Một đời thanh bạch chẳng vàng son

Tôi không nhớ được mình đã có bao nhiêu lần vào thăm Lăng và Khu di tích lịch sử Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch. Bởi, mỗi khi bà con thân thuộc ở trong Nam ra chơi đều yêu cầu tôi dẫn đi thăm. Cứ mỗi lần đi, lại thấy trong tôi trỗi dậy, lớn lên những suy nghĩ, tình cảm tựa hồ như mới mẻ hơn, đẹp đẽ hơn.

Ao cá, nhà sàn trong Khu di tích Phủ Chủ tịch

Khu vườn xanh yên tĩnh, um tùm bóng mát và ngôi nhà sàn bằng gỗ đơn sơ gợi nhớ về một quãng đời dài tôi đã sống với đồng bào Tây Nguyên. Tư trang, tiện nghi của Người không có gì sang trọng, đắt giá, đều giản dị lạ thường. Ao cá nước xanh lơ với nhiều cây si già ven bờ mọc bụt lô nhô như cổ tích ngàn xưa sống lại. Những cây ăn trái sai quả như vườn quê ta. Giữa trưa, con chim công xòe to đuôi múa như tỏ lòng thân thiện với ai đến nhìn nó. Tất cả đều mang lại một cảm giác bình yên, thanh thản hòa quyện con người với thiên nhiên trong lành, một lối sống thanh bạch, giản dị, văn minh, đậm đà hồn dân tộc giữa thời hiện đại.

Lịch sử đã cho ta thấy các đấng thánh hiền, các bậc trượng phu, quân tử luôn xem giá trị đích thực của con người là dốc lòng vì sự nghiệp chân chính, hướng tất cả tâm đức, tài trí cho hạnh phúc con người và tiến bộ xã hội; có lối sống thanh cao, giản dị, chất phác.

Bác Hồ của chúng ta là một người như thế, đã sống như thế.

Tấm gương soi vốn không phản ánh được lời nói, chỉ phản ánh được hành động. Vì thế, người quân tử nói ít làm nhiều, nói bằng việc làm, coi trọng việc làm hơn lời nói.

Đi thăm khu vườn nhà của Bác trong Phủ Chủ tịch, ta bỗng cảm nhận sâu sắc Bác không chỉ vĩ đại ở tư duy của vị lãnh tụ mà còn rất vĩ đại cả trong phong cách sinh hoạt rất bình dân, giản dị hàng ngày.

Tôi bồi hồi nhớ lại những chuyện xa xưa:

Sau cuộc Cách mạng mùa thu Tháng Tám 1945 thành công, Bác về ở và làm việc trong Phủ Toàn quyền của Pháp (nay là Phủ Chủ tịch). Văn phòng chọn cho Bác một chỗ khá to đẹp, lộng lẫy, nhưng Bác từ chối. Bác bảo: “Chú Tô, chú Văn… (tức đồng chí Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp) có gia đình và sẽ tiếp khách nhiều, cần bố trí chỗ ăn ở, làm việc tốt cho các chú ấy, còn Bác chỉ vừa vừa thôi”. Bác đã chọn căn phòng ở của một người thợ điện để ở và làm việc.

Sau ngày hòa bình lập lại 1954, Bác có một chuyến đi thăm, cảm ơn các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Một Ủy viên Bộ Chính trị của Liên Xô đưa Bác đi thăm, giới thiệu những nhà ở “to, đẹp” của các Ủy viên Bộ Chính trị. Bác đi thăm các đồng chí, bạn bè thân quý cũ đã từng sống và làm việc ấm áp bên nhau, thấy nhà ở và cuộc sống cách biệt quá xa với các Ủy viên Bộ Chính trị Liên Xô, Bác trầm tư…

Được biết ở nhà đang chuẩn bị kế hoạch xây nhà cho Bác. Bác vội điện về ngăn việc xây nhà ở cho Bác, chờ Bác về sẽ quyết định.

Và Bác đã từ chối xây biệt thự, đề nghị dựng cho Bác căn nhà gỗ vừa phải, có hai phòng nhỏ để ngủ và tiếp khách, có diện tích hợp lý để họp Bộ Chính trị khi cần thiết…

Bác của chúng ta là một con người đã nói sao thì làm vậy, lời nói luôn đi đôi với việc làm, đặc biệt là làm bất cứ việc gì dù lớn hay nhỏ cũng đều cân nhắc trước hết đến lợi ích của nhân dân, đất nước và Đảng ta.

Ngôi nhà sàn, vườn cây, ao cá Bác Hồ đã ra đời trong Phủ Chủ tịch là như thế. Và nó mãi mãi là huyền thoại về nhân cách sống cao đẹp của Hồ Chí Minh.

Riêng tôi, dù đã thăm nhiều lần, nhưng lần nào đi trên lối sỏi nhỏ trong khu vườn nhà Bác, tôi vẫn nghe tâm hồn vang vọng bốn vần thơ của Tố Hữu:

Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải, hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.

Đại tá Hồ Ngọc Sơn

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/mot-doi-thanh-bach-chang-vang-son_t114c67n144375