Một loại đầu tư cần nghiên cứu

Vài năm trở lại đây, mỗi khi thống kê số liệu đầu tư trực tiếp nước ngoài, Tổng cục Thống kê (TCTK) cũng như các địa phương đều có thêm một khoản mục: nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước.

Chẳng hạn, số liệu mới nhất của TCTK cho biết đến 20-9-2018, giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam gồm có ba khoản mục: cấp giấy phép mới - hơn 14 tỉ đô la Mỹ; điều chỉnh vốn đầu tư - hơn 5,5 tỉ đô la Mỹ; và góp vốn, mua cổ phần - 5,7 tỉ đô la Mỹ. Khoản mục cuối cùng còn được chia làm hai loại: góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ là 1,8 tỉ đô la Mỹ và mua lại cổ phần nhưng không làm tăng vốn điều lệ là 3,85 tỉ đô la Mỹ.

Đây là khoản mục khá quan trọng vì nó giúp chúng ta có bức tranh chính xác hơn về đầu tư nước ngoài, xu hướng nhà đầu tư mua lại cổ phần của doanh nghiệp trong nước, cũng như mức độ tăng giảm của nó.

Ở đây có một số điểm cần lưu ý. Thứ nhất, ngành kế hoạch đầu tư chỉ ghi nhận các trường hợp góp vốn, mua cổ phần với tỷ lệ vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện vì lúc đó nhà đầu tư phải làm thủ tục đăng ký.

Thứ hai, xu hướng này ngày càng diễn ra mạnh, ví dụ, tại TPHCM, chín tháng đầu năm 2018, FDI theo dạng truyền thống, tức cấp phép mới và tăng vốn chỉ đạt 1,19 tỉ đô la Mỹ, giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số vốn rót vào doanh nghiệp trong nước để mua lại cổ phần lên đến 4,2 tỉ đô la Mỹ, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Thứ ba, đây vẫn được xem là đầu tư trực tiếp nước ngoài vì đầu tư gián tiếp chỉ diễn ra khi nhà đầu tư mua cổ phần doanh nghiệp đại chúng mà không tham gia quản lý và mua qua những định chế trung gian trên thị trường chứng khoán. Góp vốn, mua cổ phần dẫn tới thay đổi cơ cấu sở hữu phải đăng ký lại thì đó là đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trong khi chúng ta có những nghiên cứu công phu về FDI theo nghĩa truyền thống thì hầu như chưa có các công trình nào về hình thức đầu tư dưới dạng góp vốn, mua cổ phần - cái lợi, cái hại của nó đối với nền kinh tế nội địa là như thế nào. Mua cổ phần không làm tăng vốn điều lệ chỉ là sự dịch chuyển quyền sở hữu, nó không tạo nên công ăn việc làm mới, không nâng quy mô sản xuất hay cung ứng dịch vụ. Những định hướng mới cho FDI như thu hút có chọn lọc, từ chối các dự án ô nhiễm môi trường, không ưu tiên cho những ngành trong nước làm được... làm sao triển khai nếu nhà đầu tư chọn cách mua cổ phần? Làm sao lọc để loại trừ các dự án bất động sản, bán lẻ, du lịch... nếu họ chọn cách mua lại doanh nghiệp trong nước?

Đầu tư dạng này cũng đã tạo ra những rủi ro như cơm không lành, canh không ngọt dẫn đến chia tay hay dẫn đến tranh chấp, núp bóng... Vốn rót vào cũng có thể là vốn vay và nếu là giữa người không cư trú với người cư trú thì lại làm cho nợ nước ngoài của quốc gia tăng lên không kiểm soát được.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280282/mot-loai-dau-tu-can-nghien-cuu.html