Một cuộc gặp, một cuốn sách, một đời người...

Từ TPHCM ra Hà Nội lần này tôi ấp ủ một việc, một mong muốn... là phải tìm đến thăm được một nhân vật khiến tôi vừa tò mò, vừa ngưỡng mộ mà mới chỉ biết trên Facebook. Và họa sĩ Tạ Trí, người bạn từ tuổi ấu thơ, đã kết nối đưa tôi đến tận nhà nhân vật đó vào một buổi tối đầu mùa thu Hà Nội.

Ông Phó Đức An bên một công trình của mình.

Ông Phó Đức An bên một công trình của mình.

Anh Peter Pho - nhân vật mà tôi ngưỡng mộ - tiếp tôi trong căn hộ cao cấp tầng 15 ở Láng Hạ. Cao lớn, chân tình, sắc sảo và mến khách. Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về anh. Anh tên thật là Phó Đức An, Việt kiều, một nhà đầu tư tại Mỹ và Hongkong, đồng thời là một cây bút viết bình luận quốc tế và tạp văn có hạng, dù anh viết báo bằng tiếng Anh, tiếng Trung là chính, sau này anh phải học thêm tiếng Việt và bắt đầu khám phá ra một điều là tiếng Việt hay ghê gớm, anh rất yêu tiếng Việt và bắt đầu viết bằng tiếng Việt từ đó...

Anh sang Mỹ năm 1979 khi chiến tranh biên giới bùng nổ. Đến một mảnh đất xa lạ về mọi mặt, nhưng anh đã không quản ngại lao vào mọi thử thách với đời. Đầu tiên anh xin việc vào làm ở một công ty phân phối thực phẩm cho các nhà hàng ở Chinatown New York, sau đó làm thêm một phần việc ban đêm ở một nhà máy sản xuất túi nhựa. Ky cóp được một số vốn bằng sức lao động của mình, anh bắt đầu tính chuyện kinh doanh bởi anh hiểu rõ lời dạy của ông cha: “Phi thương bất phú”. Anh thuê địa điểm mở một tiệm tạp hóa bán thực phẩm Á Châu ở một khu phố có nhiều người Việt Nam và Trung Quốc di cư. Sau hai năm, anh gom vốn và phát triển thành siêu thị lớn. Vận may đến với anh trong lúc Trung Quốc bắt đầu mở cửa khai phóng cho nguồn vốn nước ngoài được đầu tư vào thị trường này, anh về Trung Quốc năm 1993 mua lại một công ty quốc doanh đang bị thua lỗ nặng kinh doanh về đường mía. Anh bắt tay cắt giảm nhân lực xuống còn 15 người từ một công ty có hơn một trăm nhân viên, điều chỉnh lại cách thức kinh doanh, vừa may Trung Quốc cho mở thị trường tự do mặc cho giá cả tăng theo xu hướng thị trường, giá đường kính tăng gấp nhiều lần, chính vậy anh đã thu vào một khoản lời lớn với số đường tồn kho khi mua công ty. Một bước chuyển mình lớn khi đã có nguồn vốn cộng thêm sự hỗ trợ của ngân hàng, anh mua đất xây nhà máy cồn ở tỉnh Vân Nam Trung Quốc, mua nhiều hécta đất mướn dân trồng mía cung cấp cho nhà máy cồn, cứ vậy, công việc làm ăn như diều gặp gió. Sau đó, anh thành lập công ty Monjoin, một công ty chuyên chăm sóc sức khỏe phụ nữ, thị trường chiếm lĩnh hầu hết các nước Đông Nam Á, sau hai năm xâm nhập thị trường Việt Nam đã thu về thành tích to lớn. Nhưng sau đó vì một lý do khách quan, công ty rút khỏi Việt Nam nhưng riêng anh thì ở lại với một mối tình lãng mạn sẽ kể lại dưới đây.

Khi biết tôi cũng là dân viết lách, anh tặng cho tôi cuốn sách mới của anh: “Chém theo chiều gió”.

