Một dòng họ, hai di sản thế giới

Là phiên bản chép tay, hơn nữa lại là tài sản trí tuệ của một dòng họ (họ Nguyễn Huy ở xã Trường Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh), nhưng 'Hoàng hoa sứ trình đồ' nhận được 17/17 phiếu của MOWCAP (Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á -Thái Bình Dương), chính thức trở thành di sản ký ức thế giới.

Cùng với “Mộc bản trường học Phúc Giang”, dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu (Trường Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) là dòng họ duy nhất trên cả nước có hai di sản thế giới.

Tinh hoa của dòng họ nổi tiếng

“Hoàng hoa sứ trình đồ” (bản đồ hành trình đi sứ) là tập bản đồ kiêm ghi chép với nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý giá về hành trình đi sứ của sứ thần Đại Việt thế kỷ XVIII do Đình nguyên Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) biên tập, hiệu đính và chú thích trong các năm 1765-1768.

Cuốn sách là sản phẩm kết tinh về hành trình đi sứ của các thế hệ đi trước, đồng thời bổ sung các chi tiết liên quan đến những chuyến đi năm 1766-1767 do Nguyễn Huy Oánh làm Chánh sứ. “Hoàng hoa sứ trình đồ” có nhiều tư liệu minh chứng cho hoạt động ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Hoa thế kỷ 18.

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, trong chiều dài lịch sử nghìn năm phong kiến, từ năm 938, sau khi Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán rồi xưng vương lập quốc, nước Nam đã trở thành một quốc gia độc lập. Song, vì sự an nguy của trăm họ, các triều đại từ Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê và cả nhà Nguyễn sau này đều rất khôn khéo trong việc bang giao với nước lớn ở phương Bắc nhằm tránh họa đao binh.

Vì vậy, việc thực hiện đường lối ngoại giao giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nêu cao chính nghĩa, hòa hiếu là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn của những nhà ngoại giao Đại Việt dưới thời phong kiến.

Do đó, những quan lại được cử làm ngoại giao, lập sứ hay đi sứ đều là những quan lại giỏi, “trí dũng song toàn”.

Thực tế cho thấy, những nhà ngoại giao Đại Việt đã làm tròn trọng trách của mình là người đại diện cho một quốc gia văn hiến và luôn chứng tỏ cho thiên triều biết nước ta cũng là một nước văn hiến không kém gì thượng quốc. Chính vì thế, “Hoàng hoa sứ trình đồ” của Nguyễn Huy Oánh là một vật chứng quan trọng, không chỉ có giá trị đối với công tác ngoại giao thời xưa mà còn là bảo vật của hiện tại và tương lai.

Lần theo hành trình từ ký ức của một dòng họ đến ký ức thế giới của “Hoàng hoa sứ trình đồ”, chúng tôi phần nào hiểu được giá trị của cuốn sách cổ đối với thế hệ hôm nay và mai sau.

Tháng 6/2016, xuất phát từ đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu giá trị tư liệu lịch sử của dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu - Can Lộc liên quan về biên giới và biển đảo Việt Nam” của GS.VS Nguyễn Huy Mỹ (hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn Huy), những tư liệu quý giá trong cuốn sách cổ bắt đầu được khai thác và ý tưởng bảo vệ “Hoàng hoa sứ trình đồ” trở thành di sản tư liệu ký ức thế giới cũng được “lên giây cót” từ đây. Cuối năm 2017 cuốn sách được đưa vào danh sách bảo vệ di sản tư liệu thế giới.

Theo GS.VS Nguyễn Huy Mỹ, cuốn sách được Nguyễn Huy Oánh biên soạn từ năm 1766-1767 nhưng bị thất lạc 120 năm. Cháu 5 đời của Nguyễn Huy Oánh là Nguyễn Huy Triển (1852-1909), từ thời còn đi học đã được nghe các thầy giáo kể về các cuốn sách của Nguyễn Huy Oánh, trong đó có “Hoàng hoa sứ trình đồ,” đã cất công tìm kiếm.

Sau 20 năm, Nguyễn Huy Triển mới tìm được bản gốc và tự tay sao chép lại, sau 24 ngày đêm, cuốn sách được Nguyễn Huy Triển chép xong. Năm 1989, một tiền bối dòng họ là ông Nguyễn Huy Bút (đã mất năm 2012) trao cuốn sách cho ông Mỹ.

Đến nay bản gốc vẫn chưa tìm thấy, “Hoàng hoa sứ trình đồ” hiện đang lưu giữ là bản chép tay duy nhất còn tồn tại của tác phẩm này, được con cháu dòng họ Nguyễn Huy lưu giữ tại tư gia ở làng Trường Lưu ((nay thuộc xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

“Cha đẻ” của cuốn sách - Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) - thuộc thế hệ thứ 10 của dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu. Ông làm quan dưới triều Lê-Trịnh và trải qua nhiều chức vụ quan trọng như Tế tửu Quốc tử giám, Đô Ngự sử, Thượng thư bộ hộ...

