Một đêm tại lò mổ

Mỗi đêm, khi mọi người gác lại công việc của một ngày để nghỉ ngơi thì những cán bộ, nhân viên thú y trực kiểm dịch, kiểm soát giết mổ (KDKSGM) lại chuẩn bị bắt tay vào việc, đến từng lò mổ làm nhiệm vụ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh (bìa trái) kiểm tra cơ sở giết mổ

Mỗi năm chỉ được nghỉ đêm giao thừa

Một đêm theo các cán bộ, nhân viên thú y trực KDKSGM, chúng tôi mới cảm nhận được phần nào vất vả của nghề. Công việc của họ thường bắt đầu vào lúc 21 giờ và kéo dài đến tận sáng hôm sau. Đầu giờ chiều, họ tiếp tục làm nhiệm vụ thú y tại các xã được phân công phụ trách. Vào các ngày lễ, tết, số lượng gia súc, gia cầm về các lò mổ nhiều hơn nên công việc của họ lại càng vất vả.

Trưởng trạm Chăn nuôi, Thú y huyện Đức Hòa - Nguyễn Hoàng Ân cho biết: "Nghề KDKSGM rất đặc thù. Trong năm, cán bộ, nhân viên trực KDKSGM chỉ được nghỉ một đêm giao thừa. Công việc cứ lặp đi lặp lại quanh năm". Gắn bó với nghề KDKSGM gần 40 năm, hơn ai hết, ông Trần Bá Hiền (kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh động vật hạng IV, Trạm Chăn nuôi, Thú y huyện Bến Lức, tỉnh Long An) hiểu rất rõ những gian nan, vất vả của nghề. Ông Hiền bộc bạch: “Ngày thường thì không nói gì bởi đặc thù của nghề KDKSGM làm việc ban đêm, còn ngày lễ, tết, khi mọi người được nghỉ ngơi thì công việc của chúng tôi lại tăng hơn, đôi lúc cũng thấy chạnh lòng vì không có nhiều thời gian dành cho gia đình”.

Do làm việc ban đêm, nhiều cán bộ, nhân viên thú y thường bị rối loạn nhịp sinh học dẫn đến các bệnh như tiểu đường, huyết áp, tim mạch, béo phì,... Dù làm việc trong điều kiện bất lợi nhưng thu nhập chưa tương xứng với công sức của cán bộ, nhân viên thú y bỏ ra. Ông Võ Thanh Hùng (kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh động vật hạng IV, Trạm Chăn nuôi, Thú y huyện Bến Lức) chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng sẽ có chế độ phụ cấp thêm cho cán bộ, nhân viên thú y làm nghề KDKSGM để giúp chúng tôi an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với nghề”.

Ông Trần Bá Hiền gắn bó với nghề kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gần 40 năm

Khó tuyển nhân sự

Với những khó khăn trên, đến nay, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh luôn trong tình trạng thiếu nhân sự. Cụ thể, Chi cục đang thiếu 44 nhân sự nhưng lại không tuyển dụng được. Nếu tuyển được thì họ cũng chỉ làm việc trong thời gian ngắn rồi xin nghỉ.

Anh Bùi Quang Điền (kiểm dịch viên động vật Trạm Chăn nuôi, Thú y huyện Bến Lức) cho biết: “Tôi gắn bó được với nghề là nhờ gia đình động viên, chia sẻ. Ai vào làm nghề này mà không có gia đình hỗ trợ, thông cảm, không chịu được vất vả thì không trụ nổi, bởi hiện nay, bác sĩ thú y có thể dễ dàng tìm việc bên ngoài với mức lương hấp dẫn hơn".

Nghề kiểm dịch, kiểm soát giết mổ rất đặc thù phải làm việc ban đêm, nhất là các ngày lễ, tết cũng không được nghỉ

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh hiện có 48 cơ sở giết mổ tập trung, trong đó, 75% cơ sở giết mổ thủ công. Từ đầu năm đến nay, số lượng kiểm soát giết mổ heo xuất tỉnh tăng 30% so cùng kỳ năm 2022. Hiện nay, cán bộ, nhân viên thú y làm việc quá tải, bình quân 6-8 giờ/đêm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: "Long An tập trung các cơ sở giết mổ lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sản phẩm cung cấp chủ yếu cho thị trường TP.HCM. Lực lượng thú y đang đối diện với nhiều khó khăn từ áp lực công việc, sức khỏe đến chế độ. Ngành chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên động viên lực lượng cán bộ thú y; tăng cường công tác tuyển dụng; thường xuyên kiểm tra các cơ sở giết mổ; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của các chủ cơ sở giết mổ;…".

Một đêm theo chân cán bộ, nhân viên trực KDKSGM, điều đọng lại trong chúng tôi là hình ảnh các cán bộ, nhân viên phải thức đêm làm việc rất vất vả trong điều kiện đầy khó khăn nhưng họ luôn làm việc hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chúng tôi ra về khi những tia nắng đầu tiên xuất hiện với một niềm tin rằng nghề KDKSGM sẽ được các cấp, các ngành quan tâm hơn./.

Lê Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/mot-dem-tai-lo-mo-a151041.html