Đây chính là lý do mà tôi tìm đến để tự trả lời câu hỏi của mình: Vì sao anh có thể viết hay như thế? Và sau khi gặp anh, tôi đã tìm ra câu trả lời: Kiến thức sâu rộng, khả năng phân tích, tổng hợp, nhìn sâu vào bản chất và sự thật, vốn sinh ngữ uyên thâm, sự đọc khoáng đạt, sự kết hợp đỉnh cao giữa ngôn ngữ hàn lâm và đời thường của một Việt kiều nhiều năm sống ở nước ngoài, vốn kiến thức giúp anh biết trích dẫn những gì cần trích dẫn làm tăng giá trị bài viết của mình... tất cả những điều đó đã tạo ra một trình độ, một cách nhìn, một giọng văn học báo chí rất hấp dẫn lôi cuốn.

Đó là một buổi tối tuyệt vời với một kỷ niệm tuyệt vời trong một tuần tôi ở Hà Nội.

Người cựu chiến binh và ca sĩ Thúy Hoàn.

Đến thăm anh, tôi biết anh còn có mối tình 12 năm của anh với ca sĩ Thúy Hoàn - người vợ xinh đẹp của anh mà anh gọi là “ca nương quan họ” - tôi đùa anh rằng chả ai yêu quan họ đến mức mang cả quan họ về nhà như anh. Câu chuyện bắt đầu hơn 10 năm trước, trong một lần đi nghe hát quan họ Bắc Ninh, anh đã bị hút hồn bởi giọng hát và vẻ đẹp của “liền chị” Thúy Hoàn. Mất 10 năm quyết liệt theo đuổi cuộc tình, cách đây 2 năm anh mới cưới được “liền chị” Thúy Hoàn và đó cũng là lý do khiến anh ở lại Việt Nam nhiều hơn, đầu tư và viết lách về Việt Nam nhiều hơn... Gần đây anh chị đã đầu tư làm một trang trại tâm linh, bên cạnh bờ sông Đuống, có nhà sàn, có tượng đàn “Thần bốn mặt”, có pho tượng Phật Thích Ca nằm bằng nguyên khối đá trắng. “Nghỉ dưỡng, tĩnh lặng, đi vào chiều sâu của tâm linh để lĩnh hội sự huyền diệu trong tôn giáo là mục đích của công trình này”, anh nói.

Trong một khuôn viên rộng 700 mét vuông, dựng lên một ngôi nhà sàn bằng gỗ quý, là nơi để tiếp khách, nghỉ ngơi cuối tuần, có bếp riêng rộng rãi, đủ tiện nghi làm tiệc linh đình cho 100 mâm, bày từ trong nhà ra tận ngoài bờ sông. Nhà sàn có một trái nhô ra để làm sân khấu hát Quan Họ. Bên trái nhìn ra Sông Đuống là khuôn viên thờ thần bốn mặt. Ngôi tháp đặt tượng xây bằng đá, nền ngũ cấp bằng đá hoa cương, tượng bằng đồng và vàng. Tháp và khuôn viên xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia cầu kỳ đảm bảo chất lượng tuyệt đối với nguyên vật liệu tốt nhất. Khi hoàn tất sẽ uy nghi, bề thế và có phần to hơn khuôn viên thần bốn mặt (The Erawan Shrine) tại Banggkok.

Hơn tháng nay, ca nương Thúy Hoàn mang bệnh nhưng vẫn kiên trì đến công trình chỉ đạo cổ vũ anh em thợ thuyền. Hy vọng chỉ sau 3 tháng, một khuôn viên thờ thần bốn mặt của vợ chồng lão PP sẽ chói lọi bên bờ sông Đuống, đem lại sự linh thiêng tâm linh, từ đó ứng nghiệm để quốc thái dân an, gia đình hạnh phúc, là một chốn gửi gắm tâm linh của vợ chồng PP cùng con cháu họ hàng và bè bạn có duyên với thần Phật.

Ngoài ra anh còn đầu tư vào khu du lịch sinh thái trong và ngoài nước, mới nhất là đang xây một ngôi nhà tặng cho một cựu chiến binh đang gặp khó khăn trong cuộc sống hiện nay...

