Một ngày ở Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh

Những đoàn cựu chiến binh, du khách hối hả vượt qua nắng hè bỏng rát của tháng 5 để đến với Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh - nơi lưu giữ biết bao câu chuyện xúc động cùng những hiện vật quý giá về con đường Trường Sơn huyền thoại…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và ân cần động viên cán bộ, chiến sĩ cơ quan Bộ Tư lệnh 559, tháng 3/1973. Ảnh: Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và ân cần động viên cán bộ, chiến sĩ cơ quan Bộ Tư lệnh 559, tháng 3/1973. Ảnh: Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh

Bạt núi, mở đường chống giặc

Sáng sớm, cụ Lê Văn Đông (84 tuổi) đã cùng vợ chống gậy đến bảo tàng. Cụ bà bảo, khi hay tin Bảo tàng vừa khai mạc triển lãm đặc biệt “Ký ức Trường Sơn” nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019), cụ ông cứ nhắc mãi phải đến Bảo tàng một chuyến.

Lách cách chống gậy, chầm chậm ngắm nhìn từng bức ảnh, từng hiện vật, cụ ông rủ rỉ kể: Năm 1964, từ trường pháo binh ông hành quân cùng đơn vị theo đường Trường Sơn vào Nam chiến đấu, đến mãi tận năm 1976 mới ra Bắc.

Cụ Đông chăm chú ngắm nhìn những bức ảnh tư liệu quý được trưng bày ngoài trời như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện thân mật với Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Chính ủy Đặng Tính tại lán rừng Trường Sơn, tháng 3/1972; Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ cơ quan Bộ Tư lệnh 559, tháng 3/1973; Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đường Trường Sơn năm 1973; Chủ tịch Fidel Castro đến thăm bộ đội Trường Sơn; Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thăm và động viên cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 101 ô tô vận tải anh hùng thuộc Trung đoàn 13 - Bộ Tư lệnh 559 trong chiến lượng vận chuyển mùa khô 1970 - 1971…

Run run đặt tay lên tủ kính nơi trưng bày những kỷ vật của các chiến sĩ Trường Sơn, cụ Đông nhẩn nha đọc từng dòng chú thích. Đấy là chiếc dao quắm được sử dụng để chặt cây lót đường chống lầy cho xe trong mùa mưa Trường Sơn; cái địa bàn được sử dụng để xác định phương hướng khảo sát tuyến đường Trường Sơn; bộ quần áo bà ba đen được sử dụng cải trang bảo đảm bí mật vận chuyển tài liệu phục vụ mở đường; chiếc gùi được sử dụng cải trang thành đồng bào dân tộc Vân Kiều để vận chuyển hàng hóa phục vụ cho chiến trường; hay chiếc mũ sắt được các chiến sĩ trạm sửa chữa ô tô X340 anh hùng Bộ Tư lệnh 559 đã sử dụng cơ động sửa chữa xe, pháo bảo đảm vận chuyển, hành quân cơ giới trên đường Trường Sơn…

Thanh niên xung phong tỉnh Hà Nam hành quân vào Trường Sơn, năm 1972. Ảnh: Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh

Dừng lại bên trang nhật ký của được ghi bằng thơ gửi mẹ, gửi người yêu của chiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, cụ Đông chậm rãi đọc: Mẹ ơi sao buổi chiều nay/ Bỗng nhiên con nhớ tới ngày con đi/(…) Con đi vào buổi đầu thu/ Bao giờ độc lập Bắc - Nam con về. (Lòng con). Liếc sang cụ bà, cụ Đông đọc tiếp: Anh ra đi!/ Người thanh niên tình nguyện/ Chống Mỹ xâm lăng/ Giữ đất nước ruộng đồng/ Bạt núi lấp sông/ Mở đường chôn giặc Mỹ/ Đấy em có thấy/ Những buổi mai hồng/ Mặt trời lên trên núi/ Suối hát dưới rừng cây/ Đoàn chúng ta đây/ Ngực căng đầy máu nóng… (Gửi em yêu)

“Tôi đã từng trải qua tất cả các cung đường Trường Sơn máu lửa.Vậy nên, khi đến với bảo tàng, được nhìn những kỷ vật này quá nhiều kỷ niệm ùa về. Đồng đội của tôi ở dãy Trường Sơn, ở Nam Lào đông lắm. Lính Trường Sơn lãng mạn. Giữa bom rơi, đạn nổ vẫn hát, làm thơ và viết những trang nhật ký ngọt ngào như nhật ký của đồng chí Đỗ Văn Sao, đồng chí Nguyễn Hồng Hải... Với riêng mình, tôi nhớ nhất là giữa chiến tranh ác liệt nhưng nhiều lúc ở dưới hầm vẫn chép nhạc qua đài tiếng nói Việt Nam...”, cụ Đông bồi hồi nói.

