Một 'đốm lửa' văn hóa Tây Nguyên

Chia tay Mang Yang trong chiều đông Tây Nguyên, tôi chỉ ước sao cùng với những cuộc ra quân rầm rộ về 'bảo tồn văn hóa dân tộc' ở chốn thị thành, người ta cũng thổi bùng lên những 'đốm lửa' nhằm góp phần giữ gìn ngôn ngữ, văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số một cách hiệu quả, như cái cách mà thầy giáo Lê Hữu Phong đã nhóm lên. Cái 'đốm lửa' mà tôi muốn nói đến là cách làm sáng tạo cùng tấm lòng của những người đã góp phần gìn giữ mạch nguồn bản sắc văn hóa dân tộc đang âm ỉ giữa thâm u của rừng tự ngàn xưa.

Đâm trâu - Lễ hội truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: INTERNET

Gây dựng sự học bằng… đồng dao

Năm 1986, chàng trai người gốc Hưng Yên Lê Hữu Phong tốt nghiệp Trung học Sư phạm và được bổ nhiệm ngay làm... Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kông Chiêng (Mang Yang), một ngôi trường vào loại "tận cùng địa lý" của Gia Lai. Lúc bấy giờ, ở ngôi trường này chỉ có lèo tèo vài ba học sinh và cũng vài ba thầy giáo nhưng đang nhấp nhổm bỏ trường đi... đãi vàng. Vừa thả chiếc ba lô đường rừng xuống, cơ may nào chẳng biết, Phong đã gặp ngay già làng Blu và sau ít hôm "vắt tay lên trán", anh quyết định đến gặp già Blu xin cho làm... học trò để học tiếng Ba Na.

Byău là làng xa nhất, cách trụ sở xã Lơ Pang (Mang Yang, Gia Lai) chừng 3 giờ đi bộ qua con đường độc đạo nối hai núi nhỏ và núi lớn Hlin. Cuộc "biểu diễn văn nghệ" độc đáo sắp bắt đầu. Những ngọn đuốc lẫn trong mưa bụi qua các nẻo đồi đổ về "sân khấu". Khán giả chủ yếu là trẻ con và "diễn viên"... dàn "ching chiêng" cũng bé như chúng. Trong khoảnh đất nhỏ ven rừng, chừng mươi lăm "diễn viên" nhí Ba Na bắt đầu tiết mục của mình. Chúng nối đuôi nhau, đứa đứng đầu láu lỉnh nhất, vượt qua mọi ngăn trở để đạt cho được mục đích là "phá hoại" những gì do con người làm ra, trên "nương", trên "rẫy".

Kết thúc hoạt cảnh thường là sự thất bại của "kẻ phá hoại". Rồi lại thả, rồi lại bắt... đệm vào đó là bài lĩnh xướng: "Bok kheng kheng, kreng ăm toh...bok kheng kheng, kreng đăm toh... " (bài ca đuổi con rồng ma phá hoại mùa màng). Lửa ấm áp một góc làng, tiếng cười lao xao một góc rừng... Rồi dàn "ching chiêng" với những vòng "xoang" bé thơ mỏng mảnh chân trần rộn lên bài "Ngợi ca Anh hùng Núp", cuốn hút cả người già, con trẻ say sưa vào cuộc... Hàng tháng sau, dư âm của trò chơi con trẻ này vẫn tiếp tục lan tỏa giữa núi rừng, trong buổi thả bò, hái rau, bắt cá... "Vậy nhưng thông qua buổi biểu diễn này là mục đích rất "thời sự": Kêu gọi trẻ Ba Na trở lại lớp học. Và lần nào cũng hiệu quả..." - Thầy giáo Lê Hữu Phong tâm sự.

Người thầy "số một"

Sau 14 năm là Hiệu trưởng vùng sâu, liên tiếp được tín nhiệm bầu vào "Hội đồng xã" mấy nhiệm kỳ, tốt nghiệp đại học từ xa, thầy giáo Lê Hữu Phong được lãnh đạo ngành giáo dục địa phương giao trọng trách Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Mang Yang. Lấy vợ là người đồng hương, gia đình anh nay như một "mảnh" quê miền Bắc "đậu" trên Tây Nguyên, găm lại bền chặt trên đất bazan nắng gió. Điều này càng thôi thúc anh theo đuổi "sự nghiệp" nghiên cứu văn hóa Ba Na của mình. Ngoài thời gian dạy học, anh rong ruổi khắp vùng để học hỏi thêm về ngôn ngữ, tìm hiểu về đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán của người địa phương... Những câu dân ca, lời hát; chi tiết về lễ hội đâm trâu, bỏ mả, mừng lúa mới đều được thầy giáo Phong ghi chép cẩn thận.

Đặc biệt, cứ mỗi khi nghe tiếng cồng chiêng của dân làng vang lên, dù xa tới đâu, anh cũng "mò" tới bằng được, xin cùng đánh chiêng. Được mọi người chỉ bảo tận tình, anh biết sử dụng một số chiếc có núm như chơ chê và bơ bết, bu hu trong một bộ chiêng. Biết chơi rồi, anh tự nhủ phải biết giữ nữa. Anh mua một số bộ cồng chiêng bằng tiền dành dụm từ đồng lương giáo viên, nhờ nghệ nhân Nay Phai về chỉnh sửa và giữ như báu vật trong nhà. Giữ cũng chỉ để mà... giữ thôi! Bởi đó là tinh túy văn hóa, là nơi gửi gắm ước vọng của đồng bào. Và giữ để... cho mượn mỗi khi trường, huyện cần đi biểu diễn.

Chưa dừng lại ở đó, thầy giáo Lê Hữu Phong còn nghiên cứu ngôn ngữ Ba Na. Công việc này khó khăn như "húc đầu vào đá" vì thanh điệu, âm vực của tiếng Ba Na khác hẳn tiếng phổ thông và chỉ đến khi sưu tầm được phông chữ chuẩn Ba Na thì việc này mới "dễ thở". Đó là tiền đề cho cuốn sách đầu tay của anh có tựa đề: Từ vựng đối chiếu Việt - Ba Na, Ba Na - Việt được Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành.

Không lâu sau đó, Phong phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai soạn hai cuốn "Tài liệu học tập tiếng Ba Na" cho học viên và "Tài liệu giảng dạy tiếng Ba Na" cho giáo viên, hiện đang được sử dụng rộng rãi trong tỉnh Gia Lai. Anh còn tham gia đề tài khoa học “Xây dựng từ điển điện tử Ba Na” của Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh. Hiện nay, công trình Từ điển phương ngữ Ba Na do anh thực hiện theo "đơn đặt hàng" của Ban Dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đang đi vào giai đoạn hoàn thành.

Anh Phong cũng cho biết, công trình "Luật tục và lễ hội của người Ba Na ở Mang Yang" đang đi được gần nửa chặng đường. Song song với việc sắp chốt lại và đang tiến hành ấy là nhiều tài liệu tuyên truyền bằng tiếng Ba Na mà Phong tích cực dịch cho các cơ quan, đoàn thể trong và ngoài tỉnh.

Long Nguyễn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mot-dom-lua-van-hoa-tay-nguyen/