc ướt bết che gương mặt nhưng dáng cao, đẹp như người mẫu. Tôi mường tượng nước mưa ướt sũng dán dính áo cô vào những đường cong thanh tân khả ái, tấm thân quyến rũ ấy chắc chỉ mới đây thôi còn được nâng niu trong vòng tay của kẻ ruồng rẫy.

"Hình như phụ nữ đẹp dễ điên khi bị bội tình hơn phụ nữ thông minh và phụ nữ thành đạt?". "Bởi họ kiêu kỳ, kiêu hãnh và tự tin hơn những phụ nữ khác". Tôi hỏi rồi tự trả lời mình như vậy. Rồi tôi kể anh nghe lúc trước tôi từng nghĩ làm sao có thể phát điên và tự tử khi thất tình, cho đến khi cũng thất tình thì tôi mới hiểu và đồng cảm. Anh thở dài (là tôi đoán vậy): Nhìn cô ấy thấy xót xa và buồn quá. Anh là một người không-có-gì-đặc-biệt nhưng tôi đặc biệt quý anh vì những điều rất-đỗi-bình-thường như vậy.

Tôi lại nhớ đến cố nghệ sĩ tài hoa trẻ bạc mệnh LCTA tự kết liễu đời mình vì tình khiến bao người hâm mộ tiếc thương lẫn trách móc. Có thể lựa chọn đó của anh là giọt nước tràn ly trong một chuỗi khổ đau và chông chênh suốt thời ấu thơ của anh. Khi sợi dây trạng thái ấy co giãn hết mức đến một lúc nào đó nó không còn khả năng đàn hồi, nó mỏng tang như sợi tơ trời thì chỉ một cơn gió khẽ thoảng qua cũng có thể khiến nó vụn vỡ, tan biến…

Trở lại với Diễm của Trịnh. Tình yêu và sự khắc khoải giờ đây đã bện thành một nỗi đau dai dẳng. Dù ông có đau qua bao nhiêu cuộc tình, dù ông cố chai lì cho nỗi nhớ thương thành bia, thành đá thì cũng không thể đứng ngoài quy luật "nước chảy đá mòn" khi trong tim ông mưa hoài mưa mãi:

"Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động/Làm sao em biết bia đá không đau/Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng/Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau".

Bất giác tôi bật khóc cùng ông.

VƯƠNG FƯƠNG ANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/mot-chu-yeu-trong-3-lan-gap-20190223205421351.htm