Một lòng giữ đất, bám làng

Sinh ra, lớn lên và trưởng thành từ thôn Giáp Trung, xã Thàng Tín, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang nên với ông Vàng Chỉn Tờ, mỗi tấc đất, nhành cây, khe suối ở Giáp Trung giống như máu thịt. 'Đất của ông cha thì mình phải giữ. Có Đảng, có BĐBP dẫn đường càng biết sống sao cho vui hơn, tốt hơn, no ấm hơn...' - Ông Tờ cười giòn giữa những đợt gió vùng biên ù ù thổi.

Ông Vàng Chỉn Tờ cùng cán bộ huyện và cán bộ Biên phòng trao đổi về những mô hình phát triển kinh tế cho thôn Giáp Trung. Ảnh: Phương Tú

Ông Vàng Chỉn Tờ cùng cán bộ huyện và cán bộ Biên phòng trao đổi về những mô hình phát triển kinh tế cho thôn Giáp Trung. Ảnh: Phương Tú

Sau đề xuất của chúng tôi, ngay lập tức, Trung tá Nguyễn Văn Đại, cán bộ Đồn Biên phòng Thàng Tín tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Thàng Tín đã kết nối được với ông Vàng Chỉn Tờ, Bí thư chi bộ thôn Giáp Trung. Cùng chúng tôi lên biên giới, ngoài 2 cán bộ huyện, Trung tá Đại, còn có thêm anh Bùi Văn Hùng, Phó Bí thư Trường trực Đảng ủy xã Thàng Tín. Đang mùa thu hoạch lúa, đường lên Giáp Trung đẹp như mơ với những thửa ruộng bậc thang cao vút, chảy tràn từ ngọn núi này sang ngọn núi khác.

Nghe điện thoại của Trung tá Đại, biết có khách từ xa đến, ông Tờ bỏ lại đám ruộng đang gặt dở, đi bộ cả giờ đồng hồ để về đón khách. Khá bất ngờ vì ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng ông Tờ vẫn rất nhanh nhẹn. Vừa pha trà mời khách, ông vừa chỉ sang trường mầm non ngay cạnh nhà văn hóa thôn: Có 1 lớp mầm non và 3 lớp 1, 2, 3 đang học ở đó. Giờ chiều muộn, các cháu về rồi, sáng ra vui lắm... Và câu chuyện giữa chúng tôi cứ mỗi lúc một rôm rả theo những câu chuyện trải dài cùng năm tháng của ông Tờ.

Sinh năm 1948 tại thôn Giáp Trung, năm 1970, ông Tờ được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, rồi kế toán thôn, đội trưởng đội sản xuất, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thàng Tín. Năm 2008, sau khi nghỉ công tác ở xã, ông lại tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ thôn Giáp Trung.

Trải qua nhiều vị trí, ông Tờ thuộc về Giáp Trung như thuộc gia đình mình vậy. “Hiện, cả thôn có 47 hộ, trong đó có 24 hộ nghèo. Hộ nghèo vẫn còn nhiều, nhưng là so với tiêu chuẩn nghèo bây giờ, chứ trước kia, nghèo khó hơn bây giờ nhiều. Đói ăn, thất học... Ngày tôi còn bé, cả thôn có 2, 3 người học được hết lớp 4 nhưng phải cõng gạo, đi bộ xuống tận huyện để học. Thanh niên lớn lên một chút là lấy vợ lấy chồng, sinh con nhiều. Nheo nhóc lắm. Tôi 20 tuổi mới lấy vợ, là muộn, mà cũng có tới 5 người con... ” - Ông Tờ kể lại với trí nhớ dường như chưa bị tác động nhiều bởi thời gian.

Sống giáp biên, từng chịu ảnh hưởng của chiến tranh biên giới năm 1979, nhưng hiểu biết về đường biên, mốc giới và ý thức bảo vệ của người dân ở Giáp Trung chưa phải ai cũng tốt. Bên cạnh đó, sản xuất, sinh hoạt của người Mông ở Giáp Trung còn rất lạc hậu. Đây chính là một trong những nguyên nhân để huyện Hoàng Su Phì quyết định chọn Giáp Trung xây dựng thôn người Mông kiểu mẫu. Với quyết định này, các ban, ngành, đoàn thể... đã dành sự quan tâm đặc biệt cho người dân Giáp Trung, từ vật chất đến tinh thần. Nhờ đó, người Mông ở Giáp Trung dần dần bỏ bớt những hủ tục trong ma chay, cưới hỏi, ăn ở vệ sinh hơn, chú trọng sản xuất, tích lũy...

