Một năm đầy sóng gió của Tổng thống Trump

2019 được xem là năm thăng trầm nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump với điểm nhấn là cuộc điều tra luận tội và căng thẳng trong quan hệ với Iran.

Đầu năm 2019, mọi sự chú ý đổ dồn vào Hà Nội với cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Cuộc hội ngộ lần 2 của ông Trump và ông Kim được đặt rất nhiều kỳ vọng nhưng không thành công như mong đợi. Những bất đồng về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Triều Tiên khiến lãnh đạo 2 nước rời Hà Nội mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.

Nhưng chỉ vài tháng sau, trong một cử chỉ đầy kịch tính, ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên và cũng là người đầu tiên sắp xếp một cuộc gặp đầy ngẫu hứng với người đứng đầu của quốc gia Đông Bắc Á bí ẩn.

32 giờ sau dòng trạng thái trên Twitter của ông chủ Nhà Trắng, 2 nhà lãnh đạo gặp nhau ở một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới, bắt tay và trò chuyện thân mật. Ông Trump bước qua vạch bê tông ngăn cách biên giới liên Triều, đó chắc chắn là khoảnh khắc đi vào lịch sử.

 Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un trong cuộc gặp tại Khu phi quân sự liên Triều tháng 6/2019. (Ảnh: AP)

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un trong cuộc gặp tại Khu phi quân sự liên Triều tháng 6/2019. (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, kể từ sau cuộc gặp chớp nhoáng đó, đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã bị đình trệ. Cùng với lời kêu gọi Washington thể hiện sự linh hoạt để tìm ra giải pháp trước hạn chót cuối năm và cảnh báo từ bỏ đàm phán và thực hiện hướng đi mới, Triều Tiên liên tục phóng loạt vũ khí để thông báo với Mỹ rằng họ đang mất dần kiên nhẫn.

Về phần mình, Tổng thống Trump khẳng định ông vẫn tin ông Kim giữ đúng những cam kết phi hạt nhân hóa.

"Chúng tôi đã ký một giao ước, bàn về phi hạt nhân hóa. Đó là mệnh đề số 1, phi hạt nhân hóa, đạt được tại Singapore. Tôi nghĩ ông ấy là người giữ lời", nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh.

Cùng với Triều Tiên, vấn đề Iran trở thành điểm nóng đau đầu nhất với Tổng thống Mỹ trong năm qua.

Phát súng khơi mào được bắn đi vào tháng 4 khi Tổng thống Trump liệt lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách tổ chức khủng bố. Chỉ 2 tháng sau, Tehran đẩy căng thẳng với Washington lên cao trào khi bắn hạ máy bay không người lái đắt đỏ của Mỹ.

Tổng thống Trump cho biết nếu như ông không rút lệnh tấn công Iran vào phút chót, Tehran đã trở thành mục tiêu quân sự thứ 3 của ông tại Trung Đông sau 2 đợt không kích vào Syria năm 2017 và 2018. Quyết định của ông chủ Nhà Trắng làm dịu đi căng thẳng của Vùng Vịnh vài tháng trước khi nó lại bùng lên sau hàng loạt các vụ bắt bớ tàu nước ngoài của Iran.

Đầu năm 2020, Tổng thống Trump đích thân ra lệnh tiêu diệt tướng Soleimani khiến Iran đáp trả bằng loạt tên lửa nhằm vào căn cứ Mỹ ở Baghdad. Những diễn biến này cùng nhiều tuyên bố đe dọa lẫn nhau cứng rắn từ hai phía đẩy xung đột Tehran - Washington đến bên miệng hố chiến tranh. Căng thẳng đã hạ nhiệt ít ngày sau đó bởi cả hai bên đều nhận thức rằng một cuộc xung đột nóng toàn diện sẽ không mang lại chiến thắng cho bất cứ bên nào tuy nhiên giới quan sát cho rằng những màn trả đũa cục bộ giữa 2 bên sẽ không tránh khỏi trong năm 2020.

