Một mình một đường đua

Từ ngày 26 đến 28-3, 60 triệu cử tri tại Ai Cập tham gia cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống lựa chọn người lãnh đạo đất nước. Cử tri sẽ chọn một trong hai ứng cử viên tham gia cuộc đua 'song mã' là đương kim Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi và Chủ tịch đảng Al-Ghad, ông Moussa Mostafa Moussa.

Dù là cuộc đua “song mã”, nhưng ưu thế nổi trội của đương kim Tổng thống El-Sisi sẽ khiến ông gần như chỉ một mình trên đường đua. Nếu như ông Moussa là một chính trị gia ít tên tuổi thì ông El-Sisi-một cựu Tổng tư lệnh quân đội đã khẳng định được năng lực của mình kể từ khi lãnh đạo thành công chiến dịch lật đổ tổng thống tiền nhiệm theo đạo Hồi Mohamed Morsi vào năm 2013. Tiếp đó, sau khi giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống Ai Cập năm 2014 và dẫn dắt đất nước dần thoát khỏi “bóng ma” khủng hoảng và nội chiến, ông El-Sisi đã ghi được dấu ấn nhiệm kỳ.

Trong chiến dịch tranh cử lần này, hầu như nhà lãnh đạo El-Sisi không phải mất quá nhiều thời gian để vận động cử tri. Bởi chính đường lối điều hành đất nước mà ông lựa chọn đã là một cương lĩnh tranh cử nổi bật đủ để chiếm được cảm tình của đông đảo người dân. Trong khi đó, ông Moussa (đối thủ duy nhất của ông) lại không đưa ra bất kỳ một cương lĩnh hay chương trình hành động cụ thể nào. Chưa kể việc đảng Al-Ghad của ông Moussa có vị thế chính trị khiêm tốn vì không có ghế nào trong Quốc hội và hầu như đứng bên lề trong đời sống chính trị Ai Cập những năm gần đây.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh đất nước Ai Cập dần đi vào quỹ đạo ổn định và phát triển sau cơn “địa chấn” mang tên “Mùa Xuân Arab” 7 năm về trước. Nhìn sang các nước láng giềng khu vực, những nạn nhân của phong trào “Mùa Xuân Arab” như Syria, Libya hay Yemen vẫn chìm trong khủng hoảng, mới thấy một đất nước Ai Cập như ngày hôm nay là điều kỳ diệu.

Dưới thời ông El-Sisi, Cairo theo đuổi chính sách ngoại giao tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ với các quốc gia trong và ngoài khu vực, nhất là trong các mối quan hệ với các cường quốc, như: Nga, Mỹ và các nước châu Âu. Nhờ chính sách đối ngoại khôn khéo độc lập, tự chủ đã đưa đất nước Ai Cập dần thoát khỏi sự phụ thuộc và bị chi phối quá nhiều bởi các đồng minh bên ngoài. Từ đồng minh chịu không ít sức ép, Cairo tiến tới là đối tác bình đẳng, hợp tác cùng có lợi với các nước, nhất là trong cuộc chiến chống khủng bố và giải quyết các vấn đề nóng bỏng của khu vực. Ai Cập đang dần lấy lại vai trò là một quốc gia quan trọng ở khu vực, tích cực tham gia giải quyết các điểm nóng, như: Syria, Lybia hay tiến trình hòa bình Palestine-Israel...

An ninh tại Ai Cập đã được cải thiện đáng kể dưới thời của ông El-Sisi sau nhiều năm khủng hoảng chính trị và những thách thức an ninh liên quan. Các chiến dịch tiêu diệt khủng bố quyết liệt của quân đội chính phủ đã làm suy yếu dần làn sóng khủng bố từng gia tăng ở Ai Cập sau khi Tổng thống Mohamed Morsi bị lật đổ năm 2013 và tổ chức Anh em Hồi giáo bị cấm hoạt động.