Anh kể:

Lần ấy, tôi và cô Tấm (vợ anh) vượt vài trăm cây số đến thăm một người bạn từ thuở hàn vi. Mấy chục năm trôi qua, người hàn vi vẫn hàn vi như hồi nào. Anh mượn nhà cô em để tiếp chúng tôi. Cơm no, rượu say, tôi ngỏ ý muốn thăm nhà bạn, bạn tôi thừ người trong chốc lát rồi quả quyết: “Rồi, An về chơi với mình lần trước chưa vào nhà, lần này mình sẽ cho xem nhà, nhưng mong bạn đừng chê”. Nói xong, hai ông bạn già khoác vai nhau đi sang nhà bạn tôi ở ngay cạnh vách nhà cô em. Chúng tôi bước vào một túp lều tranh vách đất tưởng nhầm đi vào nhà chị Dậu. Nghe bạn nói: “Nhà mình đây”, tôi bàng hoàng ngẩn người, nước mắt tràn mi, sao bạn tôi lại khổ thế này? Anh là một người ngay thật, đã từng cầm súng chiến đấu ở mặt trận đường 9 - Nam Lào, bị thương về quê, trên vách nhà có treo một khung tranh bên trong là ba cái bằng khen “Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng Nhì và Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng ba”. Đây có lẽ là tài sản quý giá nhất của anh trong căn nhà này, khiến tôi liên tưởng đến một thành ngữ “Gia đồ tứ bích”, nghĩa là nhà chỉ có bốn vách tường trát đất mong manh. Có nhiều thứ được anh gom về chất trong nhà như quạt máy bị hỏng, xác tivi, mô tơ điện... nhưng nếu cho dân đồng nát chắc họ cũng không thể bòn ra nổi một cắc từ đống rác này. Riêng tác phong người lính của anh vẫn đấy, thể hiện ở cái chăn anh gấp gọn gàng trên giường. Vẫn nụ cười lạc quan, ánh mắt thân thiện và những kỷ niệm trên chiến trường. Cuộc đời có cơ cực, nhưng đối với bạn tôi, người đã nếm cái khổ suốt mấy chục năm qua chắc anh chẳng nề hà chi, bởi anh luôn là một người lính.

Ép buộc anh cầm chút tiền mua sắm quần áo tư trang, chúng tôi ra về với một nỗi lòng nặng trĩu. Thật ấm lòng tôi khi ra về nghe cô Tấm hứa: “Em sẽ giúp xây cái nhà lên bằng gạch, ngói cho bạn anh, anh yên tâm anh nhé.”

Và sau đó vài tuần:

Dậy từ 4h giờ sáng, anh và cô Tấm lên xe tiến thẳng về khu vực chợ Chu, Đại Từ, Thái Nguyên. Đúng 7 giờ, cô Tấm ra lệnh: “Khởi công!”, càng xe ủi vươn ra, vừa đụng vào mái nhà thì căn nhà ọp ẹp đã sụp đổ, vài ba nhát ủi nữa thì căn nhà biến mất, để lại một cái sàn nhà bằng đất nhầy nhụa sau những đợt mưa vừa rồi. Bạn anh chợt nhớ ra điều gì, lao vào bới tung đống đổ nát lôi ra được cái mũ cối và cái bàn gỗ cũ kỹ. Bạn anh nói cái bàn bên trong đựng bằng khen chiến sĩ và một số giấy tờ quan trọng, còn cái mũ anh đã đội mấy chục năm bôn ba khắp mọi nẻo chiến trường. Quần áo hai ba bộ cũ nhưng sạch sẽ, để ý thấy cổ vai có vài đường khâu vụng về của bàn tay người đàn ông thì không khỏi ngậm ngùi.

Bạn anh sung sướng, bạn anh cảm động, nước mắt cứ chạy quanh khóe mắt suốt cả buổi. Anh cầm tay bạn cũng cảm động vô vàn, anh và cô Tấm đã thực sự bắt tay với một tinh thần quyết liệt để chinh phục bạn mình đồng ý nhận món quà này.

Một đội quân làm ngày làm đêm trong vòng khoảng chục ngày, một căn nhà tình bạn mọc lên, có 3 phòng ngủ, 1 phòng khách, một bếp, một nhà tắm, một toa lét. Ba bố con bạn anh mỗi người một phòng ngủ, gia đình sum vầy, một cuộc sống mới bắt đầu.

Câu chuyện cô Tấm ngày nay là thế. Câu chuyện của người bạn tôi mới quen là thế. Nhưng đây không phải là chuyện của viết lách nữa mà là câu chuyện của một tấm lòng, của một tình người...

huỳnh dũng nhân

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/mot-cuoc-gap-mot-cuon-sach-mot-doi-nguoi-634300.ldo