Một dấu mốc quan trọng trong nghiên cứu văn học so sánh Đông Nam Á

Ngày 14/12, Viện Văn học- Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phối hợp cùng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn- ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế 'Văn học so sánh Đông Nam Á: Lịch sử, lý thuyết và những khả năng ứng dụng'.

Hội thảo "Văn học so sánh Đông Nam Á: Lịch sử, lý thuyết và những khả năng ứng dụng" hướng đến tìm hiểu lịch sử, đặc trưng của văn học so sánh ở các nước Đông Nam Á từ phương diện lý thuyết và thực hành, đồng thời, thử nghiệm cách tiếp cận các tác phẩm văn học Đông Nam Á hiện đại và đương đại trong sự so sánh, quy chiếu với nhau để thảo luận các vấn đề về dân tộc, văn hóa, xã hội, lịch sử của Đông Nam Á hiện đại.

Hơn 70 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà văn, các chuyên gia trong nước và nước ngoài đã được gửi tới Hội thảo. Hội thảo cũng có sự tham dự trực tiếp của 23 học giả quốc tế đến từ các trường đại học lớn của các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pháp, Hoa Kỳ, Đức… và hơn 50 học giả, nhà nghiên cứu trong nước cho thấy sức hút của các vấn đề thảo luận tại Hội thảo.

Các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học tham gia Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Minh- Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng, Đông Nam Á hiện đang là khu vực quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và văn hóa. Đây cũng là nơi hội tụ, giao lưu, tiếp biến bản địa hóa nhiều luồng văn hóa khác nhau.

Ở Việt Nam, lý luận về văn học so sánh mới được quan tâm vài thập niên gần đây. Tại Viện Văn học, văn học so sánh đã được giới thiệu từ những năm 80 thế kỷ trước như một lý thuyết và trở thành đối tượng nghiên cứu từ năm 2006. Bộ môn văn học so sánh đã được đưa vào giảng dạy ở bậc đại học ở nhiều cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Nhiều công trình nghiên cứu, dịch thuật, ứng dụng về văn học so sánh xuất bản nhiều ở Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Đức Minh cho biết, cùng với quá trình hội nhập, việc nghiên cứu văn hóa, văn học Đông Nam Á cũng được đẩy mạnh ở Việt Nam, trong xu thế này, việc nghiên cứu, giảng dạy về văn học Đông Nam Á đòi hỏi phải có những chuyển dịch phù hợp cả về quan điểm, cách tiếp cận, lý thuyết vfa các khả năng thực hành.

PGS.TS Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, Hội thảo tập trung tiếp cận các tác phẩm văn học, các xu hướng và hiện tượng văn học cũng như cách giảng dạy và nghiên cứu văn học ở trong khu vực trên cơ sở quy chiếu, so sánh với nhau, để từ đó gợi mở những suy nghĩ về đặc điểm của văn học so sánh Đông Nam Á trên phương diện lí thuyết, lịch sử và thực hành.

Hội thảo quan tâm làm sáng tỏ một số vấn đề chính như: Bối cảnh Đông Nam Á của việc sáng tạo và diễn giải văn học ở các quốc gia, quá trình kiến tạo các giá trị dân tộc- quốc gia, hình thành ý niệm về dân tộc và sự biểu đạt các tư tưởng dân tộc ở mỗi nền văn học trong quan hệ giữa các nền văn học của khu vực. Đặc trưng dân tộc và tính phổ quát của văn học Đông Nam Á hay tính bản địa cùa các nền văn học Đông Nam Á và mối liên hệ, mô hình kết nối giữa chúng. Quá trình kinh điển hóa các tác phẩm văn học ở các nước, sự du nhập của các lý thuyết vào các nền văn học nơi đây làm thay đổi như thế nào các khung tri thức về văn học, từ góc nhìn đó làm phát lộ những diện mạo mới của văn học từng nước trong khu vực.

Hội thảo là cơ hội góp phần cung cấp chất liệu để tìm giải pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học và giảng dạy văn học so sánh ở Việt Nam. Đồng thời, các nhà khoa học trong khu vực và quốc tế, với những truyền thống học thuật và quan điểm khoa học sẽ tiếp tục cung cấp tri thức, đóng góp vào sự mở rộng tầm nhìn, dịch chuyển các góc nhìn, cách diễn giải về các nền văn học, các tác phẩm văn học ở Đông Nam Á. "Hy vọng, trong tương lai sẽ hình thành nên một diễn đàn chung trao đổi học thuật thường niên hoặc 5 năm một lần về văn học so sánh Đông Nam Á để cập nhật các chủ đề, cá phương pháp tiếp cận cũng như chia sẻ các thể nghiệm hay thành tựu mới đối với bộ môn này trong khu vực, PGS.TS Nguyễn Đức Minh bày tỏ.

TS. Trần Thiện Khanh- Phó Viện trưởng Viện Văn học báo cáo đề dẫn Hội thảo

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, TS. Trần Thiện Khanh- Phó Viện trưởng Viện Văn học đưa ra những dẫn chứng cho thấy, văn học Đông Nam Á còn thiếu vắng trong nỗ lực của các nhà thực hành và lý thuyết của văn học so ánh trong việc phát triển bộ môn này bằng cách hướng ra các nền văn học bên ngoài phương Tây.

