Một ngày tại phiên chợ truyền thống 'độc nhất vô nhị' ở Hà Nội

Chợ Nủa (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất) cách trung tâm Hà Nội hơn 20 km là một trong số rất ít phiên chợ cổ của cả nước vẫn còn giữ được nét xưa đặc trưng ở vùng thôn quê.

Chợ họp vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch hàng tháng. Vào phiên, chợ sôi động từ sáng sớm đến qua trưa. Các mặt hàng gồm có thực phẩm tươi sống, nông cụ sản xuất, cây hoa, quần áo, dịch vụ phục vụ đời sống...

Chiếm một phần không nhỏ trong phiên chợ Nủa là các loại sản phẩm mây, tre và các loại chổi làm từ nhiều chất liệu dân dã có từ lâu đời. Ở đây người dân vẫn tìm mua chổi đót, chổi làm bằng lá cọ.

Phiên chợ Nủa xưa có từ bao giờ ít ai còn nhớ, nhưng nhiều ngành hàng dịch vụ đã tồn tại lâu nay vẫn không thay đổi cho đến ngày nay.

Những người "xưa cũ" trong phiên chợ Nủa đậm dấu ấn quê hương vùng Bắc Bộ.

Điều đặc biệt nhất tại chợ Nủa là trong 2 phiên cuối cùng trong năm, chợ dành một ngày cho nam, một ngày cho nữ, dù các mặt hàng vẫn không có nhiều thay đổi. Trẻ nhỏ được bố mẹ cho một chút tiền để tự mua những món quà quê yêu thích.

Một gia đình chuyên nhận rang các loại hạt, củ theo cách đã có từ 40 năm nay. Đây là dịch vụ rất đông khách ở phiên chợ Nủa. Người dân mang gạo, đỗ, ngô, đậu... ra đây rang để mang về dùng làm nước uống, thuốc, thực phẩm chữa bệnh... Công rang 10 nghìn/kg.

Các loại hạt, củ được cho vào "nồi" kín, sau đó cho lên bếp than đá quay đều trong 10 phút là được. Rang theo cách này sẽ chín đều và rất thơm.

Nơi bán các loại thúng, rổ, rá, nơm, đó, giỏ, nong, nia...

Thuốc lào mọi miền đất nước.

Ngan, vịt giống.

Các loại nông cụ sản xuất bằng sắt.

Đến phiên chợ Nủa, người đi mua bán cũng nhiều, người đi chơi cũng lắm. Có người đến chợ chỉ để thay cái chuôi dao, hay cạp lại cái rổ hoặc đơn giản chỉ để mua bó lạt tre về buộc. Nhiều người phiên nào cũng đến, việc mua bán chỉ là cái cớ để ra chợ cho đỡ nhớ.

Ngày phiên, chợ đón hàng chục nghìn người mỗi phiên tạo nên khung cảnh hết sức sôi động.

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.nguoiduatin.vn/mot-ngay-tai-phien-cho-truyen-thong-doc-nhat-vo-nhi-o-ha-noi-72802.html