Một hòn đảo Nhật Bản có thể trở thành 'tàu sân bay' của Mỹ

Một hòn đảo rộng gần 8 km2 ở khu vực rìa của biển Hoa Đông sắp trở thành một tàu sân bay không thể đánh chìm cho Hải quân Mỹ trong trường hợp chiến tranh ở châu Á.

Chính phủ Nhật Bản tuần này cho biết đang bàn bạc để mua lại đảo Mageshima vốn không người sinh sống, nằm cách đảo chính Kyushu của nước này 21 km.

Hòn đảo này đã có các đường băng bỏ hoang từ một dự án phát triển trong quá khứ, và các đường băng này sẽ được sửa chữa để Hải quân Mỹ cũng như Thủy quân lục chiến Mỹ diễn tập hạ cánh xuống tàu sân bay.

Chưa rõ bao giờ đường băng sẽ được xây dựng, nhưng hòn đảo này cũng có thể trở thành căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, trong bối cảnh Nhật Bản muốn củng cố lực lượng trong khu vực biển Hoa Đông, nơi Trung - Nhật có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn, đặc biệt là tại đảo Senkaku do Nhật quản lý mà Trung Quốc gọi là Điều Ngư.

“Việc mua lại đảo Mageshima là rất quan trọng và củng cố khả năng răn đe của liên minh Nhật - Mỹ, cũng như khả năng phòng vệ của Nhật Bản”, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết khi công bố vụ mua đảo.

Đảo Mageshima nhìn từ trên cao, ảnh chụp ngày 26/7/2018. Ảnh: Asahi Shimbun.

Giúp Mỹ - Nhật phân tán căn cứ

Thỏa thuận 146 triệu USD này diễn ra trong bối cảnh quân đội Mỹ nhận được nhiều lời kêu gọi phải tăng số căn cứ chiến lược ở Đông Á để đối phó với kho tên lửa ngày càng mạnh của Trung Quốc.

Hầu hết lực lượng chiến đấu của Mỹ ở Nhật Bản tập trung ở 6 căn cứ.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy lực lượng hiện tại của Mỹ yếu thế trước tên lửa của Trung Quốc ngay từ đầu trong mọi kịch bản xung đột.

“Qua thời gian, việc căn cứ Mỹ và Nhật Bản (riêng hoặc chung) phải phân tán ra sẽ là một xu hướng”, Corey Wallace, nhà phân tích an ninh khu vực châu Á ở Đại học Freie ở Berlin, nói với CNN. “Liên minh sẽ đứng vững hơn nếu các căn cứ, khí tài quân sự được phân tán”.

Căn cứ cố định trên mặt đất cũng giá trị hơn tàu sân bay, vì chúng có thể chịu được nhiều cuộc tấn công hơn. Trên lý thuyết, một tàu sân bay có thể bị hạ gục với chỉ một đòn từ tên lửa hoặc ngư lôi.

Và “tàu sân bay” là một đảo dễ sửa chữa khi bị hư hại hơn là cỗ máy chiến tranh phức tạp như tàu sân bay thật.

“Khi bạn nhắm trúng và đánh chìm một tàu sân bay, điều đó là không thể đảo ngược”, Collin Koh, nhà nghiên cứu ở Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói với CNN.

“Còn về đảo, ít nhất nó không chìm... Bạn có thể dần dần đưa nó đi vào hoạt động trở lại”, ông Koh nói.

Vừa làm hài lòng Mỹ, vừa xoa dịu phản đối trong nước

Đây là dấu hiệu tốt cho quan hệ hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật, vốn gặp phải hai trở ngại lớn những năm gần đây.

Trở ngại thứ nhất, các chính quyền địa phương, như ở Okinawa, gây sức ép để chính phủ Nhật dời hoạt động quân sự Mỹ ra xa khu dân cư. Thứ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu các đồng minh như Nhật Bản chia sẻ gánh nặng tài chính của hợp tác quân sự.

Máy bay quân sự Mỹ diễn tập tại căn cứ không quân Kadena ở Okinawa năm 2017. Ảnh: Quân đội Mỹ.

