Một đạo sắc phong quý thời Tây Sơn được lưu giữ tại nhà thờ họ Phan Đình ở Hà Tĩnh

Đạo sắc này phong cho một danh tướng họ Phan Đình là Phan Đình Quang, vị võ tướng phò tá Triều Tây Sơn đã lâu, sự trung thành, cống hiến, tận tụy với nhà Vua. Ông nhiều lần xông pha trận mạc, lập nhiều công lao bảo vệ triều đại Tây Sơn nên được phong là Trung úy Cận vệ, Anh Dũng Tướng Quân.

Nhà thờ họ Phan Đình được xây dựng cách đây trên 300 năm, trải qua 13 đời tại thôn Đại Lợi, xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Di tích nhà thờ tọa lạc trên nền đất cao ráo, đẹp, có diện tích khoảng 800m2, gồm 1 thượng điện 4 mái và 1 hạ điện 3 gian. Các con cháu hậu duệ các đời đều dày công tu tạo, noi theo ông tổ, phát huy được truyền thống tốt đẹp yêu nước, thương nòi, hiếu học.

Năm Đinh Dậu (2017), con cháu dòng tộc Phan Đình đã xây dựng công trình lăng mộ Tổ và trùng tu, tôn tạo lại nhà thờ khang trang, đẹp đẽ

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhà thờ họ Phan Đình là nơi giảng dạy học sinh mẫu giáo cho các em trong làng; cũng là nơi đặt trụ sở và hội trường UBND xã Đức Thanh cũ. Từ nơi đây hàng trăm con cháu đã tình nguyện ra đi tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Trong họ đã có 4 liệt sĩ, 1 bà mẹ được Nhà nước công nhận là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Trước thực trạng xuống cấp của nhà thờ cũ được xây dựng hàng trăm năm, năm Đinh Dậu (2017), thể theo nguyện vọng của Họ tộc, con cháu dòng tộc Phan Đình đã hoàn tất việc đầu tư xây dựng công trình lăng mộ Tổ và triển khai trùng tu, tôn tạo lại nhà thờ khang trang, đẹp đẽ hơn.

Ông Phan Đình Oánh, Tộc trưởng họ Phan Đình cho biết, tại nhà thờ họ Phan Đình hiện đang lưu giữ một đạo sắc phong bằng văn tự Hán Nôm cổ quý hiếm thời Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7 (1799). Đạo sắc trên được con cháu trong dòng tộc tìm thấy trong quá trình sao lục tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu về các nhân vật lịch sử thuộc dòng tộc họ Phan.

Ông Phan Đình Oánh, Tộc trưởng họ Phan Đình cho biết, Sắc phong được phục chế lại đầy đủ nguyên bản, rồi được dòng họ sao lại để lưu truyền cho nhiều thế hệ mai sau tiếp tục phát huy giá trị của sắc phong, dòng họ.

Theo đó, đạo sắc phong cổ nói trên được phong năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1799). Cảnh Thịnh là con vua Quang Trung - Nguyễn Huệ thời Tây Sơn. Tính đến năm 2023, Sắc đã là 224 năm.

Đây là loại sắc lệnh: Phong chức, giao nhiệm vụ. Sắc được đóng triện Sắc Mệnh Chi Bảo, phong cho ông Phan Đình Quang, quê quán: Xã Thanh Lãng, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ (nay thuộc thôn Đại Lợi, xã Thanh Bình Thịnh (trước là xã Đức Thanh), huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Sắc được phong từ lâu, trải qua nhiều triều đại lịch sử tuy có bị phai mất một vài chữ; một vài chỗ bị mục, hư nhưng nói chung còn giữ được nội dung cơ bản của Sắc.

Sau khi nghiên cứu xem xét, đối chiếu nhiều tài liệu lịch sử, sử sách thời Tây Sơn, hiện Sắc đã được phục chế lại đầy đủ nguyên bản.

Xét về mặt lịch sử, ông Phan Đình Quang là vị tướng võ phò giúp Quang Trung - Nguyễn Huệ Triều Tây Sơn. Khi Quang Trung mất, ông tiếp tục phò tá cho vua Cảnh Thịnh là con vua Quang Trung (tức là Nguyễn Quang Toản). Quang Toản lên ngôi vua năm 1792 đến năm 1793 lấy niên hiệu Cảnh Thịnh năm thứ nhất.

Khi Quang Trung mất (1792) Triều Tây Sơn cực kỳ hỗn độn. Nội bộ mất đoàn kết, anh em chia bè phái, vây cánh, đánh nhau, tương tàn, nồi da nấu thịt, triều đình mâu thuẫn, chia rẽ, hãm hại lẫn nhau, tranh giành quyền lực, mất lòng tin dân chúng. Từ đó, triều đại Tây Sơn bắt đầu suy yếu nhanh chóng. Lợi dụng tình hình đó Nguyễn Ánh phục hồi lại lực lượng và từ từ chiếm lại được các địa danh và thành trì quan trọng của Đàng Trong (Nam Bộ ngày nay) như Gia Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Xuân (Huế)…

Vua tôi Quang Toản phải vượt qua Sông Gianh, ra vùng Thanh - Nghệ và chạy ra Thăng Long. Thế lực ngày càng cạn kiệt. Các tướng lĩnh, sĩ tốt mất mát, rơi rụng gần hết. Tháng 8/1801, Quang Toản đổi niên hiệu từ Cảnh Thịnh sang Bảo Hưng. Đến tháng 5/1802 thì Triều Tây Sơn hoàn toàn sụp đổ.

