Một loạt tổ chức đề nghị triển khai mô hình thanh toán mới

Một loạt tổ chức đang đề nghị Ngân hàng Nhà nước triển khai mô hình thanh toán mới, trong tốc độ bùng nổ của thanh toán qua điện thoại di động.

Ảnh minh họa.

Ngân hàng Nhà nước vừa tiếp tục cập nhật dữ liệu về tình hình thanh toán ở các kênh mới phát triển tại Việt Nam những năm gần đây.

Như thể hiện rõ từ trong năm 2018 và cập nhật gần đây, tốc độ tăng trưởng giao dịch thanh toán qua internet và qua điện thoại di động tiếp tục bùng nổ.

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2019, giao dịch tài chính qua internet đạt trên 265 triệu món với tổng giá trị hơn 13 triệu tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2018 lần lượt là 53,18% và 23,33%.

Đặc biệt, giao dịch tài chính qua điện thoại di động trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt 246 triệu món với giá trị trên 2,4 triệu tỷ đồng, tăng lần lượt 110,92% và 147,31% so với cùng kỳ năm 2018.

Ở kênh khác, tính đến cuối tháng 6/2019, toàn quốc có trên 18.740 ATM và trên 259.890 POS đang hoạt động; POS hiện đã được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, đang mở rộng đến các đơn vị cung cấp dịch vụ công (cơ sở y tế, bệnh viện, trường học...).

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện đang tiếp nhận đề nghị triển khai mô hình thanh toán mới của các tổ chức như: ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đề xuất hợp tác thanh toán với AliPay, Wechatpay, Unionpays, Nonghyup Bank. Mô hình này nhằm phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam được thực hiện thông qua ngân hàng/trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, do chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng cũng như thẩm quyền cho phép thí điểm, cơ quan này đã trình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu, xử lý cho phép thí điểm các mô hình trên, qua đó tổng kết nắm bắt thực tế nhằm xây dựng các quy định đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặc biệt trong bối cảnh công nghệ phát triển, dịch vụ thanh toán điện tử xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có quy định pháp lý cụ thể đối với các giao dịch thanh toán quốc tế để giúp cho cơ quan nhà nước trong việc quản lý các dịch vụ thanh toán xuyên biên giới, thu thập thông tin để kiểm soát doanh thu, lợi nhuận phục vụ công tác quản lý thuế.

Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cần bổ sung rõ ràng các quy định về thanh toán quốc tế giúp cho các chủ thể trong và ngoài nước tuân thủ các quy định, ràng buộc của pháp luật hiện hành.

THANH BÌNH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/mot-loat-to-chuc-de-nghi-trien-khai-mo-hinh-thanh-toan-moi-3526485.html