Không chỉ dàn sức đối đầu với Iran và Triều Tiên, nhà lãnh đạo Mỹ năm qua cũng có một năm khá chật vật khi các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc không quá suôn sẻ.

Hồi tháng 5, đàm phán giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đổ bể. Washington cáo buộc Bắc Kinh đảo ngược các cam kết đưa ra trong các cuộc thương thảo trước đó dù một thỏa thuận đã thành hình tới 95%. Đáp lại, Trung Quốc tố ngược hành vi của Mỹ trên bàn đàm phán là nguyên nhân chính cho sự bế tắc thương mại song phương.

Sau nhiều vòng đàm phán con thoi, những tháng cuối năm, 2 nước ký thỏa thuận Giai đoạn 1. Mặc dù được Tổng thống Trump ca ngợi là một thỏa thuận rất lớn, thỏa thuận Giai đoạn 1 theo giới chuyên gia sẽ không giải quyết thực chất nguồn gốc gây ra căng thẳng thương mại và kinh tế căn bản giữa 2 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.

2019 được xem là một năm không mấy suôn sẻ với Tổng thống Trump khi nói tới quan hệ của ông với các nước đồng minh châu Âu.

Hồi tháng 12, ông bất ngờ hủy buổi họp báo cuối cùng tại thượng đỉnh NATO ở London, Anh chỉ vài giờ sau khi đoạn video lãnh đạo các nước thành viên của Liên minh chế nhạo ông được lan truyền chóng mặt.

Sự bất đồng này phần nào thể hiện mối quan hệ "cơm không lành, canh không ngọt" của ông Trump và các đồng minh suốt 1 năm qua liên quan tới những tranh chấp thương mại và vấn đề ngân sách quốc phòng của NATO.

Đau đầu với các vấn đề đối ngoại, ông Trump cũng có một năm mệt mỏi với các vấn đề trong nước. Đỉnh điểm là cuộc điều tra luận tội của đảng Dân chủ biến nhà lãnh đạo Mỹ đương nhiệm trở thành Tổng thống thứ ba trong lịch sử Mỹ bị luận tội. Nước Mỹ giờ đây đang hướng sự chú ý vào phiên xét xử tại Thượng viện hôm 21/1 tới, nơi mà các chuyên gia tin rằng ông Trump sẽ được trắng án và tha bổng.

Phản ứng của ông Trump khi Hạ viện thông qua các điều khoản luận tội Tổng thống.

Bất chấp những biến động trong năm qua, Tổng thống Trump vẫn hết sức tự hào với các thành tựu kinh tế mà ông đạt được.

Khi năm 2019 khép lại, nền kinh tế Mỹ được người dân đánh giá là tốt nhất trong gần 20 năm qua. Trong cuộc thăm dò của CNN, 76% những người được hỏi đánh giá nền kinh tế tốt hoặc rất tốt, tăng 9 điểm phần trăm so với năm ngoái và là tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 2/2001.

Tổng thống Trump cũng không giấu nổi tự hào về các thành tựu ấn tượng mà chính quyền của ông làm được cho tới nay: tạo ra 7 triệu việc làm, duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ ở mức thấp nhất trong hơn nửa thế kỷ, tăng thù lao cho 90% lao động Mỹ.

Không rõ nhà lãnh đạo Mỹ nhìn nhận ra sao về năm 2019 vừa qua, nhưng giới quan sát tin rằng 2019 là năm thăng trầm nhất trong nhiệm kỳ của ông. Nó sẽ trở thành tiền đề cho năm 2020 quan trọng sắp tới với 2 sự kiện đinh là phiên xét xử tại Thượng viện và cuộc bầu cử Tổng thống.

Song Hy

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thoi-su-quoc-te/mot-nam-day-song-gio-cua-tong-thong-trump-ar523063.html