Một miền quê bên bờ sông Chảy

Sông Chảy bắt nguồn từ dải Tây Côn Lĩnh huyền thoại. Theo sách 'Kiến văn tiểu lục' của Lê Quý Đôn, sông Chảy được gọi tên là Lôi Hà. Còn theo sách 'Tang thương ngẫu lục' thì sông Chảy được gọi với các tên khác là Bái Hà. Qua Si Ma Cai, rồi Mường Khương, Bắc Hà về tới Bảo Yên (thuộc địa phận tỉnh Lào Cai), sông Chảy lại mải miết xuôi về vùng Thác Bà (tỉnh Yên Bái). Lúc bằng phẳng êm đềm, đoạn lại gập ghềnh thác lũ, nhưng có lẽ khi ôm trọn dòng sông trong lòng miền đất mến thương, sông Chảy lại dịu dàng, hiền hòa 'ấp ôm bến bờ xứ sở'…

Gia đình chị Lương Thị Quyên chuẩn bị nệm ngủ cho khách du lịch nghỉ tại homestay. Ảnh: H.Hiền

Tuổi thơ tôi cũng gắn bó với một khúc sông với triền cát, với bên bồi bên lở nơi dòng sông Chảy, với những trò con trẻ, với những lũ bạn cùng trang lứa, giờ có đứa ở lại, đứa đã tha hương. Nhưng có lẽ điều mà mỗi lần đi xa, tôi đều đau đáu trở về bởi sự da diết, nhớ thương. Bởi mỗi lần trở về nơi này, Bảo Yên thương mến, là một lần tôi cảm nhận thấy sự “thay da đổi thịt” của nơi mình đã từng in dấu bao ký ức tuổi thơ ngọt ngào.

Háo hức bởi sự “mời mọc” đầy thiện cảm từ đồng chí Hoàng Quang Đạt, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên: “Nhà báo về Nghĩa Đô tham quan mô hình du lịch sinh thái nhé. Nơi đây có nhiều cảm xúc sáng tác lắm, một miền thăm thẳm câu Then đấy... Sẽ cho nhà báo có những “lượm lặt” thú vị trong hành trình khám phá miền đất bên dòng sông Chảy!”

Tôi làm chuyến “mục sở thị” vùng đất thành cổ xem thế nào. Người bạn gái học từ phổ thông giờ sinh sống và công tác ở Hà Nội, đã rất lâu không về lại nơi này, không bao giờ nghĩ đường từ Phố Ràng vào Nghĩa Đô lại êm thuận thế, trước khi lên Bảo Yên còn bị “dọa” đường đi vào bản khó lắm đấy. Người bạn gái cứ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, bởi không nghĩ sự đổi thay của quê hương thật nhiều đến thế... Vậy rồi, xe cứ lăn bánh đều đều, cuối cùng đưa tôi và người bạn gái kịp đến chợ phiên Nghĩa Đô đúng vào sáng chủ nhật.

Đây rồi, dáng dấp của phiên chợ quê bởi những thứ được bà con mang ra chợ bán cũng thật giản dị, chủ yếu là mớ rau, con cá, củ khoai trong vườn nhà hay cây măng đầu mùa đi lấy trên rừng về. Có lẽ, chỉ muốn mua hết để mang về nhà mình. Bởi về chợ quê có cảm giác nhìn đâu cũng thấy rau sạch, nhìn đâu cũng thấy đồ sao mà tươi ngon đến thế! Chả thế mà, khách du lịch nước ngoài đến đây chỉ thích được trải nghiệm không gian sinh hoạt văn hóa chợ phiên của vùng đất đồng bào Tày bên suối Nậm Luông...

Cũng chính vì điều này đã khiến những bản làng người Tày, nếp nhà sàn trở thành nơi không ít khách du lịch muốn đến để khám phá, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, tận hưởng không gian trong lành, thư thái ở vùng đất này. Có lẽ không chỉ hấp dẫn bởi không gian yên bình, ngát xanh dưới những tán cọ xòe ô, mà bởi nơi này còn “lắng sâu điệu dân ca” trong câu hát Then Tày lời cổ.

Khi có chuyên gia nước ngoài trong ngành du lịch đến nghiên cứu và hỗ trợ Nghĩa Đô xây dựng mô hình du lịch sinh thái, hẳn nhiên người dân ở đây mới biết mình đang nắm giữ một báu vật. Từ khi được hỗ trợ làm du lịch sinh thái, 6 hộ người Tày được chọn làm điểm ở Nghĩa Đô đã đón nhiều đoàn khách đến nghỉ từ các nước: Pháp, Bỉ, Anh, Thụy Sĩ, Đức và Australia, trong đó, 78% là du khách người Pháp. Khái niệm về du lịch sinh thái bền vững cũng được hiểu sâu hơn khi dự án “phân vai” cho từng nhóm hộ (làm nhà nghỉ homestay; hướng dẫn viên địa phương; làm nghề thủ công, mỹ nghệ...).

