Một kiến giải về 'bệnh auto chửi' trên Facebook

Những năm gần đây, khi mạng xã hội phát triển, người ta thường dễ buông lời cay độc hơn. Tại con người, tại xã hội hay tại... Facebook?

TS Dương Ngọc Dũng là người từng đụng độ với nhiều cuộc tranh luận nảy lửa từ học thuật đến cuộc sống nhưng ông lại không phải là người bị sa đà vào những cuộc chửi vô bổ trên mạng xã hội.

Chửi vô tội vạ thì phải bị phạt nặng

. Phóng viên: Thưa ông, bây giờ người Việt mình rất thích chửi, đụng đâu cũng có thể chửi, dễ bức xúc, dễ buông những lời nặng nề, theo ông vì sao như thế?

+ TS Dương Ngọc Dũng: Tôi muốn giải thích điều này dưới góc độ kinh tế học. Một con người khi họ có hành động cụ thể nào đó đều trong hai mục tiêu mà thôi: Thứ nhất, mong chờ lợi ích đến từ hành động đó, bắt nguồn từ lòng tham có thể là tham tiền bạc, tham trai gái… Ngay cả uống cà phê đó là vì lợi ích tỉnh táo, sảng khoái.

Thứ hai, bắt nguồn từ ngăn chặn hành động khác có thể tước đi lợi ích của mình, bắt nguồn từ sự sợ hãi. Ví dụ, có người rủ mình đầu tư mua đất có lời chẳng hạn, nghe lời thấy khoái rồi nhưng động cơ thứ hai đối diện với nguy cơ “lỡ mất tiền thì sao?”… Chính sự sợ hãi ảnh hưởng hành động mình.

Tức mọi hành động của con người đều từ hai cơ sở này: Bảo vệ cái mình đang có (gia đình, tài sản, chính mình…) và thứ đến là mở rộng tài sản, quan hệ, vợ con…

Vậy ở mạng xã hội tại sao được chửi? Chửi có ai phạt đâu, mắc gì không chửi? Chửi cá nhân, Nhà nước, sự kiện… hầu như đều không bị ai phạt, kể cả đối tượng mình chửi cũng chẳng phạt được mình. Đó là động cơ mà những bình luận vô tội vạ xuất hiện, vì người dùng không phải chịu trách nhiệm gì hết.

TS Dương Ngọc Dũng cho rằng tranh luận với người xa lạ trên mạng xã hội chẳng khác gì người lớn thách đấu trẻ em. Ảnh: Nhân vật cung cấp

TS Dương Ngọc Dũng cho rằng tranh luận với người xa lạ trên mạng xã hội chẳng khác gì người lớn thách đấu trẻ em. Ảnh: Nhân vật cung cấp

. Vậy nếu không phạt được, tức chuyện chửi vẫn cứ được phép tràn lan, thưa ông?

+ Muốn người khác không làm hành động gì đó thì phải phạt nặng và ngược lại, khuyến khích người làm tốt bằng tăng phần thưởng. Bởi suy cho cùng, muốn thúc đẩy thì tăng lợi ích, muốn không làm thì cắt bỏ lợi ích… Đó là cái con người sợ nhất. Lợi ích là tiền bạc, tự do…

. Như ông nói, mọi tiền đề đều từ lợi ích kinh tế, vậy phải chăng những lo lắng rằng xã hội đang bị đồng tiền lung lạc, thiếu nền tảng văn hóa… là có cơ sở?

+ Vậy cho tôi hỏi lại, có xã hội nào không bị đồng tiền lung lạc không? Xã hội nào thoát khỏi được đồng tiền không? Ai biết xã hội đó chỉ tôi dọn tới tôi sống!

Tiền tượng trưng cho một thứ lợi ích, tại sao tiền xấu? Tiền xấu bởi sự phân phối lợi ích không công bằng. Có những loại tiện ích tốt mà nhiều người không được tiếp cận như học hành, nước sạch, y tế tốt… Mệnh đề than vãn trên mạng với ý nghĩ không công bằng là đúng, còn bản thân đồng tiền không tốt cũng không xấu, nó chỉ là phương tiện.