Nhà thờ họ Phan Đình tại thôn Đại Lợi, xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Sắc được phong năm 1799, như vậy chỉ còn chưa đầy 3 năm nữa là Triều Tây Sơn mất. Như đã phân tích trên, lúc này Triều Tây Sơn đã gần như suy sụp. Ông Phan Đình Quang là một trong những tướng lĩnh trung thành còn lại phò tá Quang Toản nên đã được phong sắc:

Nguyên văn :

Sắc Đức Thọ phủ, La Sơn huyện, Thanh Lãng xã, Sơn Khuông đạo, Đại Ninh vệ Đội trưởng Phan Đình Quang, lịch tòng chiến trận, phả hữu cần lao, khả gia Anh Dũng Tướng quân Trung úy Cận vệ. Suất bản phân quân sai bát. Nhược giải đãi bất cần, hữu quân hiến tại. Khâm tai. Cố sắc !

Cảnh Thịnh thất niên cửu nguyệt nhị thập bát nhật.

Dịch nghĩa:

Sắc (cho) Phan Đình Quang quê xã Thanh Lãng, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ là Đội trưởng vệ Đại Ninh thuộc đạo quân Sơn Khuông, từng xông pha chiến trận, lập nhiều công lao, nay đáng được phong thêm chức Anh Dũng Tướng Quân Trung úy Cận vệ. Hãy làm tròn bổn phận cầm quân để sai phái (điều binh). Nếu lười biếng, trễ nải thì phải chịu theo phép quân. Hãy tuân theo. Nay ban sắc !

Cảnh Thịnh năm thứ 7 (1799), ngày 28 tháng 9.

Sắc được phong từ lâu, trải qua nhiều triều đại lịch sử tuy có bị mất một vài chữ, nét, một vài chỗ bị mục, hư đã được phục chế lại đầy đủ nguyên bản trên giấy gió dày.

Căn cứ nội dung sắc phong trên, cho thấy, ông Phan Đình Quang là vị võ tướng phò tá Triều Tây Sơn đã lâu. Do trung thành, cống hiến, tận tụy với nhà vua nên được lựa chọn là người nhiều lần xông pha trận mạc, lập nhiều công lao trong các lần chiến đấu bảo vệ triều đại Tây Sơn. Vì vậy, ông mới được phong là Trung úy Cận vệ, Anh Dũng Tướng Quân.

Khi Quang Toản cùng đường chạy ra Lạng Giang (Bắc Giang ngày nay) thì nơi đây là trận đánh cuối cùng để bảo vệ vua cuối cùng của triều đại Tây Sơn. Ông Phan Đình Quang đã liều chết hy sinh để bảo vệ vua, mà không như những kẻ khác bán nước cầu vinh.

Khi Nguyễn Ánh thay được triều đại Tây Sơn lên nắm quyền lực (1802-1945), nhất là những năm đầu, Nguyễn Ánh đã ra tay trả thù, tàn sát những gì liên quan đến Tây Sơn hết sức dã man, tàn độc. Những tư liệu, tài liệu, sắc phong v.v… của Triều Tây Sơn cũng chung số phận bị xóa sạch, đốt sạch, phá sạch. Sau đó khi 1954 đến 1975 lại một lần nữa những gì gọi là “phong kiến” cũng bị phá hoại.

Như vậy, qua thời gian 224 năm, trải qua bao thăng trầm lịch sử, biến động xã hội, do thiên tai, do nhân tai, dòng họ Phan Đại Tôn tại thôn Đại Lợi, xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh vẫn giữ được sắc phong của vua Cảnh Thịnh là một kỳ tích. Đây là tài sản vô giá của dòng họ, sự linh thiêng của tổ tiên, sự quyết tâm cố gắng của các thế hệ hậu duệ cháu con mới lưu giữ được sắc phong này.

Nhà thờ họ Phan Đình lưu giữ một đạo sắc phong quý thời Tây

Theo đại diện UBND xã Thanh Bình Thịnh cho biết, đạo sắc này là kho tư liệu quý hiếm phục vụ cho việc tìm hiểu nghiên cứu về lịch sử, nhân vật, văn hóa dòng họ trên địa bàn Hà Tĩnh trong thời gian tới.

UBND xã cũng đã xác nhận cho Hội đồng dòng tộc họ Phan Đình, để phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong quá trình lập hồ sơ khoa học di tích, và thực hiện việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Mong rằng, với việc phát hiện đạo sắc phong cổ quý hiếm này sẽ sớm được Nhà nước công nhận xếp hạng để bảo vệ và phục vụ cho việc giáo dục truyền thống ở địa phương; giúp các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa tìm hiểu thêm về sự thay đổi các địa danh hành chính làng xã, tỉnh, huyện… trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh qua các thời kỳ. Đây còn là nguồn tư liệu văn tự Hán Nôm cổ có giá trị quý hiếm, giúp phục vụ cho công tác nghiên cứu khai thác trưng bày và lưu giữ bảo quản lâu dài.

Trần Phong

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mot-dao-sac-phong-quy-thoi-tay-son-duoc-luu-giu-tai-nha-tho-ho-phan-dinh-o-ha-tinh-post239347.html