Một lần bước ra khỏi 'vùng an toàn'

Còn trẻ, còn cơ hội thì hãy cứ dấn thân một cách chủ động, chăm chỉ và nhiệt thành nhất.

Hôm nọ, có dịp ngồi nói chuyện với nhau, chị bạn tôi kể cô em gái tuy có năng lực nhưng rất an phận. Đi làm ở công ty, sếp đề xuất đảm nhiệm vị trí trưởng phòng mà bạn ấy không nhận. Bạn sợ trách nhiệm, muốn mọi thứ phải thật chắc chắn mới dám bước ra khỏi vùng an toàn.

Cô gái này giống với rất nhiều người bạn của tôi, năng lực, học vấn miễn chê nhưng sự nghiệp đến tuổi này chưa có gì nổi bật. Bởi khi quyết định làm điều gì, họ thường muốn mọi thứ trong vòng kiểm soát và phải thật hoàn hảo. Họ sợ sai, mất mặt hoặc sợ liên lụy cá nhân, tổ chức khác vì sự thiếu hiểu biết của mình.

Ảnh minh họa

Câu chuyện khiến tôi nhớ lại quãng thời gian tôi làm gia sư cho con gái bộ trưởng năm 21 tuổi. Một tối nọ, tôi kết thúc bài giảng và chuẩn bị về thì em òa khóc nức nở. Ngày mai có bài kiểm tra một tiết môn Hóa mà giờ này em vẫn không hiểu bài, kiểu gì cũng chỉ được 2 - 3 điểm. Bố em là giáo sư, tiến sĩ nên kỳ vọng ở con rất nhiều. Nếu kết quả không tốt, em không biết phải nói với bố mẹ thế nào.

Tôi càng dỗ dành, cô gái nhỏ càng khóc to hơn, bao nhiêu áp lực như vỡ òa theo từng tiếng nấc.

“Thôi, đừng khóc nữa, em mang sách hóa ra đây chị coi”, tôi nói. Em ngừng khóc và chuẩn bị sách vở theo yêu cầu.

Tôi là gia sư môn Toán, thú thực rất lâu chưa “đụng” đến Hóa học, kiến thức sót lại từ hồi phổ thông không nhiều. Nhưng thôi thì còn nước còn tát, cứ thử xem sao, biết đâu có thể giúp được em phần nào.

Em học thuộc lý thuyết trong khoảng một tiếng đồng hồ, còn tôi ngồi xem qua phần bài tập và đáp án. Xong xuôi, tôi kiểm tra phần lý thuyết rồi hướng dẫn em làm bài tập. Hai chị em miệt mài ôn bài đến 12 giờ đêm. 6 giờ sáng hôm sau, tôi gọi em dậy ôn thêm lần nữa cho thật kỹ.

Em đi thi, tôi không kỳ vọng nhiều, chỉ mong em đạt 5 - 6 điểm là mừng quýnh. Vậy mà không, lần đó em làm bài được 8,5 điểm, cao nhất lớp. Nghe em báo tin mà chính tôi cũng bất ngờ, nghĩ mình đúng là hên ghê, dạy trúng đề.

Cha mẹ em vui lắm, cả nhà ăn mừng và mời tôi làm gia sư môn Hóa cho em luôn. Thời gian sau, họ tin tưởng để tôi kiêm thêm các môn khác từ Toán, Lý, Hóa đến Văn, Sử, Địa. Tổng kết học kỳ 1 em chỉ đạt 6,3 điểm, xếp loại học lực trung bình, nhưng cuối học kỳ 2 năm đó, cô gái nhỏ đã chạm mốc 8,9 điểm. Gia đình học sinh xem tôi như người hùng, còn tôi thì… thở phào nhẹ nhõm.

Thế mới nói, nếu có cơ hội làm thì hãy cứ làm đi, nỗ lực làm tốt nhất có thể tại thời điểm đó. Bởi cuộc sống này không có gì hoàn hảo, nếu chưa tìm được giải pháp nào tốt hơn, hành động chính là giải pháp tốt nhất.

Đừng nghĩ ngợi quá nhiều, đừng trì hoãn đến khi sẵn sàng vì lúc đó cơ hội có thể vụt mất. Nó không đến lần thứ hai nên cờ đến tay thì hãy phất. Ta cứ làm đã, chỗ nào không biết thì học hỏi, ngã ở đâu thì đứng lên ở đó và tiếp tục.

Chẳng hạn như những người bạn của tôi, từ nhân viên được đề bạt lên quản lý. Họ có thể nắm 80% kiến thức và kĩ năng về vị trí đó, 20% còn lại học từ giám đốc hoặc người đi trước. Tức là, nếu nhận nhiệm vụ mới, họ sẽ được học miễn phí 20% kiến thức/kĩ năng, chưa kể thu nhập cũng tăng thêm mà chẳng mất mát gì. Vậy tại sao không đón nhận thử thách? Nó còn là tiền đề để họ có cơ hội đảm nhiệm vị trí cao hơn, trưởng phòng, phó giám đốc hoặc giám đốc chẳng hạn.

Trở lại câu chuyện em học sinh, khi phụ huynh bảo tôi kèm em học tất cả các môn, tôi nhận lời mà không suy nghĩ nhiều. Cứ làm, cứ học và cố gắng. Tôi chắc chắn không phải là giáo viên giỏi nhất nhưng là lựa chọn tốt và duy nhất tại thời điểm đó. Vốn học Ngoại thương, tôi không biết nhiều về các nghiệp vụ sư phạm, nhưng qua trải nghiệm này mà bén duyên và gắn bó luôn với sự nghiệp giáo dục.

Cũng phải nói nhờ bốn năm làm gia sư mà tôi có dịp ôn lại kiến thức các môn tự nhiên và xã hội. Đến bây giờ, nhiều nhân viên vẫn hay thắc mắc: “Sao chị giỏi thế, tính toán siêu mà cách nói chuyện cũng văn chương lai láng. Việc gì cũng biết từ tư vấn, viết bài marketing, nói chuyện với học sinh, phụ huynh đến quản lý chất lượng giáo viên”. Tôi chỉ cười, có lẽ đó là “trái ngọt” của việc dám bước ra vùng an toàn để chấp nhận thử thách và dấn thân.

Chợt nhớ câu nói của Jack Ma: “Nếu tôi nói ra ý tưởng, 8/10 người đồng ý thì đã quá muộn để làm”. Thế nên, khi còn trẻ, còn cơ hội thì hãy cứ làm và dấn thân với lòng nhiệt thành, chăm chỉ và chủ động nhất. Không gì là không thể và nếu từ chối một cơ hội để học, để làm đồng nghĩa với tự đóng lại những cơ hội tiếp theo. Bởi chỉ có những người dám làm, không ngại làm mới có thể đi xa.

Hải Yến

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/mot-lan-buoc-ra-khoi-vung-an-toan-d191128.html