Một gia đình 'đeo đuổi' với nghiệp làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội

Với 27 khuôn mẫu mặt nạ bằng xi măng, mỗi năm gia đình bà Đặng Hương Lan (Ba Đình – Hà Nội) đã tạo ra hàng trăm mặt nạ giấy bồi có hình chú Tễu, ông Địa, Thị Nở… vào mỗi dịp tết Trung thu.

Mỗi ngày gia đình bà Lan chỉ có thể làm được từ 10-15 chiếc mặt nạ. Ảnh: ĐH.

Thăng trầm với nghề

Trong những ngày này, trên căn gác chưa đầy 15 m2 ở ngôi nhà cổ cuối phố Hàng Than (Ba Đình, Hà Nội), ông Nguyễn Văn Hòa (64 tuổi) cùng vợ là bà Đặng Hương Lan (60 tuổi) liên tục tiếp đón khách hàng đến mua mặt nạ giấy bồi. “Từ năm 2000, khi mặt nạ bằng giấy bồi của gia đình tôi được báo chí quan tâm đưa tin thì khách hàng mua lẻ, mua buôn tìm đến nhiều hơn và lượng khách cũng tăng lên theo từng năm. Đặc biệt, trong những năm gần đây người tiêu dùng lo ngại đồ chơi Trung Quốc kém chất lượng, nên mặt nạ bằng giấy bồi cũng được nhiều người quan tâm hơn”, bà Lan chia sẻ.

Để có thể giữ được nghề làm mặt nạ bằng giấy bồi, gia đình bà Lan đã phải trải qua nhiều thăng trầm với nghề. Theo bà Lan, năm 10 tuổi bà được bố mẹ truyền nghề, đến khi lập gia đình đã cùng chồng tiếp tục theo nghề bố mẹ để lại. “Những năm đầu, cả hai vợ chồng còn làm việc ở xí nghiệp và cơ quan nhà nước nên chỉ tranh thủ làm mặt nạ vào buổi tối để có thêm tiền sinh hoạt hàng ngày. Đến khi cả hai vợ chồng tôi về hưu mới bắt đầu tập trung làm nghề”, bà Lan cho biết.

Nhiều năm trở lại đây, cũng như nhiều sản phẩm thủ công khác, mặt nạ giấy bồi của gia đình bà Lan phải cạnh tranh với các sản phẩm đồ chơi ngoại nhập, đặc biệt những sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, vợ chồng bà Lan vẫn quyết tâm giữ lấy nghề và dành trọn tình yêu với từng mảnh giấy bồi, con mực và nét vẽ cho từng khuôn hình ngộ nghĩnh và có hồn. Bà Lan kể, có thời điểm đồ chơi Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam, thị trường đồ chơi dân gian, mặt nạ bằng giấy bồi làm ra ế ẩm, không bán được. Nhiều người vì thế mà bỏ nghề, chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác, riêng vợ chồng bà vẫn bám trụ, duy trì đến bây giờ. “Làm mặt nạ giấy bồi đã là nghiệp với vợ chồng tôi chứ không còn là nghề kiếm tiền. Làm ra chiếc mặt nạ vừa đẹp, vừa có hồn không chỉ làm bằng tay nữa mà phải dùng cả tình yêu, cái tâm với nghề thì mới có sản phẩm đẹp nhất”, bà Lan nói.

Theo bà Lan, nguyên liệu để tạo ra mặt nạ giấy bồi chỉ có giấy xé nhỏ, hồ được nấu từ bột sắn và màu nước. Bà Lan cho biết: “Để có một chiếc mặt nạ hoàn chỉnh trải qua nhiều công đoạn, từ chọn bột sắn nấu hồ đến chọn giấy báo cũ. Giấy báo xé nhỏ sẽ được xếp chồng 5-6 lớp vào khuôn đúc để tạo hình. Khi hình phôi cứng, sắc nét mới đem phơi khô rồi mới vẽ, sơn trang trí cho từng mẫu. Nghề này phải tỉ mỉ từng công đoạn mới đẹp được, nếu làm ẩu thì mặt nhăn nhó, không còn cái hồn vốn có. Mặt nạ phơi khô thì vẽ nhưng không được vội vàng vì nếu nét vẽ không chuẩn sẽ xấu ngay”.