Về sức ép của chính quyền địa phương, ông Wallace nói đảo Mageshima có thể sẽ được máy bay Osprey có động cơ xoay của Thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng, nhờ vậy giảm tải cho đường băng trên các đảo chính cũng như ở Okinawa.

Tháng 2/2019, người dân Okinawa trưng cầu dân ý và bỏ phiếu đa số muốn căn cứ không quân Futenma của Thủy quân lục chiến Mỹ được chuyển khỏi Okinawa. Cuộc trưng cầu được tiến hành sau nhiều vụ việc máy bay rơi bên ngoài căn cứ, gần trường học, và các vụ bê bối liên quan tới quân nhân Mỹ và người dân địa phương.

Dù vậy, chính phủ Nhật vẫn tiến hành kế hoạch đã định là chuyển hoạt động ở Futenma sang một nơi khác cũng trên đảo Okinawa.

Tương tự, chính phủ được cho là sẽ chống lại những ai phản đối việc dùng Mageshima, nhất là từ đảo Tageshima cách đó 14 km về phía đông, nơi có chính quyền địa phương. Nhưng so với Okinawa, hòn đảo đang được mua lại này không có người ở.

Nhìn từ góc độ quốc tế, Nhật Bản đang có những bước đi đúng đắn để làm hài lòng Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của mình, ông Koh, nhà phân tích người Singapore, cho biết.

“Ông Trump đang muốn Nhật trả nhiều tiền hơn. Việc mua đảo là một phần trong kế hoạch thể hiển rằng Nhật sẵn sàng chi trả thêm”, ông Koh nói với CNN.

Thông điệp mạnh mẽ từ liên minh Mỹ - Nhật

Là nơi diễn tập, đảo Mageshima thuận tiện hơn cho các phi công Mỹ, nhiều người trong số họ hiện nay bay đi từ căn cứ không quân Iwakuni trên đảo chính Honshu của Nhật.

Hiện nay, từ Iwakuni, các phi công bay 1.360 km để tới Iwo Jima, nhằm thực hành các bài tập hạ cánh trên tàu sân bay. Nhưng nếu thực hành ở Mageshima, đường bay sẽ được rút ngắn tới 960 km.

Máy bay F/A-18E Super Hornet của Hải quân Mỹ bay qua đảo Iwo Jima Bắc vào năm 2016. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Về lâu dài, ông Wallace nói Mageshima sẽ là bàn đạp cho hợp tác sâu hơn giữa lực lượng Mỹ và Nhật, cụ thể là về máy bay tàng hình F-35.

Nhật Bản đã tuyên bố sẽ nâng cấp các chiến hạm chở trực thăng lớp Izumo để có thể tiếp nhận chiến đấu cơ F-35B của Mỹ - những chiến đấu cơ đi theo các tàu đổ bộ tấn công của Mỹ (thực chất là những tàu sân bay cỡ nhỏ). Nhật cũng đang mua thêm vài chục tiêm kích F-35 các loại, dòng máy bay phản lực có thể cất cánh trên tàu sân bay đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng.

Nhật Bản đang vận hành 2 tàu sân bay trực thăng lớp Izumo có thể chuyển đổi thành tàu sân bay. Ảnh: Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản.

“Nhật Bản không có các phi công với nhiều kinh nghiệm hạ máy bay cánh cố định (bao gồm F-35) xuống tàu sân bay. Nhưng cơ sở mới ở Mageshima có thể là cơ hội để người Nhật dần làm quen với kỹ thuật đó cùng với người Mỹ”, ông Wallace nói. “Như vậy, họ không những có thể áp dụng (để hạ cánh ở) chiến hạm của họ mà còn của phía Mỹ”.

“Tiêm kích F-35 của Nhật hạ cánh trên tàu Mỹ quả thực là một thông điệp mạnh mẽ”, ông nói.

Máy bay F-35 đầu tiên của Nhật đang di chuyển trên đường băng tại căn cứ Misawa, Nhật Bản ngày 26/1/2018. Ảnh: Không quân Mỹ.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/mot-hon-dao-nhat-ban-co-the-tro-thanh-tau-san-bay-cua-my-post1022383.html