Năm 1764, Nguyễn Huy Oánh được chọn làm Chánh sứ cho chuyến đi Yên Kinh (tức Bắc Kinh, Trung Quốc) vào năm 1766-1767. Toàn bộ hành trình cả đi và về kéo dài gần 2 năm với nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, lịch sử được Nguyễn Huy Oánh ghi chép lại một cách chi tiết như việc diện kiến vua Càn Long; gặp gỡ giao lưu với sứ thần Triều Tiên, Nhật Bản; giao lưu với nhân sĩ các vùng miền ở Trung Quốc; thăm thú nhiều danh lam thắng cảnh tronh suốt sứ trình…

Sách bao gồm các bản đồ kiêm ghi chép, với 3 loại màu trên giấy dó và sử dụng chữ Hán. Cuốn sách có kích thước 30x20cm, dày 2cm được in trên bản mộc giấy dó, sách bao gồm 7 phần, trong đó phần chính là bản đồ hành trình gồm 204 trang ghi chép cụ thể và miêu tả về thiên nhiên, con người, thành, làng, các di tích, danh thắng, các hoạt động giao tiếp của sứ bộ với dân và chính quyền.

Đây là tập bản đồ kiêm ghi chép về hành trình đi sứ xuất phát từ biên giới Việt-Trung qua các châu, phủ, huyện, dịch trạm tới điểm cuối là huyện Tân Thành, Yên Kinh.

Với những giá trị văn hóa đặc sắc, công tác chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của tỉnh Hà Tĩnh, sự hỗ trợ của của Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế chặt chẽ giữa Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam với UNESCO các nước trong MOWCAP, hồ sơ “Hoàng hoa sứ trình đồ” đã vượt qua sự đánh giá khắt khe của các cơ quan chuyên môn thuộc UNESCO, đáp ứng đủ các tiêu chí để được công nhận là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cùng với “Mộc bản trường học Phúc Giang” (được công nhận là di sản tư liệu thế giới năm 2016) dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu là dòng họ duy nhất trên cả nước có 2 di sản tư liệu thế giới. Việc UNESCO công nhận “Hoàng hoa sứ trình đồ” là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương một lần khẳng định truyền thống hiếu học của vùng đất khoa bảng Hà Tĩnh.

GS.VS Nguyễn Huy Mỹ luôn đau đáu với những bảo vật của dòng họ.

Gian nan bảo tồn

“Mộc bản trường học Phúc Giang” và “Hoàng hoa sứ trình đồ” hiện đang lưu giữ, bảo quản trong khuôn viên nhỏ tại tư gia của. Cùng với nỗ lực của dòng họ thì huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đang nỗ lực gìn giữ và phát huy giá trị của 2 bảo vật nhưng con đường này hết sức gian nan.

GS.VS Nguyễn Huy Mỹ chia sẻ, khác với Mộc bản, hành trình đưa “Hoàng hoa sứ trình đồ” trở thành di sản tư liệu thế giới gặp nhiều khó khăn hơn vì những đặc thù của cuốn sách. Nhưng, nhờ những nỗ lực từ tỉnh Hà Tĩnh, ngành văn hóa và đặc biệt là con cháu dòng họ đã giúp “Hoàng hoa sứ trình đồ” được bảo tồn và đến gần hơn với đời sống cộng đồng.

“Chúng tôi sẽ in thêm nhiều cuốn và tổ chức giới thiệu về tác phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sắp tới, con cháu dòng họ Nguyễn Huy mong muốn phối hợp chính quyền địa phương xây dựng một nhà bảo tàng ngay tại quê hương để bảo tồn, giới thiệu các tư liệu quý của dòng họ đến với đông đảo nhân dân.”

Trường Lộc có nhiều cơ hội để phát triển du lịch với đậm đặc di tích, di sản. Từ năm 2016 đến nay, xã đã đón tiếp nhiều đoàn làm phim trong nước và quốc tế, du khách về làng Trường Lưu để tìm hiểu “Mộc bản trường học Phúc Giang” và hát ví Phường Vải Trường Lưu.

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Bùi Huy Cường- phó chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết: Cùng với “Mộc bản trường học Phúc Giang” làng văn hóa Trường Lưu là làng duy nhất trên cả nước có hai di sản được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á -Thái Bình Dương công nhận.

Đây không những là niềm tự hào của quê hương Can Lộc, Hà Tĩnh mà còn khẳng định, tôn vinh các giá trị văn hóa Việt Nam ra khu vực và thế giới. Cũng vì điều này, việc bảo tồn, phát huy di sản đặt lên vai chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng huyện Can Lộc nói riêng, tỉnh Hà Tĩnh nói chung.

Đối với Mộc bản trường học Phúc Giang, huyện Can Lộc mới trích 200 triệu đồng để phục vụ cho công tác bảo tổn và phát huy di sản. Huyện cũng đã đề xuất với tỉnh điều chỉnh quy hoạch, xây dựng làng văn hóa Trường Lưu để việc bảo tồn và phát huy di sản được tốt hơn.

“Kế hoạch của huyện là xây dựng tour du lịch kết hợp giữa các điểm du lịch trọng điểm của huyện như Khu di tích Chùa Hương, làng văn hóa Trường Lưu, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc…nhằm quảng bá hình ảnh, bản sắc, truyền thống của người Can Lộc, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa tâm linh”, ông Cường cho biết thêm.

Tuy nhiên, hiện nay xã Trường Lộc đã về đích nông thôn mới, công cuộc này đã “bê tông hóa” nhiều đường làng, ngõ xóm, làng quê nên việc xây dựng làng văn hóa Trường Lưu đặt ra nhiều thách thức khi phục dựng phong cảnh làng xã thời xưa. Mặt khác, “Mộc bản trường học Phúc Giang” và “Hoàng hoa sứ trình đồ” đều là sản phẩm tri thức, mang tính khoa học, bác học nên khá “kén chọn” du khách…

Hạnh Nguyên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/mot-dong-ho-hai-di-san-the-gioi-tintuc408017