Một hành vi xét xử hai lần?

Giữ quyền công tố tại tòa, đại diện VKSND TP HCM đã đối đáp với quan điểm của các luật sư. Theo đó, về mặt tội danh của bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như, vị đại diện cho rằng, Như lâm vào nợ nần nên nảy ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền...

Bị cáo có hành vi lừa đảo, chứ không phải… tham ô!

Vị đại diện VKSND TP HCM khẳng định, Như đã chuẩn bị trước (bàn bạc, con dấu giả, đưa ra các thông tin để nhiều người tin mình…). Đây chính là ý thức phạm tội của bị cáo. Sau đó, có chuỗi hành vi dẫn dụ các pháp nhân gửi tiền.

Như lợi dụng pháp nhân chứ không phải “dùng quyền” để chiếm đoạt tài sản. Các Cty không quan tâm đến tài sản của mình, đó là sơ hở để Như lợi dụng. Về tội danh, Như đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Vietinbank không biết Như lừa dối các nguyên đơn dân sự. Ai chiếm đoạt thì phải có nghĩa vụ bồi hoàn. Bị cáo sử dụng dấu giả của Vietinbank CN Nhà Bè để làm giả hợp đồng.

Tại Cty SBBS, Bảo hiểm toàn cầu, việc ủy thác đầu tư dẫn đến thất thoát tài sản. Do đó, VKSND khẳng định, quan điểm của mình là hoàn toàn có căn cứ.

Về ý kiến của luật sư bào chữa cho Võ Anh Tuấn cho rằng, khi ra Hà Nội, Như thỏa thuận như nào, bị cáo không biết. KSV đối đáp, tại CQĐT Tuấn khai, Như có nói Cty ở Hà Nội muốn gửi tiền nên đồng ý cùng Như ra số 88 Láng Hạ, Hà Nội. Tuấn biết, Như huy động vốn, lấy tên giả là Quyên, nhân viên Vietinbank CN Nhà Bè nhưng Tuấn vẫn đồng tình với việc làm của Như.

VKSND TC đã ra cáo trạng tiếp tục truy tố các bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và xét xử ngày hôm nay. Các luật sư cho rằng, cần phải kháng nghị giám đốc thẩm, luật sư Phan Trung Hoài nêu, một hành vi xét xử hai lần, VKSND nhận thấy, không phải một hành vi xét xử hai lần.

Đại diện VKSND TP HCM, giữ quyền công tố tại tòa

Bởi, thời điểm xảy ra hành vi phạm tội ở nhiều thời điểm khác nhau, nhiều Cty và bị hại khác nhau. Bản án hình sự năm 2014 đã xét xử Tuấn về hành vi ở 4 Cty, số tiền chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng.

Bản án này bị kháng nghị theo hướng tăng hình phạt với Tuấn lên án chung thân. Trong khi đó, Tuấn cũng kháng cáo xin giảm hình phạt. Sau đó, HĐXX phúc thẩm của TAND TC tại TP HCM nhận định, do hành vi của bị cáo được tách nên không xem xét tăng án cho bị cáo.

HĐXX phúc thẩm đã tuyên bị cáo 20 năm tù. Như vậy, hành vi của bị cáo giúp sức cho Như, đã được bản án phúc thẩm hủy. Mức án 20 năm là tuyên với hành vi của bị cáo ở việc chiếm đoạt tiền của 3 Cty.

Tương tự, với Như cũng vậy, bản án sơ thẩm năm 2014 của TAND TP HCM đã tuyên bị cáo án chung thân vì chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng. “Không phải một hành vi bị xét xử hai lần” – lời KSV.

Quan điểm của luật sư về việc, Cty An Lộc, Phương Đông, không có lỗi và không phải là “sân sau”, KSV nêu, căn cứ lời khai của TGĐ, kế toán trưởng của Cty Phương Đông phù hợp với lời khai của Như tại tòa.

Một hành vi bị xét xử hai lần?

Đối đáp lại quan điểm của đại diện VKSND, luật sư Phan Trung Hoài khẳng định, về mặt chứng cứ, đại diện VKSND có trích lời khai của Tuấn tại CQĐT, khi vụ án được tiến hành điều tra lại.

Nhưng còn câu hỏi của điều tra viên kế tiếp, Tuấn đã trả lời, Như rủ ra Hà Nội, làm việc với chị Nguyễn Thị Vi Anh. Với kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, Tuấn đoán, ngân hàng này muốn thông qua Vietinbank huy động tiền. Bị cáo nhận thức được, việc huy động dưới danh nghĩa của ngân hàng khác là bị cấm.

