Một góc nhìn về chiến tranh trong văn học Việt Nam đương đại

Đối với dòng văn học chiến tranh cách mạng và người lính hôm nay, giới lý luận phê bình văn học nước nhà đang phải làm hai công việc có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Đầu tiên phải tiến hành tổng kết những thành tựu của dòng văn học cách mạng Việt Nam sau năm 1975 và song song với đó là nắm bắt được những biến chuyển mới nhất của dòng văn học này. Cuốn tiểu luận phê bình Tự sự học về chiến tranh trong văn học Việt Nam đương đại (NXB Lao động, 2018) do TS Đỗ Hải Ninh (đang công tác tại Phòng Văn học đương đại, Viện Văn học) biên soạn, là một công trình ra đời với mục đích giải quyết đồng thời cả hai vấn đề trên.

Cuốn sách tập hợp bài viết của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình hiện công tác tại cơ quan nghiên cứu, phê bình và giảng dạy văn học hàng đầu nước ta hiện nay, như: Viện Văn học; Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Khoa Văn học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Tạp chí Văn nghệ Quân đội... Theo người biên soạn, tập tiểu luận phê bình được chia thành hai phần chính. Phần một, Những hướng tiếp cận tự sự về chiến tranh trong văn học Việt Nam đương đại, có nhiệm vụ giới thiệu những hướng tiếp cận khác nhau như “thi pháp học, tu từ học, lý thuyết chấn thương, lý thuyết diễn ngôn, phê bình giới, phê bình sinh thái” (tr 7) trong việc nghiên cứu văn học đương đại viết về chiến tranh. Phần hai, Nghiên cứu trường hợp tự sự về chiến tranh trong văn học Việt Nam đương đại,tập hợp những bài viết về các tác phẩm có “tiếng vang” trên văn đàn về đề tài này. Nhìn vào cấu trúc hai phần trên, có thể thấy, tác giả biên soạn cuốn sách đã nỗ lực bao quát dòng văn học viết về chiến tranh trong văn học Việt Nam đương đại theo một trình tự khoa học, bài bản: Giới thiệu lý thuyết-trình bày những đặc trưng cơ bản trên diện rộng-phân tích các tác phẩm tiêu biểu. Với cấu trúc chặt chẽ kể trên, tất yếu cuốn tiểu luận phê bình đã “chinh phục” được bạn đọc bởi những đặc trưng nổi bật. Đó là tính kế thừa và phát hiện trong nghiên cứu. Tập lý luận phê bình có sự xuất hiện của nhiều thế hệ nhà nghiên cứu, phê bình văn học, từ thế hệ 4X, 5X gạo cội, như: PGS, TS La Khắc Hòa, PGS, TS Tôn Phương Lan… 7X đang trong độ tuổi “sung mãn”, như: TS Trần Ngọc Hiếu, TS Đỗ Hải Ninh, TS Lê Hương Thủy…đến thế hệ nhà nghiên cứu trẻ 8X, như: TS Phan Tuấn Anh, TS Nguyễn Thanh Tâm, TS Nguyễn Văn Hùng… Điều này chứng tỏ văn học cách mạng viết về chiến tranh vẫn luôn trong “tầm ngắm”, là “tâm điểm” chú ý của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu nước nhà.

Bên cạnh tính kế thừa của đội ngũ nghiên cứu, sự xuất hiện của các hướng tiếp cận mới kể trên vừa có tác dụng “tái phát hiện” những giá trị nhân văn sâu sắc, vừa cung cấp những tri thức, kiến giải mới trong các tác phẩm viết về chiến tranh. Nhờ đó, những tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam đương đại hiện lên như những “sinh thể tinh thần”, ngoài chủ đề chính chiến tranh-hòa bình, cách mạng-phản cách mạng, ta-địch, hậu phương-tiền tuyến còn là câu chuyện của tình yêu, ám ảnh, hạnh phúc, tan vỡ… để từ đó hối thúc “người đọc nhận thức, suy ngẫm, chất vấn lịch sử và hiện đại”.

Diện khảo sát rộng cũng là một nỗ lực đáng quý của tập lý luận phê bình này. Rộng về thể loại: Tự sự học về chiến tranh trong văn học Việt Nam đương đại nghiên cứu từ tiểu thuyết (các bài Vấn đề chiến tranh và hậu chiến trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại của Đỗ Hải Ninh, Đổi mới cái nhìn nghệ thuật trong tiểu thuyết chiến tranh đầu thế kỷ XXI của Lê Hương Thủy…), truyện ngắn (bài Văn xuôi nữ viết về chiến tranh của Bùi Việt Thắng…) cho đến kịch bản chuyển thể giữa văn học và điện ảnh (bài Cải biên văn học chiến tranh: Điện ảnh như là cách đọc nữ quyền sinh thái của Hoàng Cẩm Giang, Từ Nhật ký Đặng Thùy Trâm đến Đừng đốt của Bùi Trần Quỳnh Ngọc…). Những bài viết này cung cấp cái nhìn khái quát nhất về diện mạo, đặc trưng của văn học viết về chiến tranh đương đại trên các bình diện chủ đề, tư tưởng, nhân vật, ngôn ngữ, thi pháp, hệ biểu tượng. Rộng về tác giả: Các tác giả được khảo cứu bao gồm 4 thế hệ nhà văn Việt Nam, trong đó tập trung vào thế hệ nhà văn thời chống Mỹ, như: Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Trí Huân... thế hệ nhà văn trưởng thành trong chiến tranh biên giới Tây Nam, như: Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Bình Phương và lớp nhà văn trẻ sinh ra sau hòa bình, như: Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Ngọc Thuần, Huỳnh Trọng Khang… Điểm nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm cũng là một điểm nhấn cần phải nhắc đến ở đây. Các tác phẩm được lựa chọn có cuốn ra đời cách đây ba, bốn thập kỷ; có tiểu thuyết mới chỉ xuất bản dăm năm trở lại đây như Cơ bản là buồn; có tác phẩm được viết dưới dạng tiểu thuyết truyền thống, có tác phẩm thuộc thể loại phi hư cấu như Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh; có cuốn viết về chiến tranh biên giới Tây Nam… Lựa chọn này vừa đảm bảo tính lịch sử, tính cập nhật, tính đa dạng về tác giả, nội dung cũng như nghệ thuật giúp bạn đọc hình dung ra “dòng chảy” của tiểu thuyết viết về chiến tranh.

Mặc dù vẫn còn đôi điểm, đôi chỗ chưa thật “như ý” như số lượng bài viết về truyện ngắn, bút ký văn học còn ít trong khi đây là những thể loại có nhiều thành tựu nổi bật trong dòng văn học viết về chiến tranh, hoặc còn “bỏ quên” một vài “tên tuổi lớn” và một số tác phẩm đã in dấu trong văn học sử nước nhà, như Lê Lựu với Thời xa vắng, nhưng nhìn chung Tự sự học về chiến tranh trong văn học Việt Nam đương đại là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có chất lượng về một dòng văn học đã, đang và vẫn sẽ là một trong những dòng chủ lưu của văn học Việt Nam đương đại.

TÂM ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mot-goc-nhin-ve-chien-tranh-trong-van-hoc-viet-nam-duong-dai-558581