Lực lượng vận tải Trường Sơn vận chuyển cơ giới lớn, chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1974. Ảnh: Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh

Tuyến lửa anh hùng

Bắt chuyến xe buýt đi Hà Đông, ông Vũ Vinh Phú đến Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh khi mặt trời đã gần tròn bóng. Không kịp nghỉ ráo mồ hôi, ông Phú vội vào chăm chú ngắm nhìn những hiện vật tái hiện cung đường Trường Sơn. Với ông Phú, đây cũng là dịp để được trở về cùng biết bao ký ức nơi chiến trường binh lửa khi ông là chiến sĩ trinh sát của Trung đoàn 279 (Rạng Đông), tham gia mở đường Trường Sơn từ tháng 3/1965, bắt đầu từ Quảng Bình vào phía Nam.

Chỉ vào những bức ảnh chụp những trọng điểm đường Trường Sơn như: Động Con Tiên - Đường 71 (Quảng Trị), Văng Mu trên đường 128 (Trung Lào), Na Hang (Nam Lào), Siêng Phang, Phu La Nhích, Chà Là… ông Phú bảo, đấy là những tuyến lửa anh hùng. Ở mỗi tuyến lửa ấy hay cả con đường Trường Sơn nối liền từ Bắc đến Nam, dài hàng nghìn km khi chạy dọc theo dãy Trường Sơn (đi qua miền Trung, Hạ Lào và Campuchia) mặc cho giặc Mỹ trút xuống hàng triệu tấn bom đạn, mìn các loại, hàng vạn khí tài trinh sát điện tử và hơn 10 triệu lít chất độc hóa học nhưng vẫn không thể nào ngăn cản được sức sống mãnh liệt của con đường. Đấy là con đường huyền thoại được lớp lớp bộ đội, thanh niên xung phong chiến đấu bảo vệ, không tiếc thân mình.

Ông Phú nhẹ nhàng lật từng trang nhật ký đã ố vàng và sờn mép được chiến sĩ Đỗ Văn Sao - Trung đoàn 27, Sư đoàn 470, Bộ Tư lệnh Trường Sơn ghi lại những ngày hành quân gian khổ (1970 - 1975). Cuốn nhật ký, đặc biệt là trận sốt rét rừng kéo dài suốt 3 tháng của người chiến sĩ ấy ghi lại câu chuyện hành quân trên đường đầy xúc động: “Sáng 22/5/1971 đi trạm 42 phải vượt nhiều dốc qua cầu treo. Cầu treo ở Trường Sơn không phải như cầu treo ngoài Bắc mà cầu ở đây được làm bằng những dây song to, ván cầu là những thanh tre chẻ nhỏ không phải dùng bằng máy rút mà làm bằng tay và lòng dũng cảm.

Triển lãm thu hút sự quan tâm của thế hệ hôm nay. Ảnh: Bình Thanh

Đi đường ăn bằng gì? Ngoài lương khô ra chúng tôi còn ăn rau tàu bay, rau rớn, rau bứa, lá lốt, sắn thái chỉ, dâu da, măng tre… Hôm nay xảy ra một chuyện bất ngờ: Trạm này có rất nhiều cây giống rau ngót rừng chúng tôi thi nhau hái về nấu canh ăn kể cũng ngọt. Ngờ đâu, chỉ một giờ sau cả đơn vị đầy bụng và bị Tào Tháo đuổi hàng loạt, suốt một đêm…”.

“Đấy là những ghi chép rất thật của người chiến sĩ Trường Sơn. Trong 10 năm mở đường, Trung đoàn 279 cùng với trung đoàn Bình Minh (trung đoàn 89) đã thi công cuốn chiếu các con đường… Một số chiến sĩ trong đơn vị đã hy sinh do bom đạn, sốt rét, bệnh tật… song anh em vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ mở đường cho xe, pháo vào chiến trường. Tuy nhiên, đến giờ tôi có một điều phân vân là: Trong các cuốn lịch sử mở đường 559 chỉ nhắc đến Trung đoàn 89 mà không nhắc đến Trung đoàn 279. Tôi đề nghị nếu có điều kiện ban soạn thảo nên bổ sung”, ông Phú bày tỏ.

Đã đến giờ đóng cửa (16 giờ 30), thế nhưng khách tham quan Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, không chỉ là cựu chiến binh năm xưa mà cả những bạn trẻ, những em học sinh vẫn chưa muốn dời đi. Cũng bởi, mỗi kỷ vật, hình ảnh về đường Trường Sơn - con đường được mở cách đây 60 năm được trưng bày trong bảo tàng cũng như tại phòng triển lãm chuyên đề “Ký ức Trường Sơn” vẫn luôn níu chân mỗi người bằng những câu chuyện sống động, rất đỗi khâm phục và tự hào…

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/mot-ngay-o-bao-tang-duong-ho-chi-minh-4004273-b.html