Một ngày trên đất thiêng Yên Tử

'Trăm năm tích đức tu hành/Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu'.

Thắp những nén hương thành tâm hướng về đất Phật, ta cảm nhận được sự bình yên, thanh thản đến lạ thường.

Đã từng nghe nhiều về kinh đô phật giáo Yên Tử (Quảng Ninh) nhưng có dịp đến đây tôi mới cảm nhận được hết những nét đẹp của vùng non thiêng hùng vĩ, thả mình phiêu diêu tận hưởng khí thiêng của đất trời giao hòa. Bầu nguyên khí dưới cánh rừng Yên Tử như tiếp truyền nguồn năng lượng tinh khôi vào từng hơi thở, từng bước chân của chúng tôi khi đến với đất Phật.

Lắng nghe lịch sử

Từ trung tâm TP. Uông Bí (Quảng Ninh), đi về phía tây chừng 20km là rừng quốc gia Yên Tử. Nơi đây không chỉ thuần túy mang giá trị về thiên nhiên mà còn chứa đựng trong nó một kho tàng giá trị văn hóa mang tên Yên Tử. Phật hoàng Trần Nhân Tông chọn nơi đây quy ẩn thiền tu và phát quang Phật pháp, phổ độ cho chúng sinh.

Từ xã Thượng Yên Công đi vào, hai ven đường là một màu xanh bạt ngàn hoa màu của người dân gieo trồng. Sâu thêm tí nữa là những vườn mai vàng Yên Tử khoe sắc thắm. Xen lẫn trong sương mờ, những vệt trắng chạy dài của hoa mơ tô điểm thêm khí sắc núi rừng nơi đây.

Hàng năm, cứ đúng ngày 10 tháng Giêng âm lịch, Yên Tử khai hội. Hàng triệu phật tử, du khách từ mọi miền đất nước đổ về đây lễ Phật. Lễ hội xuân Yên Tử còn được xếp vào hạng dài nhất về thời gian (kéo dài suốt 3 tháng).

Không chỉ mang trong mình ý nghĩa nhân văn về phật pháp, Yên Tử còn sở hữu những cảnh đẹp mê đắm lòng người, một không gian tĩnh lặng, trầm mặc và đậm nét rêu phong. Chứng tích của một thời huy hoàng là 10 ngôi chùa nằm suốt dọc đường đi từ chùa Trình nằm trên Quốc lộ 18 đến chùa Đồng ngự trên đỉnh non thiêng Yên Tử.

Những ngôi chùa dọc đường đi như chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực... cũng nằm trong quần thể danh thắng; những ngôi chùa này đều mang theo mình câu chuyện của Phật hoàng Trần Nhân Tông khi đặt chân đến Yên Tử khai phá, lập nên một Yên Tử lừng danh như ngày nay.

Chuyện kể rằng, hơn 700 năm trước, sau hai lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh thắng giặc Nguyên - Mông, Đức Vua Trần Nhân Tông đã quyết từ bỏ ngai vàng, từ bỏ cuộc sống chốn cung đình về Yên Tử tu hành. Quyết định của Ngài gặp phải sự phản đối của nhiều quan lại cũng như hoàng tộc. Nhưng ý Ngài đã quyết, việc tu hành luôn là lựa chọn tối cao trong tâm khảm của người con nguyện hiến dâng cho đức Phật.

Sau một thời gian tu hành, Ngài đã thống nhất các dòng thiền, lập nên thiền phái Trúc Lâm – dòng Thiền mang đậm bản sắc và văn hóa Việt. Cho đến hiện nay, Thiền Viện Trúc Lâm vẫn chứa đựng cả một kho tàng về phật pháp, những triết lý về đời, về đạo pháp của Phật hoàng vẫn được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân.

Về Yên Tử còn nghe những câu chuyện, những huyền tích về Yên Tử vẫn mãi được lưu truyền về một thời binh đao khói lửa, về một thời hoàng kim của đạo pháp Hoàng gia. Chính Phật hoàng Trần Nhân Tông đã chọn Yên Tử làm nơi quy y, nhiều sử gia còn cho rằng, Ngài chọn dãy núi Yên Tử để thiền tu cũng chính là chọn một vọng gác để canh giữ miền Đông Bắc, canh giữ cho non sông Đại Việt được vững bền.

Để nhớ cội nguồn

Nghe kể, trước đây, khi về Yên Tử, để lên được chùa Đồng, phải đi bộ mất nửa ngày. Với những bậc đá dựng đứng nối nhau chạy vòng vèo quanh sườn núi. Khi đi phải mang theo cơm nắm, nước uống và những vật dụng cần thiết để đáp ứng cho cuộc hành trình vất vả.

Nhẹ nhàng đôi chân hành hương về miền đất Phật.

Nhưng nay, với hai tuyến cáp treo hiện đại, mỗi ngày có thể vận chuyển hàng chục nghìn người lên xuống, rút ngắn được thời gian di chuyển. Ngồi trong cáp treo, có thể cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, từ những đồi thông, khe suối đến những dãy núi lớn được sương mù bao phủ tạo nên một khung cảnh nên thơ, hùng vĩ.

Đặt chân lên đến chùa Đồng, ngôi chùa nằm ở ngọn núi cao nhất trong dãy núi Yên Tử. Nơi trời và đất giao hòa làm một, nơi con người ta gột rửa hết mọi “sân, si, ái, ố, hỉ, nộ” để có được cảm giác gần với chính đạo hơn.

Yên Tử ẩn hiện trong lớp sương mờ ảo, những ngọn gió lúc nhẹ nhàng vuốt ve lên má những người hành hương, lúc thì réo rắt một sự thử thách cái tâm hướng Phật. Gió cũng nâng bước chân người lên đến đỉnh núi một cách nhẹ nhàng. Đi giữa đại ngàn, những âm thanh trầm bổng du dương như đang trình diễn một bản nhạc thiên nhiên không bao giờ dứt.

Và trong hành trình tìm về nguồn cội tâm linh tuyệt diệu ấy, tôi đã thật sự say đắm trước vẻ đẹp tinh túy của những sắc mai ở Thác Vàng, các chùa Một Mái, Vân Tiêu, Bảo Sái, Ngọa Vân…

Đến Yên Tử lần đầu nhưng tôi thấy lòng nhẹ nhõm, vui vẻ, tạm quên đi cuộc sống đời thực, tìm cho mình những niềm vui trong tinh thần. Và không chỉ riêng tôi mà những cụ già 80 vẫn một lòng về với Yên Tử, họ về với Yên Tử không để cầu xin sức khỏe cho mình, không cầu danh lợi cho bản thân mà chỉ muốn tỏ lòng thành kính, cầu cho quốc thái dân an, con cháu được an bình.

Tạm biệt Yên Tử khi trời đã về chiều, sự trang nghiêm nơi đất Phật trong khoảng khắc nào đó đã đẩy lui những ưu tư, phiền muộn đời thường ra khỏi con người bụi bặm của trần ai. Rừng trúc vẫn còn đó, suối Giải Oan vẫn rì rầm lời kinh sám hối như những lời tự tình sâu kín, nơi thiên nhiên mang lại cho ta những thứ trong lành nhất, nơi đây ta có thể cảm nhận đâu mới là tâm Phật trong chính mình.

Yên Tử, tháng 2 năm Kỷ Hợi - 2019.

Trà Giang

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/mot-ngay-tren-dat-thieng-yen-tu-post25976.html