Trong cuộc sống, động cơ hoạt động mọi con người đều thuần túy lợi ích. Một cuộc hẹn nói chuyện đều có lợi ích gì đó chứ không ai bỏ không thời gian để làm gì. Lợi ích đây không chỉ là tiền bạc mà có thể là tình yêu, tình dục...

TS Dương Ngọc Dũng

“Tôi không bao giờ tranh luận trên Facebook”

. Trong một môi trường “auto chửi” như vậy thì những người làm nghiên cứu như ông bị tác động như thế nào, bởi đưa ra cái mới nghiên cứu thì đứng trước khả năng bị “ném đá”?

+ Tôi cho rằng tùy nhà nghiên cứu họ có đủ “công lực” hay không. Nếu đó là tranh luận học thuật thì tôi sẽ chọn những tạp chí nghiên cứu, học thuật để trả lời chứ không bao giờ tôi đăng Facebook.

Nhiều sinh viên hỏi tôi trên mạng về vấn đề gì đó với thái độ nghiêm túc, tôi thường trả lời “Câu hỏi của bạn không thể trả lời trong phạm vi một status được, hy vọng sẽ gặp bạn trong một hội thảo học thuật nào đó để trả lời cụ thể hơn”. Tôi không bao giờ đưa một điểm để tranh luận lên Facebook. Đó không phải là nơi để tranh luận, bất kỳ ai cũng có thể phủ nhận nó rất dễ dàng.

Tôi chấp nhận tranh luận học thuật chứ không bao giờ tranh luận với người mình không biết là ai mà chỉ buông một phản hồi vớ vẩn. Tôi không thể ngu dại rơi vào những phản hồi như thế. Nó chẳng khác gì người lớn đi thách đấu với trẻ em, hiển nhiên thua trẻ em là cái chắc.

. Nhưng có một thực tế là khi tranh luận học thuật dễ đi đến mạt sát. Vậy người nghiên cứu có cần kìm những điều đó?

+ Con người có những sự tự do, họ sẽ chọn phát biểu theo kênh họ muốn, tùy theo mục đích và đối tượng. Như đợt rồi tôi tranh luận với một vị sư liên quan đến ba cây nhang sau chuyến dẫn Tổng thống Obama đến chùa Ngọc Hoàng. Tôi đã tế nhị không nêu tên vị sư và tôi nói những điều sai ra sao. Hiển nhiên tôi có thể chọn một kênh trả lời khác, nêu tên vị sư… nhưng tôi chọn trả lời ngắn gọn trong một trang giấy A4 trên một tờ báo. Bởi thật sự tôi không muốn gây hấn với ai, việc trả lời như thế sẽ không làm vấn đề lan rộng và chấm dứt cuộc tranh luận nhanh nhất.

. Xin cám ơn ông.

Vài nét về TS Dương Ngọc Dũng

TS Dương Ngọc Dũng tốt nghiệp thạc sĩ ngành Đông Á tại ĐH Harvard (Mỹ), tốt nghiệp tiến sĩ ngành tôn giáo học tại ĐH Boston (Mỹ) và tốt nghiệp MBA của United Business Institute (Bỉ).

Ông từng giữ những vị trí quản lý cao cấp, đào tạo và tư vấn cho những tổ chức, tập đoàn lớn. Vào năm 2016, TS Dương Ngọc Dũng là người đã hướng dẫn Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm chùa Ngọc Hoàng.

Hiện ông là trưởng bộ môn Kinh tế quốc tế, khoa Quan hệ quốc tế của ĐH KHXH&NV TP.HCM; cùng đó ông vẫn là chuyên gia tư vấn cho nhiều tập đoàn, giảng dạy về các môn quản trị: Marketing, nhân sự, xuyên văn hóa…, cũng như giảng dạy về triết học, lịch sử các tôn giáo tại các đại học, học viện.

QUỲNH TRANG

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/mot-kien-giai-ve-benh-auto-chui-tren-facebook-792857.html