“VKSND đã tiếp cận ở góc độ và cho rằng, xét xử hành vi của Tuấn liên quan đến hành vi của Tuấn ở 4 Cty. Phần đối đáp, VKSND có trích dẫn nhận định của HĐXX phúc thẩm rằng, Tuấn nhận ra trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện. Tách hành vi ở Cty Hưng Yên nên mức án bản án trước mới là 20 năm tù. Tôi cho rằng, về mặt tố tụng, kháng nghị của VKSND TP HCM tăng hình phạt của Tuấn lên chung thân không được VKSND TC (nay là cấp cao) tại TP HCM chấp nhận.

Việc tách hành vi ở vụ với Cty Hưng Yên là để xem xét về dấu hiệu tội “Tham ô tài sản”. Nhưng hôm nay, xét xử bị cáo Tuấn lại ở tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đề nghị VKSND xem xét lại vì bản chất là một hành vi bị xét xử hai lần” – lời ông Hoài.

Nói lời sau cùng trước khi tòa tuyên án, bị cáo Như gửi lời xin lỗi đến đồng nghiệp và xin giảm án cho bị cáo Tuấn. “Vì bị cáo mà Tuấn bị liên lụy. Bị cáo cũng mong tòa giảm án để bị cáo sớm trở về đề chăm sóc con” – Như tỏ ra xúc động.

Còn bị cáo Tuấn cho rằng, hành vi của mình đã được các cơ quan tố tụng xem xét rồi và mong bản án này sẽ công bằng với bị cáo.

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như nói lời sau cùng

Không theo dõi số dư trên tài khoản, không đối chiếu giấy báo nợ

Luật sư Nguyễn Thị Bắc, Đoàn LS Hà Nội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Vietinbank bày tỏ không đồng tình với yêu cầu của Cty SBBS yêu cầu Vietinbank phải bồi thường cho SBBS gần 220 tỷ đồng (gốc, lãi).

Bà Bắc trình bày, ngay từ ban đầu, Huyền Như đã có mục đích lừa đảo. Thiệt hại của Cty SBBS là hệ quả của giao dịch bất hợp pháp giữa Cty SBBS với Như và trong mối quan hệ bất hợp pháp này, Cty SBBS đã bị Như lừa.

Như đã dùng bẫy lãi suất chênh để “dụ” Cty SBBS. Sự bất thường và các sai phạm của Cty SBBS trong quá trình giao dịch với Như. Đó là việc SBBS ký hợp đồng với Vietinbank CN Nhà Bè nhưng lại giao dịch với Như. Trong khi biết rõ Như làm tại Vietinbank CN HCM – Phòng giao dịch Điện Biên Phủ.

SBBS đã thỏa thuận ký hợp đồng với Vietinbank CN Nhà Bè nhưng lại mở tài khoản thanh toán tại Vietinbank CN TP HCM; 14 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn (giả) đều xác định lãi suất 14%/năm. Cty này đã nhận khoản lãi đều đặng hàng tháng với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng nhưng lại nhận thêm khoản lãi suất chênh ngoài hợp đồng là 4,2 tỷ đồng.

Cty SBBS không những đã bị lừa ký và thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giả, chuyển tiền vào tài khoản thanh toán theo hợp đồng giả để thực hiện hợp đồng giả mà còn không thực hiện bất kỳ trách nhiệm nào của chủ tài khoản (không theo dõi số dư trên tài khoản, không đối chiếu giấy báo nợ, giấy báo có, không thực hiện hạch toán nghiệp vụ phát sinh theo quy định về hạch toán doanh nghiệp, bỏ mặc cho các giao dịch lạ luân chuyển đến/đi…)

Phía Vietinbank hoàn toàn không biết các thỏa thuận, giao dịch giữa Cty SBBS với Như, không biết việc thực hiện nội dung thỏa thuận “ngầm” bất hợp pháp này. Ngân hàng không chỉ đạo các giao dịch bất hợp pháp giữa Như với Cty SBBS và không ký hợp đồng ủy thác đầu tư với Cty này, không trả tiền lãi 14% và lãi chênh cho SBBS.

Đối đáp lại, luật sư bảo vệ quyền lợi cho Cty SBBS phát biểu, giữa Vietinbank và SBBS là dịch vụ thanh toán. Trong giai đoạn sử dụng tài khoản, SBBS không có lỗi. Luật sư bảo lưu quan điểm và đề nghị HĐXX tuyên buộc ngân hàng phải bồi thường.

Trong khi đó, đại diện Cty Bảo hiểm toàn cầu đề nghị, nếu HĐXX không tuyên ngân hàng bồi thường thì tuyên tách thành một vụ kiện dân sự khác.

Về vấn đề này, đại diện VKSND đối đáp rằng, phần bồi thường liên quan gắn với trách nhiệm bồi thường, không có căn cứ tách ra thành vụ án dân sự. Tất cả đã được chứng minh rõ ràng về việc bị cáo Như đã chiếm đoạt.

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/mot-hanh-vi-xet-xu-hai-lan-111164.html