Trong hành trình tạo nên những thay đổi ở Giáp Trung, cái tên Vàng Chỉn Tờ được nhắc tới thường xuyên; bởi gia đình ông chính là hộ tích cực đi đầu làm gương, đồng thời, vận động bà con trong thôn làm theo. Bản thân 5 người con của ông Tờ đều lập gia đình khi đủ tuổi và sinh 2 con theo quy định. Ngoài 2 người con gái đi theo chồng, 3 người con trai của ông Tờ đều được ông cho đi học. Hiện nay, anh Vàng Xuân Tuyển là Chủ tịch Hội Nông dân xã Thàng Tín; anh Vàng Văn Lù là công an viên thường trực xã, kiêm Trưởng thôn Giáp Trung; anh Vàng Xuân Thành là Trưởng thôn Hoàng Lao Chải.

Không chỉ hài lòng về các con cháu, ông Tờ còn rất tự hào bởi thôn Giáp Trung đã loại bỏ được vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, sinh nhiều con thường xảy ra với đa số người Mông, trường hợp sinh con thứ 3 cũng rất hiếm.

“Nói nhiều chứ, họp thôn cũng nói, đến tận nhà nói. Trưởng thôn nói, bí thư chi bộ thôn nói, phụ nữ thôn, phụ nữ huyện nói. Rồi các anh cán bộ Biên phòng, mỗi lần tuyên truyền pháp luật đều nhắc nhở để bà con hiểu, lấy chồng sớm, sinh con nhiều thì khổ ra sao? Vì sao phải cho con đi học?... Quy ước thôn cũng quy định phạt nếu hộ nào vi phạm, nhưng lâu rồi không ai bị phạt cả” -Ông Tờ cười lớn.

Nhắc đến BĐBP, ông Tờ phấn khởi kể: “Các chú ở trạm Biên phòng hay xuống thôn lắm, nhất là anh Túc. Mỗi tuần, anh Túc ghé các hộ thăm hỏi 1-2 lần. Lần nào anh ấy cũng qua nhà tôi uống nước, có việc gì liên quan đến an ninh trật tự thôn, xã là 2 bác cháu phải nghĩ hướng giải quyết ngay. Những gì các anh khó nói, tôi lại đứng ra nói bằng tiếng Mông cho bà con hiểu... Ngay cả 34 hộ đang theo đạo Tin Lành, các hộ sống tốt, chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì cứ sinh hoạt bình thường, thôn, xã cũng ủng hộ thôi”.

Theo Trung tá Đại, địa bàn thôn Giáp Trung hiện có 3 cột mốc là 224, 225, 226. Mặc dù chưa từng có vấn đề gì lớn xảy ra tại các mốc này, nhưng việc nâng cao ý thức đồng bào Mông ở đây trong bảo vệ đường biên, mốc giới được Đồn Biên phòng Thàng Tín phối hợp với các đoàn thể tổ chức thường xuyên.

Ông Vàng Chỉn Tờ, 71 tuổi, người có uy tín của xã Thàng Tín, luôn nêu cao trách nhiệm trong bảo vệ đường biên, mốc giới. Ảnh: Phương Tú

Góp vào câu chuyện của anh Đại, ông Tờ cho hay: “Từ đây đi sang đất Trung Quốc gần 3km. Thanh niên trong thôn thi thoảng cũng sang bên đó lao động kiếm sống. Được nhắc nhở thường xuyên nên bà con đều xuống Công an xã để xin giấy thông hành. Sáng đi, tối về đúng quy định. Tôi cũng thường căn dặn bà con, đi qua cột mốc thấy gì khác lạ hoặc nhìn thấy người Trung Quốc làm nương rẫy xâm phạm đất của ta thì khẩn trương báo lại. Tuyên truyền nhiều, ý thức bà con tốt hơn rất nhiều rồi”.

Rời Giáp Trung khi chiều đã muộn, chúng tôi quay về huyện theo con đường trải nhựa phẳng lì. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thành Tín Bùi Văn Hùng hồ hởi: “Con đường này vừa đổ nhựa năm 2016. Tới đây, có thêm một vài đoạn kè chống sạt lở là đường về Giáp Trung bớt xa, giảm khó rồi”.

Câu chuyện của anh Hùng nhắc tôi nhớ tới hình ảnh ông Tờ đứng nơi đầu dốc vẫy tay tạm biệt với ánh nhìn lưu luyến. Tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng tinh thần vì cộng đồng dường như vẫn cháy trong người đàn ông người dân tộc Mông này. Biên giới hôm nay rõ ràng cần lắm những người dân một lòng giữ đất, bám làng và có ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm cao như ông Tờ.

Phương Tú

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mot-long-giu-dat-bam-lang/