Do các công đoạn làm mặt nạ giấy bồi đòi hỏi tỉ mỉ nên mỗi ngày vợ chồng bà Lan chỉ làm được 10-15 chiếc, giá bán hiện mỗi chiếc khoảng từ 20.000 – 35.000 đồng.

Lo nghề mai một

Trải qua thăng trầm với nghề, đến nay gia đình bà Lan đã tạo dựng được thương hiệu mặt nạ giấy bồi truyền thống trên phố Hàng Than. Hiện nay, gia đình bà Lan cung cấp ra thị trường hai loại mặt giấy bồi, đó là mặt nạ đã được tô vẽ hoàn chỉnh và mặt nạ trắng, tức là loại mặt nạ chưa được tô màu nước. Đối với loại mặt nạ trắng, người tiêu dùng có thể dựa vào mẫu có sẵn và vẽ màu nước theo ý thích của bản thân.

Vào những ngày lễ Tết, Trung thu số lượng hàng bán ra ngày càng nhiều hơn. Theo bà Lan: “Những ngày vắng khách thì bán được vài chục chiếc mặt nạ, còn những ngày đông khách số lượng bán ra phải lên đến hàng trăm chiếc. Với lái buôn quen mối thì đặt số lượng trước cả tháng”.

Hiện nhiều bạn trẻ quan tâm đến mặt nạ giấy bồi của gia đình nhà bà Lan, đặc biệt, những loại mặt nạ có kiểu dáng truyền thống, gần gũi như: Thị Nở, chú Tễu, ông Đại, Tôn Ngộ Không... “Để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, gia đình tôi cũng tạo thêm mặt nạ siêu nhân. Nhưng nhiều bạn trẻ đến hỏi mua chủ yếu lựa chọn các loại mặt nạ có kiểu dáng truyền thống”, bà Lan thông tin.

Đang lựa chọn mua các loại mặt nạ trắng để tổ chức Trung thu ở công ty, chị Nguyễn Thị Minh Hải, nhân viên Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Apollo Việt Nam cho biết: “Tuy là công ty nước ngoài nhưng chúng tôi rất quan tâm đến văn hóa truyền thống của Việt Nam. Đặc biệt, dịp tết Trung thu công ty cũng có tổ chức những trò chơi truyền thống cho trẻ và mặt nạ truyền thống của gia đình bác Lan là lựa chọn của chúng tôi”.

Chị Hải cũng cho biết thêm: “Hiện nay, ở trên phố bán rất nhiều đồ chơi Trung Quốc, do vậy trẻ em cũng không biết bố mẹ mình đã chơi gì vào mỗi dịp tết Trung thu qua. Thông qua mặt nạ truyền thống, chúng tôi cũng muốn giáo dục cho các cháu biết đến tết Trung thu truyền thống nhiều hơn. Hơn nữa, mặt nạ truyền thống cũng khá thú vị, từ những hình thù mặt nạ có sẵn các cháu có thể tô vẽ theo ý thích để thỏa sức sáng tạo”.

Do những năm gần đây, mặt nạ giấy bồi gia đình bà Lan được người tiêu dùng quan tâm nên cũng đã xuất hiện hàng nhái. Bà Lan cho biết: “Những chiếc mặt nạ giấy bồi được làm nhái có chất lượng kém và giá cũng bán rẻ hơn. Không những thế, trên các sản phẩm nhái người ta còn đóng dấu tên vợ chồng tôi lên đó”.

Dẫu vậy, nghề làm mặt nạ giấy bồi của gia đình bà Lan cũng đang đứng trước nguy cơ bị mai một. “Mất bao nhiêu năm để gây dựng thương hiệu nhưng đến khi tôi không còn đủ sức để làm thì nghề này sẽ bị mai một. Nghề này đòi hỏi tỉ mỉ, kỳ công, trong khi đó, hàng chỉ bán chạy nhất vào dịp Trung thu, còn những ngày thường rất ít người mua. Do đó, các con tôi cũng không ai nối nghiệp mà các bạn trẻ bây giờ cũng không có ai thích làm nghề này”, bà Lan tâm sự.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/mot-gia-dinh-deo-duoi-voi-nghiep-lam-mat-na-giay-boi-o-ha-noi.aspx