Một khoảng trời, khoảng tình

Hồ và cây là đặc trưng, giá trị bản sắc của thành phố cổ nhất Việt Nam - Thủ đô 1.014 tuổi.

“Mênh mông hồ... Sương thu tan trong gió/ Bát ngát trăng buông (hư... hư) một khoảng trời/ Một khoảng trời, khoảng tình/ Lắng sâu bao trong đục vơi đầy/ Ðây Dâm Đàm, đây Lãng Bạc/ Ngàn thu qua bao lần sóng gió/ Tây Hồ, Tây Hồ, Tây Hồ, Tây Hồ.../ Kìa mặt gương xanh soi bóng trời Thăng Long xưa/ Còn mãi tiếng vọng ru đưa/ Sóng vỗ bờ... Âm thanh tan trong gió/ Bến trúc lao xao (hư... hư) nhớ thuở nào/ Nhớ giọng thơ thuở nào vẫn đây bóng dương hồn thu thảo/ Ðây Nghi Tàm, kia Trúc Bạch/ Hồn se trong vuông lụa xưa đó/ Tây Hồ, Tây Hồ, Tây Hồ, Tây Hồ…/ Tình này xin đem soi bóng mặt gương trong xanh/ Theo gió bay về xa xưa/ Trăng (ư) đầy… Sóng vỗ…/ Dạt dào đêm nay trời Hà Nội/ Có trăng cùng ai...”.

Tên tùy bút này từ tác phẩm “Một thoáng Tây Hồ” tuổi 40 của nhạc sĩ Phó Đức Phương (1944 - 2020), người mà trữ lượng tri thức về lịch sử và vốn sống đầy thông tuệ vẫn giữ bền sự hồn nhiên, lãng mạn, trẻ trung, cầm tinh linh trưởng (Giáp Thân) cách tôi ba giáp. Ông đã chứng kiến và chia sẻ hành trình thi ca của tôi suốt thời thanh xuân tận hiến. Chúng tôi đồng điệu không nệ khoảng cách thế hệ. Sự trẻ trung trong lối sống, tư duy sáng tác của ông khiến tôi gọi rất tự nhiên hai tiếng: “Bố Phương”.

Một đồng điệu căn bản là chúng tôi cùng yêu Hà Nội, đây là cảm hứng lớn, đề tài chính của chúng tôi.

Và như duyên mệnh, chúng tôi cùng gắn với nhiều số 4 năm Giáp Thìn này. Xuân này, ngày 4 tháng 4 tôi tròn 44 tuổi. Người châu Âu có nguyên tắc tế nhị không hỏi tuổi, thu nhập; còn tôi thường nói ra. Những số 4 dồn về 2024 những mốc thời gian chất chứa lịch sử trong lịch sử. “Người dệt tầm gai” chào đời mùa loa kèn tháng Tư, đang hồi niệm nhớ nhạc sĩ sinh năm 1944 nơi Thủ đô giải phóng năm 1954 bằng các chiều đông nghe “Một thoáng Tây Hồ” viết từ năm 1984.

Đây không đơn thuần là ca khúc, mà là áng sử - thơ sang quý của Tây Hồ. Một hồ nước ngọt phía Tây Bắc Hà Nội, diện tích bề mặt 500ha, thuở xa chắc còn lớn hơn ít nhất là gấp rưỡi. Tên hồ là tên quận, tên một vùng văn hóa, thi ca chứ không chỉ có “làng lúa làng hoa” như nhạc sĩ quân đội Ngọc Khuê (sinh 1947) sáng tác mùa đông 1981 sau khi vòng thực tế đạp xe.

“Một thoáng Tây Hồ” đầy siêu thực, sâu sắc khi vượt xa tả thực để đưa các chiều không gian vào trong vuông lụa trắng giữa Dâm Đàm - miền sương trắng: “Hồn se trong vuông lụa xưa đó” - Bao trong đục vơi đầy của hồ Tây, của lịch sử Thăng Long bão táp mà cũng nên thơ khi suy nghiệm trong “bát ngát trăng buông”.

Mỗi tinh mơ và mỗi hoàng hôn, mỗi buổi sáng và khi chiều tối, đều có người dạo, tập thể dục, đạp xe quanh hồ Gươm, hồ Tây. Hồ là lá phổi, vùng dưỡng sinh, điểm nhấn cảnh quan, còn là đôi mắt, album thời gian của thành phố cổ. Hoàn Kiếm, hồ Gươm, một vòng Lục Thủy là 1,7km. Hồ Tây mênh mông chu vi 17km, tôi chưa trải nghiệm trọn vẹn lần nào - cũng là thiếu sót khi sinh trưởng tại đây, yêu tha thiết đất này.

Tô Hoài gọi hồ Gươm là “vùng cổ tích” bởi truyền thuyết và các loài cây, nhất là cổ thụ. Nhạc sĩ Hoàng Phúc Thắng viết “Truyền thuyết hồ Gươm” ám ảnh: “Hồ Gươm ơi, long lanh như giọt nước mắt đọng lại từ ngàn năm giữa lòng thành phố hạnh phúc vơi đầy”. Người khác gọi linh hồ là “lẵng hoa giữa lòng thành phố”.