Bước chân cứ mải miết qua chợ, rồi phiêu du đến Bản Hón lúc nào không hay. Ấn tượng với khách du lịch không chỉ nếp nhà sàn truyền thống, cuộc sống bình yên, giản dị, những bản làng, xóm thôn yên vui, đầm ấm, mà còn ở sự thân thiện, niềm nở đón khách, như đón người thân đi xa trở về, lâu ngày gặp lại.

Bà Lương Thị Quyên hồ hởi nói cười, pha nước trà mời chúng tôi: Từ ngày làm du lịch, đã có nhiều công ty lữ hành gọi điện đặt chỗ. Gia đình đã chuẩn bị đầy đủ chăn nệm, rồi chế biến các món ăn của đồng bào mình, phục vụ khách du lịch khi đến trải nghiệm. Điều mà khách đến nghỉ dưỡng tại dịch vụ “homestay” của gia đình đều rất thích bởi vẻ yên bình của bản này, con người mến khách và bởi những món ăn dân giã của đồng bào Tày nữa... Đúng là khi bà Quyên nhắc đến tôi mới sực nhớ, nơi này lưu giữ cả một kho tàng ẩm thực độc đáo, một vài lần cũng đã từng được thưởng thức món canh cá suối Nậm Luông nấu với vón vén; nộm thịt trâu sấy, vịt lam, cá nướng, xôi nhộng cọ... làm nên đặc trưng riêng có của vùng đất này.

Ngồi trong ngôi nhà sàn truyền thống, cảm giác thư thái lòng mình khi nhìn ra phía dưới sân vườn, ao cá ăm ắp nước trong xanh. Khung cảnh làng quê yên ả thanh bình. Phía xa xa, những tán cọ xòa ô che chở, mùa này đang trĩu quả từng chùm, thoảng thơm trong gió mùi xôi cọ ỏm... Những tràn ruộng sau mùa thu hoạch đang nghỉ đông cho những chú vịt bầu chạy đồng - đặc sản của Nghĩa Đô đang được bảo tồn nguồn gen để phát triển thành hàng hóa.

Ấy thế nhưng điều ấy vẫn đang trong lộ trình của huyện, bởi tính ra, vùng đất Lào Cai ngoài hai xã Sín Chéng (Si Ma Cai) và Ý Tý (Bát Xát) thì cũng chỉ có Nghĩa Đô (Bảo Yên) nổi danh với giống vịt ngon cổ chàm xanh biếc này mà thôi. Có lẽ cũng chính vì điều này mà đồng chí Dương Đức Huy, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên, người đã từng gắn bó bao năm với Trung tâm Giống nông lâm nghiệp đang đau đáu về một thương hiệu nông sản đặc hữu của vùng này. Phục tráng giống vịt bầu, huyện đã quy hoạch ở bản Kem, Hón, Nà Khương, Thâm Luông, sau đó sẽ nhân giống, phát triển thành một vùng nuôi vịt hàng hóa...

Thực sự tôi không dám nghĩ đến những chiếc du thuyền trên sông Chảy đón đưa khách du lịch đi qua những vùng văn hóa ở miền đất này, nhưng có lẽ cũng nên mơ ước, biết đâu chỉ nay mai thôi, điều đó không phải gì to tát, xa lạ cả. Bởi, khi các tuyến đường đến Bảo Yên rộng mở, khách đến Bảo Hà, không chỉ tham quan, vãn cảnh đền để thỏa tín ngưỡng tâm linh, mà còn muốn lãng du một miền văn hóa bên triền sông Chảy. Lúc ấy, đâu chỉ có qua Phố Ràng thăm đền Phúc Khánh, đâu chỉ đến Vĩnh Yên nghe điệu hát Then Tày, đến Nghĩa Đô thăm thành cổ Nghĩa Đô, chơi thác, tắm suối và thưởng thức các món ăn độc đáo, mà được phiêu du trên sông với một sản phẩm du lịch sinh thái độc đáo trong hành trình khám phá vùng đất của những ngôi nhà sàn truyền thống.

Dù chưa đi hết dọc dài câu Then sau những lắng bồi phù sa bên dòng sông Chảy, nhưng một miền Bảo Yên da diết ấy đã cho tôi hiểu phần nào các lớp trầm tích về văn hóa đặc sắc của mảnh đất Lào Cai anh hùng. Bởi yêu thương từ những giai điệu nhặt khoan, từ câu hát, từ tiếng đàn tính khắc khoải, dù có đi xa vẫn muốn có ngày được trở về.

Con người hiền hòa thôi chưa đủ, mà còn kiên cường trong những cuộc giữ đất giữ bản xa xưa với chiến thắng Nghĩa Đô, với những sôi nổi chiến thắng đói nghèo thời xây dựng đi lên và giờ thì vun đắp những giá trị văn hóa, khai thác thế mạnh về di sản nhân văn để tạo nên một miền quê thanh bình, níu chân biết bao du khách. Một miền yêu thương là thế, sông Chảy là thế, cứ mải miết chảy xuôi, mải miết lắng sâu và bồi đắp.

Lê Thanh Cường

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mot-mien-que-ben-bo-song-chay/