Không kém phần quan trọng, chính quyền do ông El-Sisi lãnh đạo đã khởi động một chương trình cải cách kinh tế trong vòng 3 năm, bắt đầu từ cuối năm 2016, góp phần vực dậy nền kinh tế vốn bị tàn phá do bất ổn chính trị và an ninh do tác động của làn sóng “Mùa xuân Arab”. Chính sách của ông El-Sisi chủ yếu tập trung thực thi các biện pháp khắc khổ, cắt giảm trợ cấp năng lượng và xăng dầu, tăng thuế... Nỗ lực cải cách kinh tế sâu rộng của nhà lãnh đạo El-Sisi nhắm tới mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài và tạo việc làm. Trong nhiệm kỳ của ông El-Sisi, nhiều dự án lớn được thực thi và hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, dự trữ ngoại hối của Ai Cập tăng hơn gấp đôi, lên 35 tỷ USD và đất nước Kim tự tháp thoát khỏi “bóng ma phá sản”. Cùng đó, Tổng thống El-Sisi chú trọng thực thi các bước cải tổ nội các nhằm xây dựng bộ máy điều hành hiệu quả hơn.

Hơn ai hết, chính các cử tri Ai Cập cảm nhận rõ nhất những đổi thay tích cực trên đất nước mình sau những cơn chính biến tàn phá đất nước. Họ là người hiểu rõ nhất giá trị của hòa bình và ổn định đối với đất nước từng bị nhấn chìm trong khủng hoảng chính trị và bạo lực. Ông El-Sisi đã xuất hiện đúng vào thời điểm rất quan trọng đối với đất nước và người dân Ai Cập khi tất cả đều chìm trong tuyệt vọng. Thế nên bất chấp những lời chỉ trích và cáo buộc của phe đối lập đối với những biện pháp cứng rắn mà ông El-Sisi cho thực thi, ông vẫn tạo được ấn tượng là một “vị cứu tinh”.

Cuộc bầu cử lần này được đánh giá sẽ chỉ như sự khẳng định lại về niềm tin của người dân Ai Cập đối với người mà họ đã lựa chọn gần 4 năm trước đây. Nhà lãnh đạo El-Sisi không chỉ nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân mà các đảng chính trị ở Ai Cập cũng bày tỏ ủng hộ để ông tiếp tục thêm một nhiệm kỳ, nhằm củng cố những thành tựu đạt được và tiếp tục dẫn dắt công cuộc cải tổ toàn diện đất nước đi tới đích thành công. Không phải ngẫu nhiên, trên khắp các đường phố, người dân Ai Cập đã dán đầy các tấm chân dung Tổng thống El-Sisi cùng với các khẩu hiệu, như: “Vâng, để xây dựng tương lai”, “Bạn là niềm hy vọng”...

Sự ủng hộ rộng rãi ở Ai Cập dành cho Tổng thống El-Sisi chính là cơ sở để củng cố dự đoán cho rằng ông sẽ dễ dàng giành được hơn 50% số phiếu ủng hộ để tiếp tục lãnh đạo đất nước thêm một nhiệm kỳ. Mặc dù chính quyền của ông đang phải đối mặt với không ít thế lực chống đối, thách thức an ninh nghiêm trọng, nổi lên là các hành động khủng bố nhằm phá hoại sự ổn định và các thành tựu phát triển của đất nước, nhưng sẽ chỉ càng khiến uy tín của nhà lãnh đạo này tăng cao.

Lá phiếu của cử tri Ai Cập lựa chọn người họ tin tưởng sẽ quyết định tương lai của đất nước trong 4 năm tiếp theo. Nó góp phần khẳng định Ai Cập vẫn theo đuổi cam kết thúc đẩy tiến trình chính trị cạnh tranh, dân chủ, không để các thế lực bên ngoài có cơ hội can thiệp tình hình nội bộ và gây mất ổn định đất nước, tránh đi vào “vết xe đổ” của Syria hiện nay. Cho dù chiến thắng thuộc về ai, sự lựa chọn con đường ổn định và phát triển là không thể khác.

MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/mot-minh-mot-duong-dua-534667