Một người đạt được ba điều lớn

Đó là: Nhân cách - Trí tuệ và Sức làm việc của TS. Phạm Sỹ Liêm mà GS-TSKH. Phạm Hồng Giang khái quát tại buổi tọa đàm 'Cố TS. Phạm Sỹ Liêm – Cuộc đời và Sự nghiệp' tưởng nhớ một năm ngày mất của ông. Tọa đàm do Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức ngày 18.11 tại Hà Nội với sự tham dự của đông đảo bạn hữu, học trò, những người đã từng cộng tác với ông và đại diện gia đình của cố tiến sĩ.

Trong không khí ấm cúng tại trụ sở của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, mọi người cùng tưởng nhớ, chia sẻ những hồi ức của mình về TS. Phạm sỹ Liêm...

Người kiếm tìm tri thức

Phần giới thiệu tóm tắt về thân thế, sự nghiệp TS. Phạm Sỹ Liêm của TS. Nguyễn Hồng Hạnh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị), khiến căn phòng tọa đàm trở nên ắp đầy hoài niệm.

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, kể về những kỷ niệm tươi đẹp đó: “Tôi từng đi cùng anh Liêm nhiều nơi, đến bất cứ thành phố nào ở nước ngoài, cái đầu tiên anh Liêm luôn đi tìm mua không phải là hàng hóa hay thứ gì khác, mà sách, tìm hàng bán sách ở đâu? Tôi được thăm căn phòng nhỏ đầy sách của anh, có lẽ, nó là nơi chứa tài liệu riêng lớn nhất trong số mọi người ở Tổng hội".

Ông Hùng phát hiện ra thói quen đặc biệt của người đồng nghiệp đàn anh: "Anh Liêm rất ham đọc sách, sách của anh rất đa dạng về thể loại. Có thể nói nhờ sách, anh Liêm tự xây dựng, tích lũy cho mình hệ thống kiến thức sâu, rộng và dùng nó để làm việc rất hiệu quả. Anh ấy giải trí cũng bằng sách, có một dòng sách anh ham mê, có lẽ ít người biết, và sẽ bất ngờ là sách kiếm hiệp. Trên ô tô lúc nào cũng có một cuốn mới nhất”...

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam chia sẻ kỷ niệm với TS. Phạm Sỹ Liêm tại buổi tọa đàm

Thông thạo bốn ngoại ngữ (Anh, Pháp, Trung và Nga), đó là những phương tiện để ông tiếp cận các kho tàng khoa học trên thế giới. GS-TSKH. Phạm Hồng Giang (Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam) tiếp lời ông Hùng khi đưa ra lý giải đồng thời bày tỏ sự khâm phục: “Anh Liêm giỏi ngoại ngữ tới mức làm thơ bằng chính thứ tiếng đó”.

Ông Giang khái quát có "ba điều lớn" ở cố TS. Phạm Sỹ Liêm đã cho ông những ấn tượng sâu sắc và lòng ngưỡng mộ chân thành: “Điều thứ nhất, cố tiến sĩ là một nhân cách cao cả, trong sáng của một trí thức yêu nước. Thứ hai là trí tuệ sâu sắc. Những phát biểu, bài viết của anh Liêm thể hiện trí tuệ của anh, có nhiều suy nghĩ rất sáng tạo và độc đáo trong đó. Chúng cho thấy, đó là người có kho kiến thức uyên bác mà hiếm có người nào có được.

Tôi vừa ngưỡng mộ, vừa bất ngờ. Bất ngờ bởi những khi gặp những vấn đề dù không gắn với chuyên môn thông thường của anh, nhưng anh Liêm đều có ý kiến xác đáng, lập luận chặt chẽ. Tôi đặc biệt ấn tượng với cuốn sách cuối cùng của anh là cuốnTân kinh tế học thể chế. Càng khâm phục vì anh Liêm vốn là dân kỹ thuật, nhưng lại bước sang địa hạt kinh tế - xã hội để viết một cách uyên bác.

Thứ ba, anh Liêm là người có sức làm việc rất cao, anh viết nhiều. Khi tuổi cao nhưng vẫn viết nhiều như thế, vẫn làm việc miệt mài, vẫn cho ra những bài viết và cuốn sách với trí tuệ sâu sắc của mình”.

GS-TSKH. Phạm Hồng Giang dù không học giờ nào của TS. Phạm Sỹ Liêm nhưng ông vẫn luôn coi cố tiến sĩ là người thầy đáng kính của mình. Ông cho rằng TS. Phạm Sỹ Liêm mất đi là tổn thất rất lớn với gia đình và sau đó còn là một tổn thất lâu dài của Tổng hội.

