Một ngôn tình giai nhân và tướng cướp thế kỷ XX

Năm 2008, đạo diễn Trần Khải Ca đã thành công vang dội, giành giải Gấu vàng trong Liên hoan phim Berlin với tuyệt phẩm 'Forever Enthralled' (Đắm say mãi mãi). Phim kể về cuộc đời, những đắm say kịch trường của siêu sao kinh kịch Mai Lan Phương.

Khán giả trẻ Trung Quốc và Đài Loan lên cơn sốt vì phim, phát cuồng vì chuyện tình đắm đuối đầy biến cố bi kịch của Mai Lan Phương (do ngôi sao ca nhạc Lê Minh đóng) - Mạnh Tiểu Đông (do ngôi sao Chương Tử Di thủ vai).

Ngành du lịch ngay lập tức ăn theo. Một tour du lịch được thiết kế, đưa khách từ Đại Lục sang Đài Loan, chỉ để viếng mộ Mạnh Tiểu Đông. Vô tình, giới trẻ Đại Lục mới phát hiện ra ngôi mộ nằm cạnh ngôi sao thần tượng của họ là Đỗ Nguyệt Sênh, nhân vật trùm tội phạm băng đảng Thượng Hải từ những năm 1920 đến tận ngày Đảng Cộng sản Trung Quốc giành thắng lợi trên toàn Đại Lục (1949).

Những năm 1920-1930, đất Thượng Hải có 4 nam vương được gọi bằng danh xưng "Tứ đại mỹ nam Dân quốc", gồm Uông Tinh Vệ, Chu Ân Lai, Mai Lan Phương và Trương Học Lương.

Uông Tinh Vệ là một lãnh đạo hàng đầu của Quốc Dân đảng có khuynh hướng thiên tả, hoạt đầu, thay đổi chủ trương xoành xoạch, chủ trương hợp tác chặt chẽ với Nhật trong giai đoạn trước và trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, trở thành một biểu tượng Hán gian bán nước. Mất năm 1944 vì bệnh tại Nagoya, Nhật Bản, Uông Tinh Vệ từng được táng cạnh lăng mộ Tôn Trung Sơn. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, mộ của Uông đã bị Tưởng Giới Thạch cho quật lên, đốt cháy thi hài để trừng phạt tội phản quốc.

Diễn viên hý kịch Mai Lan Phương.

Diễn viên hý kịch Mai Lan Phương.

Người thứ hai, Chu Ân Lai là một lãnh tụ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Sau này, ông là Thủ tướng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho đến tận lúc mất (1976).

Nam vương thứ ba là Trương Học Lương, thiếu soái của Tư lệnh quân phiệt Phụng hệ Trương Tác Lâm, sau trở thành Nguyên soái Tổng Tư lệnh hải - lục - không quân của chính phủ Quốc Dân đảng. Chủ trương hòa hợp Quốc - Cộng để kháng Nhật, vì bất đồng, ông đã gây "Sự biến Tây An" năm 1936, bắt cóc Tưởng Giới Thạch làm áp lực nhưng sau đó thả. Ông bị Tưởng bắt giam, sau đó loại khỏi chính phủ Quốc Dân đảng, mang theo sang Đài Loan và giam lỏng suốt 50 năm.

Không tham gia chính trị, Mai Lan Phương được xem như vưu vật nghệ thuật kinh kịch Trung Hoa, nghệ sĩ kinh kịch vĩ đại nhất mọi thời đại, được trọng vọng cả trong thời Dân Quốc lẫn thời Đảng Cộng sản sau này. Ông được xem như khuôn mặt đẹp trai hơn cả trong "tứ đại mỹ nam". Trọn đời, nam vương này chỉ đóng vai… đào chính, giả gái. Sau sự biến Lư Câu Kiều, Nhật chiếm Trung Quốc (1937), dù được mời mọc vào những chức vụ cao, bổng lộc hậu, nghệ sĩ chân chính này vẫn quyết định bế quan, không một lần bước lên sàn diễn, cương quyết không biểu diễn cho quân xâm lược Nhật xem, cam chịu sống bần hàn cho đến tận năm 1945.

