Một chuyện tình kết nối nhiều trái tim

Năm nay, biến đổi khí hậu khiến những cành tầm xuân trong vườn chưa đơm nụ. Nhưng với Quỹ Help for Việt Nam của anh chị Peter - Thu Sương thì 365 ngày trong năm luôn là 'tầm xuân' khi cả hai trái tim thiện nguyện ấy đều hướng về những mảnh đời khó khăn trên dải đất hình chữ S.

Chị Phạm Thị Thu Sương thăm hỏi các mẹ tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng Người có công số 2 Hà Nội. (Ảnh: Mạnh Cường)

Mùa Xuân năm nay đến muộn nhưng thật đặc biệt với cặp vợ chồng Việt Nam-Thụy Sỹ: Anh Hans-Peter Glauser và chị Phạm Thị Thu Sương bởi anh chị đã quyết định đón Tết trọn vẹn tại Hà Nội và trải qua buổi sáng mồng Một Tết đáng nhớ bên Hồ Gươm.

Chị bật mí: “Anh Peter rất yêu Hà Nội. Ảnh là bác sĩ Đông y, khi đến Việt Nam thực tập, anh có học tiếng Việt ở miền Bắc, rồi sau đó mới vào miền Trung thực tập để mở phòng mạch. Đó là cơ duyên chúng tôi gặp nhau. Yêu và lấy nhau rồi, lúc nào ảnh cũng nhắc tôi là phải nói giọng Bắc mới chuẩn, nói ‘xì dầu’ chứ không phải ‘xì giàu’. Vì ảnh yêu Hà Nội nên năm nay chúng tôi ăn Tết ở Thủ đô rồi mới bay vào Bình Định”.

Cũng vì thế tôi có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện và thậm chí được đệm đàn cho chị hát bài Tấm áo mẹ vá năm xưa rồi cùng nhau đi dạo trong khu vườn tràn ngập sắc Xuân.

Cơ duyên một mối tình

Chị Phạm Thị Thu Sương sinh ra và lớn lên ở quê hương Bình Định, trong một gia đình nghèo. Cơ duyên để anh chị gặp nhau bắt nguồn từ việc anh kỹ sư phần mềm Peter đi leo núi và gặp một tai nạn nhỏ, bị đau ở cổ mà chữa mãi bằng Tây y chẳng khỏi. Anh chuyển sang chữa bệnh bằng châm cứu theo Đông y. Kỳ diệu thay, chỉ sau một tuần, anh đã khỏi bệnh. Từ đó, chàng mọt sách Peter nghiền ngẫm cả núi sách về Đông y rồi bén duyên với cái nghiệp châm cứu, bốc thuốc lúc nào chẳng hay.

Sau sáu năm học Đông y tại Thụy Sỹ, anh qua Trung Quốc thực tập, sau đó lại đến Việt Nam, cuối cùng trở về quê hương để mở phòng mạch Đông-Tây y kết hợp với mong muốn giúp được nhiều người.

Đến Việt Nam, duyên lành, anh đã gặp chị. Thấy cô gái Thu Sương ở đất Bình Định tính cách giản dị, tốt tính và chẳng ham vật chất phù du nên Peter đem lòng thương. Chị thì hồn nhiên đi tìm bạn gái để giới thiệu cho anh, nhưng anh bảo: “Thôi đừng giới thiệu nữa vì em dễ thương quá rồi”. Thời gian Peter thực tập ở Việt Nam trôi nhanh như tên bay, đến lúc anh phải trở về Thụy Sỹ làm việc. Cả hai thường xuyên gọi điện, viết thư cho nhau. Ba tháng sau, nhớ người yêu, chịu không nổi, anh bảo chị qua Thụy Sỹ chơi, nếu chị ưng thì làm đám cưới luôn. Thế rồi, chị mang bầu con gái đầu lòng Kathi An và có thêm một gia đình ở xứ sở tuyết trắng.

Một nắng hai sương làm từ thiện

Ở Thụy Sỹ, cuộc sống của vợ chồng Peter-Thu Sương khá dễ chịu bởi công việc ở phòng khám của anh có thu nhập tốt. Người Thụy Sỹ có thói quen khi khỏe mạnh thì chi tiêu rất khoa học và giữ tiền để sau này dưỡng già. Tuy nhiên, thói quen ấy của Peter dần thay đổi kể từ khi lấy phải cô gái quá tốt bụng như Thu Sương.

Chị bảo: “Ngày trước mình khổ quá nên tôi thấu hiểu sự lo toan của những nhà có gia cảnh khó khăn, đặc biệt là những ngày Tết đến Xuân về. Giờ đi làm, có tiền rồi thì Tết đến tôi tiết kiệm gửi về biếu mỗi người già ở nhà chút quà – ít thôi, chỉ 500 ngàn đồng. Ông xã tôi nhìn thấy vợ làm được bao nhiêu đem cho hết bấy nhiêu thì lại phải động não xem làm thế nào để tôi có thêm tiền mang cho”.

Ở Thụy Sỹ, phòng khám Đông - Tây y của Peter rất có uy tín. Anh nghĩ, mình nên sáng lập một cái quỹ và mang trăn trở này tâm sự với bạn, rằng Sương mang tiền cho người nghèo là việc làm có ý nghĩa. Anh muốn làm gì đó lớn lao hơn để giúp vợ.

Nghĩ là làm, năm 2014, anh nộp đơn lên Chính phủ xin mở Quỹ Helf for Việt Nam. Anh bảo: “Phải có điều kiện mới làm từ thiện được, nghèo không làm nổi đâu. Vợ chồng mình không giàu, nhưng đủ. Mình kêu gọi bạn bè quyên góp thì sẽ làm được”. Thế rồi, những năm đầu, Quỹ chỉ quyên góp được số tiền nhỏ, 10-20.000 Euro. Đến khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Quỹ nhận được đến 40-50.000 Euro.

