Một năm với những cây bút Khánh Hòa

14 tác phẩm được công bố trong năm 2020, trong đó có một tập truyện dịch của dịch giả Trần Ngọc Hồ Trường, 7 tập thơ của Trần Vạn Giã, Nguyễn Thị Hồng Đào, Như Hoài, Tô Hằng Thanh, Nguyễn Xuân Hà Bàng (2 cuốn), 3 tập ký của Đào Thị Thanh Tuyền, Phong Nguyên, Bạch Lê Vân Nguyên và 3 tập truyện của Chế Diễm Trâm, Xuân Tuynh, Trí Nhân... đã khép lại một năm của văn học Khánh Hòa. Trong sự thúc đẩy sự sáng tạo, các tác giả được Quỹ hỗ trợ sáng tạo tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ một phần kinh phí in ấn, tuy nhiên cũng có tác giả đã tự mình in sách hoặc do Nhà xuất bản ấn hành như: Bạch Lê Vân Nguyên, Đào thị Thanh Tuyền, Nguyễn Xuân, Hà Bàng cho thấy sức sáng tạo của những cây bút ở Khánh Hòa. Bên cạnh đó, nhằm đưa tác phẩm của mình đến bạn đọc, có 5 buổi ra mắt sách đầy trang trọng và gây ấn tượng.

Một số sách xuất bản năm 2020 của các tác giả Khánh Hòa.

Một số sách xuất bản năm 2020 của các tác giả Khánh Hòa.

Với số lượng hội viên trên 100 người, Chi hội Văn học thuộc Hội Văn học- Nghệ thuật Khánh Hòa là một lực lượng sáng tác hùng hậu, có rất nhiều tác giả đã thành danh, đã để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc. Riêng những tác giả công bố sách trong năm 2020 cho thấy Bạch Lê Vân Nguyên luôn miệt mài với đề tài lực lượng công an, và cuốn truyện ký: "Nắng Cam Ranh" của anh đã được trao giải B cuộc thi truyện, ký do Hội Nhà Văn và Bộ Công an tổ chức. Nhà thơ Trần Vạn Giã với những vần thơ thấm đẫm lòng người gây ấn tượng với: "Những bài thơ thòi chưa tóc bạc", hoặc nhà văn Phong Nguyên, hiện là phóng viên báo Nhân dân mãi 10 năm mới ra cuốn sách thứ hai "Hoa của biển", Đào thị Thanh Tuyền là cây bút viết khá nhiều thể loại trên các báo với cuốn: "Sài Gòn ruổi rong nỗi nhớ" trình bày đẹp, hoặc nhà nghiên cứu Chế Diễm Trâm sau khi ra mắt hai cuốn sách về lý luận phê bình, đã xuất bản cuốn "Tám phút mười chín giây" với lối hành văn duyên dáng. Hai nhà văn Xuân Tuynh với: "Phận người dâu bể và "Trí Nhân" với "Từ trong ký ức" cho thấy sự sáng tác không mệt mõi với đề tài chiến tranh. Tô Hằng Thanh với chiều sâu sáng tác, lần này ấn tượng với tập thơ: "Lời của biển", Như Hoài ra mắt tập thơ thứ hai với những bức thư pháp do chính mình vẽ: "Sóng" và tập thơ đầu tay của Nguyễn Thị Hồng Đào "Gió trở mùa" đầy nữ tính...

Bên cạnh những cuốn sách đã xuất bản, mỗi tháng Tạp chí Nha Trang đều chọn đăng trên 15 bài thơ và 4-5 truyện ngắn của các tác giả. Nhiều năm nay, Báo Khánh Hòa dành hẳn hai trang vào các ngày thứ tư và chủ nhật để đăng tải các sáng tác cho các cây viết từ truyện ngắn, tạp bút đến thơ đã thực sự khơi dậy sự sáng tác trong các nhà văn, nhà thơ. Các tản văn, truyện của Ái Duy, Lưu Cẩm Vân, Giao Thủy, Bích Thiêm, Dương Trang Hương, Hoàng Anh, Lê Đức Quang... hoặc thơ của Ngô Thế Lâm, Nguyễn Hữu Phú, Phụng Tú, Cao Nhật Quyên, Vũ Nguyên, Quốc Sinh, Duy Hoàn... cho thấy sức sáng tác của các tác giả luôn có sức hút với độc giả.

Trong dòng chảy văn chương đó, có những tác giả trẻ, đang miệt mài viết, cộng tác nhiều tờ báo và tạp chí, biết tận dụng lợi thế trong công việc của mình. Là Ngô Thế Lâm với những vần thơ chải chuốt có mặt hầu hết các báo là giáo viên Đại học Khánh Hòa. Cũng là giáo viên nhưng tình nguyện ra Trường Sa dạy học, từ đó trở thành vốn sống trong sáng tác là Nguyễn Hữu Phú. Hay Như Hoài không vội, chọn các tạp chí văn nghệ là nơi để đăng tải tác phẩm. Tuy nhiên, không ít các tác giả dường như không còn sáng tác như nhà văn Quý Thể, một thời nổi danh với truyện ngắn: " Mùi Cọp", các nhà thơ nữ ở Cam Ranh cũng vắng bóng lần trên các tạp chí.

Hứa hẹn trong năm 2021 với các tác giả đã ấp ủ bản thảo và sẽ công bố như nhà văn Hoàng Nhật Tuyên với tập truyện ngắn, nhà thơ Lê Khánh mai cũng sẽ giới thiệu tập truyện ngắn của mình, nhà thơ Trần Chấn Uy với tập thơ đầy hào sảng và nhà văn Khuê Việt Trường sẽ giới thiệu đến bạn đọc tập truyện: "Đà Lạt- Anh yêu em".

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_237332_mot-nam-voi-nhung-cay-but-khanh-hoa.aspx