Một lần đến với 'quần đảo phía bình minh'

'Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa! Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua. Chiến sĩ Trường Sa, hát tiếp bài ca về những tấm gương Bộ đội Cụ Hồ, đem chí trai giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta…'

Bài hát “Khúc quân ca Trường Sa” được chúng tôi hát vang giữa biển trời bao la suốt nhiều ngày đi về phía mặt trời mọc, tới quần đảo anh hùng của Tổ quốc. Với nhiệt huyết, trí tuệ, tinh thần đoàn kết mong muốn đóng góp thiết thực cho biển, đảo yêu thương, chúng tôi gọi đó là “Hành trình đi về phía bình minh”.

Thanh âm yên bình nơi đảo xa

Ngày 8-4-2021, tại Cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh, Đoàn công tác Tổng cục Chính trị (TCCT) do Thượng tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm TCCT làm trưởng đoàn bắt đầu hành trình 8 ngày đến thăm, kiểm tra huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Trong cuộc đời quân ngũ của mình, tôi đã đến nhiều nơi nhưng mơ ước nhất là được chạm tay vào cột mốc chủ quyền biển, đảo Trường Sa của Tổ quốc, được chia sẻ với quân và dân các xã đảo, những người đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thân yêu. Nhìn thấy hòn đảo đầu tiên giữa muôn trùng sóng vỗ, cơn chếnh choáng say sóng, mệt nhoài đã nhanh chóng nhường chỗ cho niềm tự hào, vui mừng trào dâng trong tôi. Đó là đảo Song Tử Tây, đảo có hình bầu dục, nhìn từ xa đảo như một khu rừng thu nhỏ mọc lên giữa đại dương. Dưới bóng cây là con đường bê tông sạch, đẹp trải dài, các nếp nhà khang trang, vườn hoa nhiều màu sắc. Nói chuyện với Binh nhất Hoàng Trung Hiếu, Cụm chiến đấu 2, đảo Song Tử Tây, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, tôi được biết, điều kiện trên đảo tuy còn nhiều khó khăn nhưng quân và dân đoàn kết vượt khó. Đảo nuôi được bò, lợn, gà và trồng được nhiều loại rau xanh, đời sống của quân và dân trên đảo cũng khá ổn định.

Thăm đảo, nghe tiếng gà gáy ban trưa, tiếng trẻ con nô đùa tíu tít, ê a đọc bài, tiếng chuông chùa ngân vang… những âm thanh quen thuộc nơi quê nhà đất liền, nhưng ở tiền tiêu trên thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, thanh âm yên bình đó tạo ra sự xúc động khó tả làm đôi mắt tôi bỗng dưng mọng nước. Để Song Tử Tây hòa chung nhịp đập và hơi thở của đất liền, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đã phải vượt qua nhiều khó khăn, xây dựng và bảo vệ biển, đảo với tình yêu Tổ quốc thiết tha. Để các Đoàn công tác như chúng tôi có thể đến đây và tự hào hát vang “biển này là của ta, đảo này là của ta…”.

Cuộc gặp giữa trùng khơi

Chia tay đảo Song Tử Tây, chúng tôi tiếp tục “hành trình đi về phía bình minh”. Tại đảo Nam Yết, khi đang giao lưu, một chiến sĩ vừa chạy vừa gọi tên tôi: “Cô Hà! Cô Hà ơi!”. Cậu ấy đã từng gặp tôi khi còn làm nhiệm vụ trong đất liền. Với tôi, đây là cuộc gặp gỡ đặc biệt ấn tượng trong cuộc đời nghệ sĩ, chiến sĩ và cứ thế cô, trò ôm nhau, mắt tôi cay nồng, tự hào và hạnh phúc! Cảm ơn em đã dám đương đầu với bão giông khắc nghiệt, với nắng gió mặn mòi của biển để bảo vệ Tổ quốc từ khơi xa. Vóc dáng những chiến sĩ da cháy nắng, gương mặt rắn rỏi, tay bồng súng canh giữ biển trời như em đã làm nên dáng hình đất nước Việt Nam ta.

Tiếp tục hành trình, tôi xúc động khi “gặp” những “đứa con tinh thần” của đơn vị mình - Tạp chí Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội có mặt trong thư viện, tủ sách các đảo và nhà giàn DK1. Ở khơi xa không có internet, không có nhiều hình thức giải trí thì những trang sách, báo, tạp chí là điều rất quý giá với bộ đội. “Những trang viết về văn hóa, các sáng tác âm nhạc, nghệ thuật của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội đến được đây đã giúp ích và trở thành một phần có ích cho đời sống tinh thần của bộ đội Trường Sa”, Thiếu tá Lê Duy Sửu, Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân đã chia sẻ với tôi như vậy. Nhìn chiến sĩ đọc tạp chí của trường tôi cảm thấy như một phần của mình cũng đang đồng hành ở nơi đầu sóng ngọn gió này. Và để những tờ tạp chí đến được đây là hành trình vất vả của biết bao con người…

Đại tá, NSND Nguyễn Thị Thu Hà thăm hỏi chiến sĩ Nhà giàn DK1/16.

Đại tá, NSND Nguyễn Thị Thu Hà thăm hỏi chiến sĩ Nhà giàn DK1/16.

Thiêng liêng lá cờ Tổ quốc nơi đảo xa

Giữa biển khơi mênh mông xanh ngắt, lá cờ đỏ sao vàng khẳng định vùng chủ quyền Việt Nam. Trong chuyến công tác này, tôi vô cùng may mắn và hạnh phúc khi được tặng lá cờ Tổ quốc với đầy đủ con dấu, chữ ký cùng "lời thề giữ biển, giữ đảo” của những người lính Trường Sa. Món quà giản dị, mộc mạc nhưng sâu sắc, nghĩa tình. Lá cờ được chúng tôi nâng niu, gìn giữ suốt hành trình để rồi mai đây đó sẽ trở thành hiện vật minh chứng cho câu chuyện tiếp lửa truyền thống đối với thế hệ trẻ trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Và khi chúng tôi làm Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, lá cờ đỏ thay cho tượng đài tưởng niệm trong lòng mỗi người. Ngước nhìn sắc cờ đỏ thắm phấp phới giữa cao xanh, lòng chúng tôi quặn lại, nghẹn ngào và như có sức mạnh thôi thúc chúng tôi, những sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam nguyện cống hiến hết mình, quyết tâm gìn giữ cho lá quốc kỳ đỏ thắm mãi tung bay tự do trên quần đảo anh hùng của dân tộc.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Núi Le A ký lưu bút lên cờ tặng Đoàn công tác.

“Hành trình đi về phía bình minh” của Đoàn công tác đã kết thúc nhưng là khởi đầu cho những kế hoạch sắp tới của tôi với trách nhiệm của người nghệ sĩ đội mũ đeo sao; lao động sáng tạo nhiều hơn nữa trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ để góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ “xây dựng đảo trở thành địa chỉ tin cậy, chỗ dựa vững chắc để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển; mỗi cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo phải là cột mốc sống vững chắc của Tổ quốc ở Trường Sa thân yêu” như lời của Thượng tướng Đỗ Căn đã nhấn mạnh nhiều lần trong chuyến công tác vừa qua.

Đại tá, NSND NGUYỄN THỊ THU HÀ, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật thực hành, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/mot-lan-den-voi-quan-dao-phia-binh-minh-657425