Một mình Trung Quốc không đủ giúp Nga bù đắp thiệt hại từ vụ Nord Stream

Việc đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc chưa thể giúp Nga bù đắp thiệt hại từ việc đường ống Nord Stream bị phá hủy.

Việc cả hai nhánh của đường ống Nord Stream bị phá hủy khiến Nga không thể xuất khẩu khí đốt sang châu Âu và sự bù đắp của thị trường Trung Quốc theo thống kê vẫn chưa tương xứng và giúp Moskva "quên" được EU.

Việc cả hai nhánh của đường ống Nord Stream bị phá hủy khiến Nga không thể xuất khẩu khí đốt sang châu Âu và sự bù đắp của thị trường Trung Quốc theo thống kê vẫn chưa tương xứng và giúp Moskva "quên" được EU.

Ông Alexei Gromov - Giám đốc điều hành Viện Năng lượng và Tài chính nhận xét trong một cuộc phỏng vấn với tờ Pravda rằng thiệt hại từ vụ phá hoại đường ống Nord Stream là rất lớn.

Ngay cả khi khối lượng khí đốt của Nga bán cho Trung Quốc đạt mức tối đa cũng không thể bù đắp hoàn toàn thiệt hại từ việc đường ống Nord Stream phải ngừng hoạt động.

Hiện tại Moskva đã trở thành nhà cung cấp nhiên liệu xanh hàng đầu cho Bắc Kinh. Theo chuyên gia Gromov, Nga hiện cung cấp cho Trung Quốc hơn 16 tỷ mét khối khí đốt hàng năm thông qua hệ thống đường ống Power of Siberia sẵn có.

Chuyên gia Gromov giải thích: “Tất nhiên vẫn có những đợt giao khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), kết hợp cùng khí đường ống được xuất khẩu sang Trung Quốc".

"Tuy nhiên nếu chúng tôi đạt được kế hoạch giao hàng tối đa là 38 tỷ mét khối trong một năm, thì điều này vẫn không bù đắp được tổn thất từ Nord Stream, bởi qua đường ống này, Nga đã cung cấp 55 tỷ mét khối cho các quốc gia Tây Âu”.

Ông Gromov nói thêm rằng vào khoảng năm 2024, Nga sẽ phải triển khai thêm đường ống cung cấp khí đốt cho Trung Quốc bắt nguồn từ đảo Sakhalin với công suất lên tới 10 tỷ mét khối.

Mặc dù vậy, ngay cả trong một kịch bản nói trên, tổng cộng Nga vẫn chỉ có thể cung cấp cho Trung Quốc 48 tỷ mét khối khí đốt hàng năm, chuyên gia Gromov kết luận.

Trước đó, đại diện Hải quan Trung Quốc cho biết trong tháng 1/2023, Nga đứng đầu về xuất khẩu khí đốt sang nước này. Tổng nguồn cung cấp nhiên liệu xanh lên tới 2,7 tỷ mét khối.

Về nguồn cung khí đốt theo đường ống từ Nga, kể từ tháng 1/2023, đã có một đợt tăng khối lượng xuất sang Trung Quốc theo lịch trình đã được xác định trước đó.

Kết quả là vào tháng 1/2023, Tập đoàn Gazprom đã vận chuyển gần 2 tỷ mét khối khí đốt tới Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia. Trong khi đó, các tàu chở LNG tiếp tục bổ sung thêm 770 triệu mét khối nữa.

Tại Liên bang Nga, LNG được sản xuất tại các nhà máy Sakhalin Energy (đồng sở hữu là Gazprom, Mitsui và Mitsubishi), cũng như Yamal LNG (các bên tham gia là NOVATEK, TotalEnergies, CNPC và SRF của Trung Quốc).

Tổng lượng nhập khẩu trong tháng 1/2023 tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 11,3 tỷ mét khối. Đồng thời lượng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng trong tháng 1/2023 cũng tăng đáng kể - lần đầu tiên sau chuỗi 13 tháng giảm liên tục.

Một vấn đề nữa cần phải nhắc tới đó là tương tự dầu thô, giá khí đốt của Nga bán cho Trung Quốc, theo một số nguồn tin tiết lộ cũng rẻ hơn đáng kể so với khi xuất khẩu sang châu Âu.

Bên cạnh giá thành, cùng với khối lượng giảm đáng kể so với khi sử dụng đường ống Nord Stream để xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, Nga chưa thể có được lợi nhuận như trước khi hứng chịu các lệnh trừng phạt.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/mot-minh-trung-quoc-khong-du-giup-nga-bu-dap-thiet-hai-tu-vu-nord-stream-post534512.antd