Một nét đặc trưng trên đường phố Tây Nam Bộ

Đến với thành phố, thị trấn ở các tỉnh Tây Nam Bộ, nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy những tiệm sửa quần áo, giầy dép ở ngay trên vỉa hè chứ không phải là cửa tiệm khang trang như ở TP Hà Nội và hầu khắp các tỉnh phía Bắc.

Khác với TP Hà Nội và thành phố ở các tỉnh phía Bắc, vỉa hè thường là nơi tập trung những quán ăn với nhiều món ăn đa dạng, đặc trưng tạo nên văn hóa ẩm thực đường phố. Còn muốn sửa quần áo, giầy dép, người dân phải tìm đến các tiệm may đo hay cửa hàng bán, đóng giầy, dép và khá mất công tìm kiếm. Ở các tỉnh Tây Nam Bộ, những tiệm này nằm ngay trên hè phố. Tại TP Cần Thơ, chỉ cần đi dọc các tuyến đường 30-4, Cách mạng Tháng Tám, Mậu Thân, Nguyễn Văn Cừ… chúng ta dễ thấy nhiều tiệm sửa quần áo, giầy dép trên.

Các tiệm sửa quần áo trên đường 30-4.

Chỉ một đoạn vỉa hè dài chừng 30m trên đường 30-4 (đoạn gần chợ Xuân Khánh), quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã có tới 6 tiệm sửa quần áo, giầy dép. Mỗi tiệm rộng chỉ tầm 1 đến 2m2 và đồ nghề của họ cũng khá nhỏ gọn, đơn giản. Với thợ sửa quần áo thì là chiếc máy may, thước, kéo…; còn thợ sửa giầy dép là kéo, kim khâu giầy, hộp keo, dũa…

Chị Nguyễn Thị Nhung, người dân xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre cùng gia đình lên phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ sinh sống từ hơn 20 năm nay. Cũng từng ấy năm, chị đã gắn bó với nghề sửa quần áo. Một ngày làm việc với chị bắt đầu từ lúc 7 giờ sáng và kết thúc vào 6 giờ 30 phút tối. Để tiện công việc, chị thuê gửi đồ ở một hộ gia đình cạnh chỗ làm. Theo chị Nhung, không phải ai cũng có điều kiện để may một bộ quần áo vì tiền vải, tiền công may đắt. Hơn nữa, nhiều bạn trẻ bây giờ thích mua đồ may sẵn hơn vì tiện lợi, hợp túi tiền. Tuy nhiên, đồ may sẵn không thật vừa vặn nên họ tìm đến chị để sửa đồ. Ngoài ra, chị còn nhận sửa cả ba-lô, túi xách. Tùy theo yêu cầu của khách hàng mà giá cả cũng khác nhau, dao động từ 10.000 đồng đến vài chục nghìn đồng.

Chị Nguyễn Thị Nhung, cho biết: “Thu nhập một tháng của tôi được khoảng 5-6 triệu đồng, cùng với một số nguồn thu khác cũng đủ trang trải cuộc sống. Tuy xã hội ngày một phát triển nhưng nghề này vẫn sống tốt vì nhu cầu sửa đồ ngày một tăng. Để bảo đảm cuộc sống, phòng khi ốm đau, gia đình tôi mua bảo hiểm cho 4 người với giá hơn 600.000 đồng để giảm tiền khám chữa bệnh”.

Anh Nguyễn Thanh Bình sửa giầy cho khách.

Còn anh Nguyễn Thái Bình nhà ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, thợ sửa giầy dép cạnh hàng chị Nhung chia sẻ, anh bắt đầu học nghề từ năm 1995, lúc đó anh mới 12 tuổi. Được một thời gian thì anh tách ra mở tiệm riêng. Trước đây cũng ít người sửa giày nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, công việc này của anh khá đông khách. Trung bình mỗi ngày, thu nhập của anh đạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. “Có người khâu giầy dép cho chắc chắn thêm, có người vì tiếc một đôi giày còn tốt nhưng chỉ bị mòn đế nên đến sửa… Nghề này, ngoài cho thu nhập khá còn cho tôi được giao tiếp với nhiều người nên tôi rất thích”-anh Bình tâm sự.

Đánh giá về chất lượng sửa đồ, anh Đặng Hoàng Thịnh, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Tôi thấy rất ưng ý với chiếc quần sau khi sửa, giá cả cũng rất hợp lý. Những tiệm sửa đồ như thế này giúp sinh viên chúng tôi tiết kiệm được một khoản tiền cho việc mua sắm quần áo mới”.

Niềm vui với công việc.

Một điểm đáng chú ý nữa ở các tiệm sửa quần áo, giầy dép này là họ rất có ý thức sử dụng vỉa hè, không bày biện, lấn chiếm hết phần dành cho người đi bộ mà chỉ sử dụng một phần nhỏ vỉa hè nên được chính quyền địa phương tạo điều kiện để làm ăn. Ngoài ra, đối với các tiệm này, hằng ngày địa phương đều cho người đi thu thuế và xé vé với giá 2.000 đồng/ngày; ngày nào không làm thì không phải đóng tiền.

Tôi cũng như nhiều người dân ở Tây Nam Bộ không biết các tiệm sửa quần áo, giầy dép bắt đầu xuất hiện trên vỉa hè các tuyến phố từ bao giờ, nhưng cùng với con người nơi đây, với những miệt vườn cây trái xum xuê và món ăn đậm chất miền sông nước…, nó đã góp phần tạo nên những nét rất riêng cho vùng đất Tây Nam Bộ.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/mot-net-dac-trung-tren-duong-pho-tay-nam-bo-554145