Một giấc mộng vừa dệt đã tan

'Bên đàng dệt mộng' là một cái tứ cho thấy sự chông chênh, dễ tan biến. Cô Lụa bao nhiêu năm bên khung cửi dệt giấc mộng vàng với chàng sinh viên thông minh, nhạy bén. Anh Củi bị từ chối tình yêu, đau đớn nhìn người mình yêu tuy gần đấy mà mãi mờ xa.

Bên đàng dệt mộng (kịch bản: Phạm Trường Long, Đạo diễn: Quách Hồ Ninh) là vở kịch mới nhất vừa được công diễn tại sân khấu 5B Võ Văn Tần. Đây cũng là vở kịch đầu tiên được đạo diễn Quách Hồ Ninh dàn dựng tại sân khấu này và là lần trở lại sân khấu sau vở Rồi 30 năm sau (dựng năm 2003) nổi tiếng một thời.

Vở kịch là một câu chuyện buồn xảy ra ở làng lụa Tân Ba - một sự bội phản đã gây ra trớ trêu cho bao nhiêu phận người. Cô Lụa (diễn viên Như Quỳnh) xinh đẹp - con gái cưng của ông Năm (Thanh Tuấn) - đã được hứa hôn với chàng trai cùng làng tên Củi (Quốc Thịnh). Nhưng cuộc đời đâu dễ dàng êm đềm như vậy. Củi vẫn đinh ninh nàng Lụa là của mình và Lụa bận dệt mộng ước cùng chàng sinh viên tên Hoàng (Võ Minh Lâm) đang thực tập ở làng lụa Tân Ba. Mộng dệt không thành, làng lụa rơi vào buổi đìu hiu khiến bao nhiêu gia đình ly tán tìm kế sinh nhai.

Kịch bản Bên đàng dệt mộng được đạo diễn Quách Hồ Ninh ấp ủ đã lâu và nay mới có dịp cộng tác cùng người bạn thân thiết của mình là NSƯT Mỹ Uyên để đem vở kịch đến với khán giả sân khấu 5B. Khi có kế hoạch dàn dựng, đạo diễn cùng với biên kịch đã bàn bạc, thêm vào chi tiết đánh tráo lụa để vừa nói đến một câu chuyện thời sự vừa nói về triết lý làm ăn, sự chân thành và lòng phản bội.

Vở diễn là mảnh đất để các diễn viên trẻ “dụng võ”. Như Quỳnh và Võ Minh Lâm là hai diễn viên cải lương được biết đến từ các chương trình truyền hình thực tế, lần đầu tiên chạm ngõ sân khấu kịch. Võ Minh Lâm tung hứng khá tốt khi diễn với Thanh Tuấn hay Quốc Thịnh. Tiếc là Như Quỳnh và Võ Minh Lâm diễn chung hai cảnh, trong đó có cảnh mở màn khá dài, khi đó cả hai chưa thoát được kiểu diễn cải lương vốn quen thuộc. Thêm một điều đáng tiếc nữa là hóa trang, vai Lụa và Hoàng ở nửa sau của vở kịch đều rất trẻ so với lứa tuổi trung niên của nhân vật.

Trong khi đó, Quốc Thịnh trong vai Củi thể hiện nội tâm nhân vật tốt, tâm lý nhân vật rõ ràng, “quăng” hài duyên dáng. Bản lĩnh của Quốc Thịnh trên sân khấu đã xoay chuyển khán giả liên tục từ vui cười tới rưng rưng. Phút giây anh Củi bần thần rớt nước mắt ngồi bệt xuống đất có lẽ là hình ảnh khó quên của người xem.

Ông Năm là dạng vai diễn quá quen thuộc với Thanh Tuấn - diễn viên trẻ “chuyên trị” vai già. Minh Tuyền đã trưởng thành hơn qua vai The - cô gái nhà buôn lụa, thực dụng. The lúc ngọt nhạt, lúc đanh đá, lúc khờ khạo, lúc toan tính… Tuy nhiên, Minh Tuyền vẫn chưa thể hiện tốt âm mưu, toan tính trong việc lật tẩy chồng để cho khán giả thấy The không phải tay vừa.

Sân khấu 5B là nơi của những vở kịch thể nghiệm. Bên đàng dệt mộng thu hút khán giả vì được dàn dựng thú vị. Sân khấu tròn, lọt thỏm giữa “bốn bề” là khán giả, được dàn dựng hết sức tiết chế cảnh trí và đạo cụ. Chỉ với những bục, kệ và một ít đạo cụ là các mảnh vải lụa, chiếc xô… đạo diễn đã phải sử dụng thủ pháp ước lệ quy định bối cảnh: khi là sân làng, khi là nhà ông Năm, khi là nhà hàng… Hơn hai tiếng rưỡi cho một câu chuyện mạch lạc, nhiều tình huống và một số yếu tố bất ngờ được thể hiện bởi các nghệ sĩ trẻ đầy năng lực đủ để Quách Hồ Ninh kéo khán giả ngồi lại với mình.

LÂM HẠNH (Ảnh: MỄ THUẬN)

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/mot-giac-mong-vua-det-da-tan-11296.html