Một khởi đầu đặc biệt

Diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương, chương trình nghị sự được rút ngắn chỉ còn 11 ngày làm việc cùng với những quy định nghiêm ngặt, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới thật đúng nghĩa 'đặc biệt'. Dồn nén nhiều công việc trọng đại, khẩn trương kiện toàn các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước, đồng thời thiết kế chương trình, kế hoạch hành động cho toàn khóa XV,... nhiều thử thách đang đặt lên vai 499 đại biểu Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu bầu Chủ tịch Quốc hội khóa XV. Ảnh: QUANG HOÀNG

Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu bầu Chủ tịch Quốc hội khóa XV. Ảnh: QUANG HOÀNG

Vấn đề trách nhiệm và sự kỳ vọng vào các đại biểu Quốc hội cũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại phiên khai mạc kỳ họp (sáng 20/7): "Tất cả các vị đại biểu Quốc hội chúng ta khóa này cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó".

Mong mỏi ấy cũng chính là sự trông đợi của cử tri và nhân dân cả nước sau cuộc bầu cử lớn nhất từ trước đến nay với tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao (đến 99,6%). Bắt nhịp nhanh những đòi hỏi của thực tiễn, ngay tuần đầu làm việc, không khí ở hội trường Diên Hồng đã cho thấy sự nhanh gọn, quyết đoán của các đại biểu thể hiện trong việc bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo nhà nước một cách nhanh chóng, tập trung, xen kẽ với đó là các phiên thảo luận, bàn bạc, thống nhất chương trình, kế hoạch hành động toàn khóa, từ việc trước mắt cho đến lâu dài, cả vi mô lẫn vĩ mô.

Từ những đổi mới của các nhiệm kỳ trước tiếp tục được Quốc hội khóa XV tiếp thu, hoàn thiện; công tác tổ chức, quy chế hoạt động của các đại biểu và Quốc hội được duy trì, bảo đảm, kế thừa những việc, những quyết sách mà nhiệm kỳ trước bàn giao. Theo đó, về công tác nhân sự, ngay kỳ họp thứ nhất lần này, Quốc hội xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức và bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước. Xác định đây là nội dung trọng tâm của kỳ họp, có ý nghĩa quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước cả nhiệm kỳ, nên ngay trong những ngày làm việc tuần đầu này, các đại biểu đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, thảo luận dân chủ, cân nhắc kỹ lưỡng, sáng suốt quyết định bầu và phê chuẩn các nhân sự được giới thiệu với kết quả tập trung cao.

Cùng với công tác kiện toàn nhân sự cho bộ máy nhà nước, Quốc hội cũng tiến hành xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước sáu tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước sáu tháng cuối năm 2021; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022; xem xét, quyết định hai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025,...

Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 về: Phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia; đầu tư công trung hạn. Việc Quốc hội xem xét, quyết định đồng thời các kế hoạch 5 năm ngay tại kỳ họp thứ nhất nhằm bảo đảm tính tổng thể và là cơ sở quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo điều kiện để các cơ quan, các ngành, các cấp, các địa phương sớm chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội cũng như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Không khí thảo luận sôi nổi bên lề kỳ họp. Ảnh: MỸ HÀ

Theo dõi sát hoạt động nghị trường thời gian qua, một số chuyên gia lập pháp cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được của nhiệm kỳ khóa XIV, vẫn còn một số tồn tại.

Căn cứ báo cáo kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2020, ý kiến kiến nghị của cử tri và tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong Tờ trình tóm tắt về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 trình Quốc hội xem xét, thảo luận sáng 21/7 đã thẳng thắn đề cập một số hạn chế.

Theo đó, thời gian dành cho hoạt động chất vấn, đặc biệt là hoạt động "hậu giám sát" còn hạn chế, chưa bảo đảm để tất cả các chất vấn của đại biểu quốc hội đều được trả lời trực tiếp tại hội trường; chưa tiến hành đánh giá đối với việc tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn bằng văn bản, một số yêu cầu trong nghị quyết chất vấn còn chưa có định lượng cụ thể; hoạt động giám sát chuyên đề có lúc bị ảnh hưởng do báo cáo của một số cơ quan chịu sự giám sát gửi đến Đoàn giám sát còn chậm so với yêu cầu hoặc không bảo đảm về mặt pháp lý, hoặc có nội dung chưa thể hiện được vấn đề cần xem xét, đánh giá...

Phân tích nguyên nhân, một số đại biểu chỉ ra, do nội dung giám sát có phạm vi rộng, khối lượng công việc lớn, tính chuyên môn sâu, nhiều việc phát sinh, yêu cầu gấp, trong khi thời gian cho hoạt động giám sát, nguồn lực để thực hiện giám sát còn hạn chế; còn thiếu quy định cụ thể về cơ chế hỗ trợ đại biểu Quốc hội tự tiến hành giám sát,…

Thảo luận trong hội trường hay chia sẻ bên hành lang phòng Diên Hồng, nhiều đại biểu Quốc hội, trong đó có cả những đại biểu trúng cử lần đầu đã bày tỏ mong mỏi sẽ đóng góp ý kiến trong việc khắc phục những hạn chế, tồn tại, đồng thời cho rằng, Quốc hội khóa XV sẽ phải quyết định rất nhiều vấn đề hệ trọng. Trước hết là hoàn thiện được khung khổ pháp luật về một nền kinh tế thị trường hiện đại, định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập, xây dựng được lực lượng kinh tế, lực lượng doanh nghiệp đóng vai trò chủ lực trong phát triển đất nước. Cùng đó, phải có những điều chỉnh quan trọng cho phù hợp với xu hướng của Cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế, dự báo và có "đối sách" thích hợp cho những thay đổi về "địa kinh tế", "địa chính trị", nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày một khó lường.

Một kỳ họp khởi đầu đặc biệt trong bối cảnh đặc biệt, đòi hỏi các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, tập trung cao độ, phát huy trí tuệ, tận dụng thời gian đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết và chất lượng, góp phần vừa rút ngắn thời gian vừa bảo đảm cho kỳ họp thành công tốt đẹp - như đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Bởi, thành công của kỳ họp này sẽ là tiền đề, động lực rất quan trọng cho hoạt động của Quốc hội không chỉ trong nhiệm kỳ khóa XV mà cả chặng đường tương lai.

KHÚC HỒNG THIỆN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/thoi-su-chinh-tri/mot-khoi-dau-dac-biet-656437/