Một công ty do EVN nắm hơn 54% vốn bị mất an toàn tài chính

Theo Kiểm toán Nhà nước, Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 do EVN nắm giữ 54,34% vốn điều lệ đã bị đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

Trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đánh giá Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý dòng tiền chưa hiệu quả.

Năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của 219 đơn vị thuộc 20 tập đoàn, tổng công ty và công ty.

Kết quả kiểm toán cho thấy việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp còn một số hạn chế. Chẳng hạn, phần lớn đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách. Một số đơn vị chưa xây dựng quy chế quản lý tiền, định mức tồn quỹ tiền mặt/tiền gửi ngân hàng, quản lý dòng tiền chưa hiệu quả...

EVN quản lý dòng tiền chưa hiệu quả

Về EVN, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 của tập đoàn. Theo đó, cơ quan kiểm toán chỉ rõ trong kỳ kiểm toán, EVN chưa có quy định về hạn mức số dư tiền gửi nhằm linh hoạt chuyển tiền gửi không kỳ hạn thành tiền gửi có kỳ hạn (Công ty mẹ - EVN).

Việc cân đối dòng tiền năm và hàng tháng tại một số đơn vị chưa cân đối giữa nguồn tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn, trong đó một số thời gian còn duy trì lượng tiền gửi không kỳ hạn, ít giao dịch nhưng chưa cân đối để gửi có kỳ hạn (Công ty mẹ - EVN, Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Tổng công ty Điện lực miền Nam).

Tương tự, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra một số đơn vị có hợp đồng tiền gửi với kỳ hạn ngắn hơn thời gian ổn định của số dư tiền gửi trong năm (Tổng công ty Phát điện 3, Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa thuộc Tổng công ty Phát điện 3).

Đáng chú ý, Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 (TV1) do EVN nắm 14,5 triệu cổ phần, tương đương 54,34% vốn điều lệ, bị đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt theo quy định tại Nghị định 87/2015 của Chính phủ.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra EVN ban hành Quyết định giao vốn điều lệ cho các tổng công ty khi chưa được cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước phê duyệt chủ trương.

Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1 đã thực hiện thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, thẩm tra... trên 160 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy trên 20.000 MW. Ảnh: EVN.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra một số khoản đầu tư của tập đoàn, tổng công ty vào công ty liên doanh, liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ hoặc có khả năng mất vốn. Cụ thể, Tổng công ty Điện lực TP.HCM có 1 công ty phải trích lập dự phòng 10,22 tỷ đồng; Tổng công ty Điện lực miền Bắc có 3 công ty phải trích lập dự phòng 46,61 tỷ đồng; Tổng công ty Phát điện 3 - CTCP có 1 công ty phải trích lập dự phòng 10,17 tỷ đồng.

Liên quan đến khoản nợ khó đòi, Kiểm toán Nhà nước cho biết EVN phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi khoảng 367,86 tỷ đồng.

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra loạt công trình hoàn thành nhiều năm chưa được nghiệm thu, quyết toán của EVN là Dự án nhà máy Thủy điện Thác Mơ mở rộng, Dự án nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Dự án của Ban quản lý điện hạt nhân Ninh Thuận; Dự án của ban quản lý dự án FMIS.

Một số đơn vị hoạt động cho vay chưa phù hợp quy định như Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (công ty đại chúng trực thuộc Tổng công ty Phát điện 1) cho Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 1 vay 799,9 tỷ đồng trong giai đoạn 2014-2015.

Đề nghị làm rõ việc để mất an toàn tài chính tại TV1

Từ kết quả kiểm toán năm 2022, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu EVN báo cáo, làm rõ các tồn tại, vướng mắc trong việc quản lý vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ EVN và các công ty con do EVN sở hữu 100% vốn.

Trên cơ sở đó, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan báo cáo Thủ tướng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

"Đồng thời rà soát, quyết định và chỉ đạo EVN thực hiện nộp chênh lệch giữa nguồn vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ trong trường hợp EVN không có nhu cầu bổ sung vốn điều lệ hoặc không lập phương án xác định vốn điều lệ và nguồn đầu tư bổ sung vốn điều lệ theo quy định", Kiểm toán Nhà nước kiến nghị.

Về xử lý kiểm điểm, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến các sai phạm được phát hiện từ kết quả kiểm toán năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đề nghị các đơn vị kiểm tra tập trung vào việc để phát sinh các tồn tại về hạch toán vốn chủ sở hữu, bổ sung vốn điều lệ của Công ty mẹ EVN.

Bên cạnh đó là việc phê duyệt, giao vốn điều lệ của Công ty mẹ EVN cho các công ty con do EVN sở hữu 100% vốn; việc hạch toán các khoản bồi thường, hỗ trợ di dời các công trình lưới điện vào nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa đúng quy định tại EVNHCMC.

"Việc để phát sinh các tồn tại, hạn chế trong công tác mua sắm hàng hóa, dịch vụ, sửa chữa tài sản cố định tại tất cả các đơn vị được kiểm toán; việc để mất an toàn tài chính tại Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1", Kiểm toán Nhà nước kiến nghị.

Thanh Thương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mot-cong-ty-do-evn-nam-hon-54-von-bi-mat-an-toan-tai-chinh-post1446117.html