Văn học Đông Nam Á đang được giảng dạy ở các bậc đại học và sau đại học như một bộ môn chuyên ngành văn học so sánh. Ở một số trường đại học phương Tây cũng xuất hiện khá dày nhưng chủ yếu như là chất liệu cho các luận điểm mang tính lý thuyết về mối quan hệ của văn học và các vấn đề lịch sử, chính trị, xã hội trong một công trình được đánh giá là kinh điển của khoa học nhân văn- "Cộng đồng tưởng tượng" của GS. Benedict Anderson.

TS. Trần Thiện Khanh cho biết, cũng có nhiều học giả Đông Á so sánh các hiện tượng trong tác phẩm văn học trong khu vực với nhau như một cách tiếp cận nền văn hóa riêng. Ở Việt Nam, văn học Đông Nam Á được nghiên cứu từ những năm 1980, bắt đầu bằng công trình của các nhà khoa học làm việc tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và từ đó đến nay có nhiều công trình về văn học Đông Nam Á của các tác giả như: Nguyễn Đức Ninh, Vũ Tuyết Loan, Nguyễn Sỹ Tuấn, Lại Phi Hùng, Lưu Đức Trung, Đỗ Thu Hà… Một điểm nổi bật là văn học Việt Nam thường trở thành điểm quy chiếu, quy chuẩn trong các diễn giải các nền văn học khác nhau trong khu vực Đông Nam Á.

Lịch sử các nền văn học Đông Nam Á thường được phân kỳ giống như cách phân kỳ của lịch sử văn học Việt Nam, nhất là đối với nền văn học các quốc gia từng là nước thuộc địa. Thực hành văn học so sánh sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn nển văn hóa dân tộc, mở rộng tầm nhìn về nền văn học các khu vực khác, thúc đẩy việc khám phá đánh giá và lý giải mối liên hệ giữa các nền văn học Đông Nam Á trong bối cảnh đòi hỏi sự giao lưu, hội nhập, TS. Trần Thiện Khanh nhấn mạnh.

TS. Trần Thiện Khanh cho biết, những nội dung trao đổi tại Hội thảo sẽ gợi mở những vấn đề lý luận về lịch sử và thực hành văn học so sánh Đông Nam Á với 3 vấn đề chính.

Cụ thể, định vị lại nền văn học Đông Nam Á trên bản đồ thế giới, khẳng định và làm rõ vị thế của văn học so sánh trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt là lịch sử đặc trưng và triển vọng về nghiên cứu lý luận và thực hành ứng dụng văn học so sánh Đông Nam Á. Chỉ ra vai trò của lĩnh vực văn học so sánh đối với văn hóa dân tộc và các thiết chế văn hóa, các cơ sở giáo dục đại học, viện và trung tâm nghiên cứu đối với việc hình thành và phát triển của bộ môn khoa học này.

Thứ hai, trên cơ sở so sánh, đối chiếu các tác phẩm văn học, các nền văn hóa trong khu vực Đông Nam Á hiện đại từ cách tiếp cận liên ngành, đa ngành, thảo luận về sự ảnh hưởng, tính phổ quát, tính khác biệt giữa các nền văn học, mở rộng ra một số vấn đề của dân tộc, văn hóa, xã hội và lịch sử.

Tìm kiếm giải pháp thúc đẩy quan hệ giao lưu giữa các nền văn hóa, văn học hướng tói xây dựng các dự án, công trình văn học so sánh mang tính quốc gia và khu vực. Đồng thời, xây dựng một diễn đàn khoa học chung về văn học so sánh Đông Nam Á, gợi ý, đề xuất các vấn đề nghiên cứu tiềm năng của văn học so sánh Đông Nam Á trong liên hệ với Bắc Á, Nam Á, Đông Á và cả phương Tây.

TS. Trần Thiện Khanh bày tỏ mong muốn Hội thảo sẽ trở thành một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của văn học so sánh nói chung, văn học so sánh Đông Nam Á nói riêng. Và một số vấn đề về phương pháp luận, ý thức văn học so sánh sẽ được làm sáng tỏ hơn thông qua việc xây dựng bối cảnh, thực tiễn, lịch sử đời sống văn học các nước Đông Nam Á.

Hội thảo Khoa học quốc tế "Văn học so sánh Đông Nam Á: Lịch sử, lý thuyết và những khả năng ứng dụng"

Trong khuôn khổ Hội thảo, 10 tiểu ban thảo luận với những vấn đề chính như: Văn học so sánh ở các nước Đông Nam Á: Lịch sử, xu hướng, mối quan hệ với nền văn học dân tộc và tư tưởng dân tộc ở mỗi quốc gia. Dịch, nghiên cứu, giảng dạy văn học Đông Nam Á hiện đại và đương đại ở các nước Đông Nam Á: Chính sách Nhà nước về văn hóa, văn học dân tộc, thị hiếu công chúng. Tiếp cận các tác phẩm văn học hiện đại Đông Nam Á trong quan hệ quy chiếu và so sánh từ các lí huyết mới trong nghiên cứu khoa học nhân văn. Quá trình kinh điển hóa các tác phẩm văn học dân tộc ở các nước Đông Nam Á. Văn học viết bằng ngôn ngữ phương Tây và các vấn đề dân tộc ở các nước Đông Nam Á hiện đại và đương đại. Sự tiếp nhận các lí thuyết phê bình văn học hiện đại tại các quốc gia Đông Nam Á trong hơn 50 năm trở lại đây.

Vân Khánh

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/mot-dau-moc-quan-trong-trong-nghien-cuu-van-hoc-so-sanh-dong-nam-a-20231214213504551.htm