Chị tâm sự: “Tôi sinh sống, làm việc xa quê hương và có được chút thành công. Tôi nghĩ, mình cần chia sẻ những gì mình đang có với những người nghèo ở quê nhà. Từ cách đây 15 năm, tôi đã bắt đầu làm từ thiện, với khả năng của bản thân, có đâu cho đó. Nhưng sau đó, nhờ chồng tôi thành lập Quỹ mà có thêm nhiều bàn tay cùng giúp và chúng tôi đã giúp được nhiều người hơn, trọn vẹn hơn”.

Trong hai năm đại dịch, chị cùng nhóm 10 tình nguyện viên ở Việt Nam liên tục triển khai các hoạt động hỗ trợ người nghèo. Thu Sương nhớ lại: “Tôi nói với mấy đứa: Chị lo quyên góp tiền, mấy đứa góp công. Chị muốn tiền của Quỹ phải đến tay những người thật sự cần”. Từ Thụy Sỹ, chị tự mình tìm người nấu cơm từ thiện, mỗi lần vài trăm suất để phát ở các bệnh viện hay ở làng phong Quy Hòa (Quy Nhơn). Một mặt, các tình nguyện viên của chị đến tận nơi, gặp những gia đình nghèo để biếu tiền, gạo, thịt, nước mắm… Trong hai năm đại dịch Covid-19, Helf for Việt Nam đã phát được hai tấn gạo cho những người thực sự cần.

Tinh thần “lá lành đùm lá rách” của chị đã lan sang cả bố mẹ chồng nên ông bà cũng chủ động quyên góp cho quỹ. Chị nhớ, lần đó đưa cho chị 3.000 Franc Thụy Sỹ (khoảng gần 80 triệu đồng), mẹ chồng chị dặn dò: “Con mang tiền này về cho những người già cơ nhỡ, những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, trẻ mồ côi trong các chùa, rồi góp vào đầu tư cho trường học”.

Giúp ngôi trường ở Sơn La xây sân chơi và sắm đồ chơi xong chị lại triển khai xây trường học ở vùng núi Bình Định. “Xây trường xong thì xây nhà ăn. Xây xong rồi lại thấy thiếu cái này, cái kia nên lại lo sắm cho đủ. Thế là cuối cùng tổng chi phí lên tới quá nửa tỷ đồng. Làm xong tôi thấy rất ưng ý và cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng. Hai đối tượng mà Quỹ Helf for Việt Nam quan tâm nhất là người già và trẻ em. Vừa rồi, tôi lại hỗ trợ cho các ca phẫu thuật tim rồi bồi dưỡng thêm chút sữa cho các em sau mổ”, chị Thu Sương chia sẻ.

Tác giả và chị Phạm Thị Thu Sương đến Làng Lụa Hà Đông chọn mua khăn tặng các bà mẹ có công tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng Người có công số 2 Hà Nội. (Ảnh: Mạnh Cường)

Cuộc cách mạng niềm tin

Đồng tiền ở đâu cũng khó kiếm. Làm từ thiện, đặc biệt là quyên góp từ thiện, nếu không làm từ tâm và tạo được niềm tin sẽ rất khó khăn. Ở Thụy Sỹ cũng vậy. Chị Sương tâm sự: “Người châu Âu không dễ cho tiền khi chưa nhìn thấy việc mình làm. Nhưng khi họ đã tin thì sẽ cho rất nhiều. Có một cụ bà, năm nào cũng vậy, tới tháng Năm là gặp tôi để cho tiền. Mỗi lần là 1.000 Euro. Hay đó là một hiệu trưởng trường cấp III, vì mắc bệnh hiểm nghèo nên không qua khỏi. Trước khi mất, ông dặn dò con cháu rằng tiền mọi người ủng hộ ông chữa bệnh gửi toàn bộ cho Quỹ của cô Sương để giúp trẻ em Việt Nam. Sau này, khi đọc báo, tôi mới biết và không cầm được nước mắt”.

“Sau đó, tiền cứ được gửi về Quỹ liên tục, lên tới mười mấy ngàn. Ông mất rồi thì vợ ông trở thành “mạnh thường quân” của Quỹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Lễ Phục sinh là bà lại gửi tiền ủng hộ Quỹ”, chị Sương cho biết.

Anh Peter có người bạn thân tên là Tom. Anh rất trân trọng việc làm của hai vợ chồng bạn mình nên năm nào cũng quyên góp trong gia đình được khoảng 3-4.000 Euro để ủng hộ Quỹ. “Chúng tôi làm gì cũng luôn minh bạch để người ủng hộ Quỹ không hỏi vẫn biết. Hàng năm, anh Peter đều tổ chức tiệc tri ân để giới thiệu về Việt Nam, ẩm thực Việt Nam, hát nhạc Việt Nam và chiếu những video, hình ảnh mà Quỹ Help for Việt Nam đã làm trong năm… Nhờ minh bạch, rõ ràng và ủng hộ đúng đối tượng nên Quỹ ngày càng làm được nhiều việc ý nghĩa hơn nữa”, chị Thu Sương chia sẻ.

Câu chuyện của chúng tôi tiếp diễn mãi khi tôi cùng chị dạo quanh phố cổ để sắm quà Tết tặng các mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhìn ánh mắt chị long lanh, đầy hứng khởi, trong lòng tôi chợt dâng lên những cảm xúc khó tả. Đó thực sự là những điểm nhấn khó quên trong cuộc sống đầy sự vội vã này.

Minh Hòa

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mot-chuyen-tinh-ket-noi-nhieu-trai-tim-215196.html