GS-TSKH. Phạm Hồng Giang hồi tưởng những kí ức với cố TS. Phạm Sỹ Liêm tại tọa đàm. Ngồi cạnh ông là bà Mai Tường Hoa - vợ của TS. Phạm Sỹ Liêm. Tham dự tọa đàm còn có các lãnh đạo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, các đồng nghiệp và học trò của cố tiến sĩ

Nhận định trên của GS-TSKH. Phạm Hồng Giang được nhiều người tham dự tọa đàm đồng tình, và tiếp tục chia sẻ với ông những ý kiến đánh giá chân thành đó.

Ông Phạm Trung Tuyến, Trưởng ban kinh tế Tổng hội Xây dựng Việt Nam, xúc động nhớ những ngày được làm việc: “ Bên bác Liêm, tôi còn nhớ, trước khi giao ban bao giờ ông cũng đi kiểm tra công trình, rồi trở về lắng nghe các bên báo cáo. Trình độ tổng hợp của bác rất nhanh, kết luận từng vấn đề hết sức cụ thể. Chính điều này làm cho những đơn vị xây - lắp thực hiện công trình rất khẩn trương và hiệu quả. Dù ở lĩnh vực quản lý nhà nước, hay ở lĩnh vực nào thì bác đều thể hiện là con người uyên bác và sâu sắc”.

Ấn tượng về cố TS. Phạm Sỹ Liêm không chỉ ở trí tuệ uyên thâm, ham học hỏi, mà còn ở nếp sống gần gũi, khiêm tốn và luôn chân tình với các đồng nghiệp của mình dù họ ở cấp bậc, vị trí công việc nào. Đó là những tâm sự của các ông Tống Văn Nga (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng), GS-TSKH. Nguyễn Văn Liên (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Kết cấu), ông Nguyễn Xuân Hải (thư ký Tạp chí Người Xây Dựng), ông Bùi Văn Bội (Giám đốc Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ của Tổng hội), PGS-TS. Lưu Đức Hải (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng), TS. Nguyễn Hồng Hạnh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế xây dựng và Đô thị)...

Người kiến tạo nhiều tổ chức

Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, cố TS. Phạm Sỹ Liêm đã sáng lập và tham gia sáng lập nhiều tổ chức khoa học khác nhau.

Đầu tiên phải kể đến Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Có thể nói cố tiến sĩ là linh hồn của Tổng hội, “Là người chăm lo về tổ chức. Tổng hội có cơ ngơi và quy mô như hiện nay là sự tâm huyết của cố tiến sĩ. Trong suy nghĩ của mình, ông không ngừng nghỉ xây dựng tổ chức”. Đó là ý kiến của PGS-TS. Lưu Đức Hải về cố tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm.

PGS-TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, phát biểu tại tọa đàm

Rồi lần lượt nhiều tổ chức khác do ông sáng lập, tham gia sáng lập như Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, Viện Nghiên cứu Kinh tế xây dựng và tờ Người Đô Thị

Ông Trần Trung Chính, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, nhớ lại: “Cách đây gần 20 năm, khi ngành đô thị học chưa ra đời hoặc rất còn hạn chế, TS. Phạm Sỹ Liêm đã mơ ước có tờ báo chuyên viết về đô thị. Và cho tới bây giờ, trải qua ba thế hệ Tổng Biên tập, cố TS. Phạm Sỹ Liêm vẫn luôn sát cánh với tờ báo, trân trọng lao động của những người làm báo. Chúng tôi coi ông như người ông, người bác, người chú, người anh... đối với nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên của tòa soạn.

"Cách đây gần 20 năm, khi ngành đô thị học chưa ra đời hoặc rất còn hạn chế, TS. Phạm Sỹ Liêm đã mơ ước có tờ báo chuyên viết về đô thị...

Dù trong hoàn cảnh nào, ông cũng đều tìm cách nói lên tiếng nói của một người trí thức có trách nhiệm cao với xã hội"

Ông Trần Trung Chính

Ông tiếp tục sống trong tâm tưởng chúng tôi không phải hình ảnh là nhà quản lý, mà chính là người trí thức dấn thân cống hiến. Dù trong hoàn cảnh nào, ông cũng đều tìm cách nói lên tiếng nói của một người trí thức có trách nhiệm cao với xã hội”.