Thủ đô của chúng ta là thành phố nhiều hồ nhất Việt Nam và hàng đầu châu Á. Nhưng thành phố đã không chống được tỷ lệ nghịch tàn phá: càng đông dân, càng mở đường, phố, xây chung cư mới, càng mất ao, hồ, đầm, mương... Số còn lại bé, chật mỗi năm, mỗi lần gặp lại. Sông Cái - sông Hồng còn hẹp lại, sông có lưu tốc nước, phù sa đắp bồi. Còn các ao, hồ, cây thật tội, chúng chỉ trầm uất và bị chèn lấn.

Nửa thế kỷ qua, Thủ đô mất 80% diện tích mặt nước do san lấp. Ngoài các hồ nổi tiếng đi vào thơ văn, phim, ảnh, âm nhạc: hồ Gươm, hồ Tây, Thiền Quang (Halais), Trúc Bạch... ở vùng trung tâm; là hàng chục hồ: Xã Đàn, hồ Văn, Hoàng Cầu, hồ Láng, Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh, hồ Thủ Lệ, Nghĩa Tân..., rồi phía trên hồ Ba Mẫu, Bảy Mẫu, Thanh Nhàn, hồ Quỳnh, Quang Trung, hồ Đền Lừ, Linh Đàm... chưa kể ao, hồ thuộc các huyện ngoại thành và đất Hà Tây (cũ). Nhiều hồ nhỏ lại thành ao tù.

Hồ Tây, Trúc Bạch có kè lâu năm mà vẫn bị chiếm dụng mặt nước.

Hồ là tấm gương sự sống và thời gian mà Thăng Long - Hà Nội may mắn có. Nghe câu hát “Một khoảng trời khoảng tình/ Lắng sâu bao trong đục vơi đầy” mà day dứt quá...

Phó Đức Phương thành công nhất với đề tài sông, hồ. Có tuyệt tác cho hồ Tây và “Huyền thoại hồ núi Cốc” (Thái Nguyên), có “Chảy đi sông ơi” và tráng ca “Văn Giang một khúc sông Hồng” cho quê nội, mấy năm cuối đời nhạc sĩ viết sử nhạc ca. Đưa lịch sử đất nước, những anh hùng khí phách tiết liệt vào âm nhạc. Nhưng hồ sông, vẻ đẹp và hồn thiêng ấy mãi được truyền lưu bất tử bằng sức sống nghệ thuật. Những đổi thay về dân số dẫn đến thay đổi quy hoạch, kiến trúc và phát triển đô thị ở Việt Nam ngược với các thành phố văn minh của thế giới khi họ kiến thiết đô thị với tầm nhìn thế kỷ và giữ vững chứ không phá vỡ vì dân cư, vì thay đổi xã hội, kinh tế.

Hà Nội sẽ không còn là thành phố đẹp và đáng yêu, đáng nhớ khi không có cây, hồ.

Hồ là những tấm gương soi vòm trời, cảnh sắc, không chỉ cây, mây, chim... soi bóng xuống hồ mà mỗi chúng ta. Ta được soi cả khi không cúi nhìn xuống nước. Ta soi mình qua màu nước các mùa, qua thời gian đời người, qua thời thế không dễ đoán như dự báo thời tiết, qua những gương mặt người trên sân - khấu - thế - gian.

Giữ cho mặt hồ trong, xanh, để được hơi mát lành thanh khí từ sóng sạch. Mặt hồ là gương đấy, gương chân thật và kỳ ảo như món quà quý ban cho Hà Nội chúng ta. Gương hồ không nên buồn như tình khúc Phú Quang - “Im lặng đêm Hà Nội”: “Chỉ còn mênh mông gương hồ/ Hiu hắt soi những cây bàng lá đỏ/ Chỉ còn mênh mông gương hồ/ Từng hàng cây góc phố/ Ngây ngô nhìn nhau/ Chỉ còn hơi ấm mối tình đầu/ Anh đi có đôi lần nhìn lại?/ Chỉ còn em, còn em/ Im lặng đến tê người”.

Gương hồ luân lưu những kỷ niệm sinh sôi mà Ái thành ôm ấp. Vòng hồ là vòng tay che chở, mơ mộng thường ngày dù thành phố ngột hơi người, khói bụi và cuồng nộ tạp âm. Giấc mơ của chúng tôi, chúng ta là Hà Nội mãi mãi giữ được những báu vật hồ. Hồ nuôi giữ tâm hồn và hình ảnh mọi thời bằng độ trong lắng và tĩnh lặng.

Hà Nội của em và Anh, vẫn nhận chu cấp từ những mặt gương lưu thủy kia, ăm ắp nỗi khát xanh của thanh xuân hy vọng.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/mot-khoang-troi-khoang-tinh-post565789.antd