Đẹp trai tất nhiên phải đào hoa. Năm 1926, từ sự kèm cặp trên sân khấu, Mai Lan Phương đã phải lòng Mạnh Tiểu Đông, cô đào trẻ đang lên, hoa khôi của đất Thượng Hải. Say đắm nhưng họ không thể cưới nhau. Mai Lan Phương 32 tuổi, đã có hai vợ, đều là diễn viên kinh kịch, và đã có cả thảy 11 đứa con. Mạnh Tiểu Đông mới 18, xinh đẹp và tài năng nên đã trở thành mục tiêu chạy đua cạnh tranh của hàng loạt đại gia, thiếu soái. Vin vào cớ "nam vương" đã lớn tuổi, đã vợ con đề huề, không thể để "người của công chúng" bị mất hình ảnh, họ kịch liệt phản đối cuộc hôn nhân. Tất tật chỉ là cái cớ.

Đứng sau tất cả sự chống đối, ngăn trở ấy là hàng loạt đại gia Thượng Hải quyền uy lệch đất, tiền che kín trời. Ngoài cảm xúc cho nhau nồng nàn, cặp đôi nghệ sĩ tài danh không có gì khác làm vũ khí chống đỡ. Hết cửa, cả hai đã đánh liều tìm đến nhờ Đỗ Nguyệt Sênh, ông trùm Thanh Bang hội thế hệ chữ Ngộ siêu quyền lực của đất Thượng Hải.

Khổ thay, bản thân Đỗ cũng đã ngã lòng chết mê chết mệt cô đào trẻ. Nhưng không giúp, không tỏ quyền uy và ơn mưa móc, sao đáng mặt bang chủ đại bang? Bất đắc dĩ, Đỗ đã chấp nhận "hy sinh" để ra tay nghĩa hiệp. Cuối tháng 10 - 1927, Đỗ lấy danh "nhà bảo trợ nghệ thuật thành Thượng Hải", lấy cớ mừng tặng sinh nhật ngôi sao kinh kịch sáng nhất trên vòm trời Thượng Hải, bày một đại tiệc, mời tất cả những kẻ tai to mặt lớn đến dự.

Giữa tiệc, Đỗ chủ động nắm tay Mạnh Tiểu Đông dắt ra, giới thiệu viên trân châu sáng vừa phát hiện của Thượng Hải, tuyên bố chính thức "nhờ cậy" ông thầy Mai Lan Phương thu nhận làm đệ tử kèm cặp. Quan khách vỗ tay vang trời.

Chờ khi mọi người tạm ngớt tán dương công lao, sự sáng suốt của ông chủ Đỗ, tài năng, sắc đẹp và vận hội rồng - mây của thầy trò sân khấu, Đỗ tuyên bố họ chính là "trời sinh một cặp", không thể chia lìa. Ông chủ Đỗ chính thức khẩn nài quan khách chứng kiến, tác thành và chúc phúc cho họ!

Chưng hửng, nhưng biết uy vũ của Đỗ, không một quan nhân tình địch đang làm khách nào dám công khai phản đối tuyệt ý của ông chủ. Tiếng vỗ tay lại nổi lên, lẹt đẹt rồi râm ran. Tiệc sinh nhật hóa thành tiệc cưới với tiếng hoan hô vang dậy, dẫu lòng người héo rũ!

Cuộc hôn nhân vô tiền khoáng hậu của đôi trai tài gái sắc chỉ tồn tại được 6 năm. Họ ly dị vào năm 1934. Rạn nứt xuất phát từ quan niệm phụng sự nghệ thuật. Mai Lan Phương từ chối biểu diễn nếu có khán giả là quan chức Nhật Bản, những kẻ đang lăm le giành giật đất đai Trung Quốc. Mạnh Tiểu Đông, ngược lại, cho rằng nghệ thuật là nghệ thuật, không liên quan chính trị. Cô đào trẻ không muốn từ bỏ bất kỳ tiếng vỗ tay hay lời tán dương nào, kể cả của kẻ thù đất nước.

Cô đào danh giá không thoát nỗi vòng tay cương tỏa của ông chủ Thanh Bang quyền lực. Một thời gian dài sau ly hôn, cô là nhân tình của Đỗ Nguyệt Sênh. Không công khai, không cưới hỏi nhưng cả Thượng Hải đều biết nên không ai dám đeo đuổi cô nữa.