Ông Tống Văn Nga, bùi ngùi: “Trách nhiệm của chúng ta là phải cố gắng tiếp được những ý mà anh Liêm định làm, và đã chỉ cho chúng ta”.

Trong buổi tọa đàm ấm cúng, từng người không thể nói lên hết những kỷ niệm sâu sắc và những cảm xúc của họ về ông. Nhưng “Tất cả chúng ta có mặt ở đây để cùng thắp lên nén tâm nhang tưởng nhớ cố TS. Phạm Sỹ Liêm”, ông Phạm Thế Minh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam thay mặt ban tổ chức cảm ơn sự có mặt của gia đình TS. Phạm Sỹ Liêm, sự tận tâm cống hiến của ông với xã hội luôn được sự ủng hộ của gia đình, và cảm ơn những người yêu quý TS. Phạm Sỹ Liêm đã tham dự tọa đàm.

Quang cảnh buổi tọa đàm “Cố TS. Phạm Sỹ Liêm – Cuộc đời và Sự nghiệp”

Trước tình cảm chân thành của những người đồng nghiệp, những học trò của cố TS. Phạm Sỹ Liêm, bà Mai Tường Hoa – vợ của cố tiến sĩ, đã không nén nổi cảm xúc của mình.

Thay mặt cho gia đình, bà xúc động bày tỏ lời cảm ơn tới mọi người, cũng như sống dậy những ký ức về chồng mình và công việc chuyên môn gắn với Tổng hội Xây dựng Việt Nam: "Tôi và chồng tôi không cùng ngành, nên hiểu biết của tôi về xây dựng rất hạn chế. Tôi chỉ còn nhớ là cách đây khoảng 30 năm, khi chồng tôi còn làm việc ở UBND TP. Hà Nội, ông đã có ý tưởng thành lập Hội Xây dựng Việt Nam. Và ông đã đóng góp một phần rất nhỏ của mình vào việc tổ chức Hội. Và sau một thời gian thì Hội Xây dựng Việt Nam ra đời.

Tôi nhận thấy, ngoài công việc chính của mình, ông rất quan tâm đến công việc của Hội. Hội xây dựng Việt Nam ngày càng phát triển, và ông là người đã lên trình bày với Ban Bí thư Trung Ương xin chuyển tên thành Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Trong Tổng Hội có các viện thành viên và ông rất muốn tìm những công việc thích hợp để các viện thành viên hoạt động, tích cực tìm và giới thiệu những cán bộ có đủ đức tài để đứng ra lãnh đạo Tổng hội.

Về phần mình, chồng tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc được Tổng hội giao phó. Song vì tuổi già, sức yếu, chồng tôi đã ra đi đột ngột để lại niềm thương tiếc vô hạn cho gia đình chúng tôi".

Trong niềm rưng rưng, bà Hoa cám ơn Ban tổ chức buổi tọa đàm và chúc cho Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng như các Viện thành viên sẽ ngày càng phát triển, để có thêm nhiều đóng góp trong xây dựng đất nước, như nguyện vọng tốt đẹp của TS. Phạm Sỹ Liêm lúc sinh thời.

Bài và ảnh: Lệ Quyên

TS. Phạm Sỹ Liêm (1931 - 2018) nguyên Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội; nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng; nguyên Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam khóa I, II, III; nguyên Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam các khóa IV, V, VI, VII;nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng; nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị...

Cùng với nhà báo Trần Trung Chính (Phó viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng), TS. Phạm Sỹ Liêm là người đã sáng lập ra Tạp chí Người Đô Thị từ năm 2006, ông đồng thời là Trưởng ban tư vấn chuyên môn của Người Đô Thị.

Không chỉ là tác giả của nhiều sách nghiên cứu học thuật uy tín về quy hoạch, quản trị đô thị, phát triển hạ tầng, kinh tế đô thị... TS. Phạm Sỹ Liêm còn là tác giả của nhiều bài báo ấn tượng trên truyền thông, là một chuyên gia luôn đồng hành với báo chí để kịp thời phản biện chính sách và góp ý các lĩnh vực đô thị, hạ tầng, phát triển xã hội,...

Với riêng tác phẩm “Tân kinh tế học thể chế” (NXB Tri Thức phát hành 9.2018), được nhiều chuyên gia đánh giá là nghiên cứu rất công phu, với hơn 200 tài liệu nước ngoài cùng nhiều nguồn tài liệu, văn kiện của Việt Nam.

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/mot-nguoi-dat-duoc-ba-dieu-lon-21549.html