Quốc Dân đảng đại bại, cô vì thân Nhật, không thể chạy theo chính quyền Tưởng sang Đài Loan, lại vì thân Nhật cũng khó ở lại với chính quyền Cộng sản. Đầu năm 1949, cô theo Đỗ Nguyệt Sênh sang Hồng Kông, chấp nhận công khai thành vợ chính thức thứ 5 của ông trùm Thanh Bang, xem đó như chỗ dựa cuối cùng khi nhan sắc và tài năng đã đến hồi xuống dốc.

Được một năm thì Đỗ lâm bệnh. Mạnh Tiểu Đông thân cô thế cô, không chống đỡ nổi sự tấn công xâu xé lẫn nhau để tranh giành ảnh hưởng và số của nả còn lại với 4 bà vợ trước của Đỗ Nguyệt Sênh. Cuối năm 1950, cô đành chấp nhận ly dị Đỗ, giã từ hào quang sân khấu, sống ẩn dật khiêm nhường, đúng thân phận nhan sắc về chiều.

Một năm sau, Đỗ chết. Bốn bà vợ còn lại ở Hồng Kông không ai sợ ai, đã lao vào một cuộc chiến khốc liệt để tranh giành tài sản. Thanh Bang tan tác, đệ tử không ai đoái hoài nên mồ Đỗ chìm trong hiu quạnh lãng quên. Đến năm 1952 mộ Đỗ Nguyệt Sênh được Tưởng Giới Thạch cho cất bốc về Đài Loan. Ông chủ Thanh Bang được Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc táng, xây mộ, lập bia trên một nghĩa trang trên sườn đồi ở đường Shuidui, TP Xizhi (Tích Chỉ), thủ phủ Đài Bắc. Trên bia có khắc hàng chữ do chính Tưởng phúng tặng: "Tình yêu của ngài thắp sáng công lý!".

Năm 1967, Mạnh Tiểu Đông cũng được sự hỗ trợ của Tưởng Giới Thạch và nhiều nhân vật Quốc Dân đảng lẫy lừng một thời mời di cư sang Đài Loan sống nốt tuổi già. Bà đã 60 tuổi, được Chính phủ Đài Loan giúp có được một khoản trợ cấp trọn đời nho nhỏ, một ngôi nhà nhỏ tại Tích Chỉ. Khi bà mất vào năm 1977, theo di nguyện, người ta đã mai táng Mạnh Tiểu Đông bên cạnh mộ Đỗ Nguyệt Sênh, nằm ngay sau trường tiểu học Xiufeng Xizhi (Thiếu Phương Tích Chỉ). Suốt 20 năm trời sau đó, không mấy ai biết đến chuyện nằm dưới hai ngôi mộ quạnh hiu kia một thời từng là hai con người lẫy lừng Thượng Hải. Một quyền lực khuynh thành, một nhan sắc khuynh quốc.

Sau 1949, Đỗ Nguyệt Sênh cùng nhiều nhân vật bang hội hay tướng soái cũ trong chính phủ Tưởng, cũng như Khang Sinh sau Đại Cách mạng văn hóa (1966-1976) đã bị thiên kiến chính trị Trung Quốc cố tình lãng quên, cấm nhắc đến, hạn chế nghiên cứu tìm hiểu. Dần dần, những nhân vật nổi tiếng, khuynh loát lịch sử một thời cũng trở nên xa lạ với thế hệ trẻ Trung Quốc.

Sau hơn nửa thế kỷ, đại danh Đỗ Nguyệt Sênh đã có dịp sống dậy. Không phải vì tài năng, không phải vì địa vị hay vai trò xã hội, cũng không vì hàng núi của cải tích được sau hàng gò đống tội ác của ông ta. Vì một cô đào hát nhan sắc. Bởi chỉ nhan sắc và tình yêu thì hình như không thể bị thời gian phủ lấp.

Nguyễn Hồng Lam

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/mot-ngon-tinh-giai-nhan-va-tuong-cuop-the-ky-xx-504866/