'Một nhà báo say sưa công việc, khi tham gia nghiên cứu khoa học sẽ có cơ hội thành công'

Chiều 2-7, tại Học viện Ngoại giao (Hà Nội), Trung tá Lê Văn Chương, phóng viên Báo Biên phòng đã được Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) trao giải Đặc biệt xuất sắc nghiên cứu về Biển Đông với công trình nghiên cứu 'Phương pháp neo tàu trên vùng nước cạn ở quần đảo Hoàng Sa để trụ bão và bám đảo'. Trung tá Lê Văn Chương chia sẻ với bạn đọc về đề tài mình đã kỳ công thực hiện.

Trung tá Lê Văn Chương thuyết trình đề tài “Phương pháp neo tàu trên vùng nước cạn ở quần đảo Hoàng Sa để trụ bão và bám đảo” trước Ban giám khảo. Ảnh: PV

- Đề nghị đồng chí chia sẻ cơ duyên để thực hiện đề tài này?

- Trong chuyến công tác tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 4-2008, tôi chứng kiến một sự kiện đáng nhớ, đó là tàu cá của ngư dân Lê Hải đã sống sót trong cơn bão ở quần đảo Hoàng Sa vào ngày 17-4, sau đó chở 10 ngư dân trên tàu bị nạn là người đồng hương về đất liền rồi vớt thêm được anh Ngô Thủ Lý, là ngư dân Trung Quốc ở xã Phước Điền, đảo Hải Nam đưa về Việt Nam. Tôi khâm phục nghĩa cử của ngư dân và tiến đến đặt câu hỏi: “Rất nhiều tàu cá bị chìm trong cơn bão. Vậy, anh có bí quyết gì để sống sót?”. Tôi nhận được câu trả lời khá kỳ lạ: “Đó là nhờ phương pháp neo thép trên vùng nước cạn cùng với ngư dân xã Bình Châu”.

- Xin đồng chí chia sẻ cụ thể hơn về phương pháp neo tàu trên vùng nước cạn ở quần đảo Hoàng Sa?

- Bà con ngư dân làm nghề lặn ở quần đảo Hoàng Sa, mỗi khi nghe gió bão thì chạy vào các đảo ngầm, các đảo san hô rạn vòm (có bờ thành bao quanh như một sân vận động) và chọn nơi có mực nước sâu khoảng 4 mét, sau đó lặn xuống, gắn chặt dây neo bằng thép, hoặc xích xuống các tảng, gờ đá lớn và chịu trận qua bão tố, sau đó lại xuất hành đi làm. Nghe thì đơn giản như vậy, nhưng đó là một sự chịu đựng nhẫn nhịn tận cùng và cảm động. Đó là những con người có thần kinh thép và kinh nghiệm xuôi ngược nhiều năm ở Hoàng Sa thì mới dám thực hiện. Vì phương pháp này liên quan đến sinh mạng của cả đội bạn trên tàu.

- Một đề tài khoa học luôn đòi hỏi tính cấp thiết và lợi ích mà nó mang lại. Vậy, đề tài khoa học của đồng chí đã đáp ứng được 2 tiêu chí trên như thế nào?

- Tôi đã khảo sát ngư dân ở các tỉnh lân cận như Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Nam và chỉ thấy một bộ phận nhỏ ngư dân áp dụng phương pháp này. Ngư dân ra Hoàng Sa đánh bắt, nhưng nếu không có nơi neo trú, hoặc cứ có bão là bỏ chạy thì cũng thiệt hại rất lớn, tốn hàng ngàn lít dầu. Vì vậy, tìm ra một phương pháp neo riêng cho ngư dân đánh bắt tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là điều vô cùng cần thiết, nó sẽ góp phần bảo vệ sinh mạng và tài sản cho ngư dân.

Ngư dân trụ bám ở Hoàng Sa bằng neo dây cáp xuống đáy biển. Ảnh: Hà Anh

- Theo đồng chí, một nhà báo tham gia nghiên cứu khoa học cần phải có tố chất gì?

- Báo Biên phòng là cơ quan ngôn luận của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, là diễn đàn của nhân dân khu vực biên giới biển, đảo. Chính tiêu chí này, cùng với sự động viên và chia sẻ của Ban Biên tập đã giúp tôi hoàn thành tốt đề tài. Tôi cũng xin nói thêm là, đề tài khoa học và một bài báo của những phóng viên tâm huyết sẽ có một điểm chung, đó là hướng đến tác động để có một sự thay đổi theo hướng tích cực, một sự đột phá để thay đổi cái cũ thành cái mới hơn, tân tiến và hiện đại hơn, hoặc khám phá ra điều mới mẻ. Nếu một nhà báo say sưa công việc thì khi tham gia nghiên cứu khoa học sẽ có cơ hội để thành công.

- Một đề tài khoa học phải được thực nghiệm nhiều năm, hàng trăm lần. Vậy, để theo đuổi đề tài này, đồng chí đã có quá trình thực hiện như thế nào?

- Để thực hiện công trình nghiên cứu “Phương pháp neo tàu trên vùng nước cạn ở quần đảo Hoàng Sa để trụ bão và bám đảo”, tôi phải đi thống kê, rà soát trên máy định vị xem những đảo nào thực sự neo được. Vì trong những năm qua, do không có sự thống nhất, nên đã có trường hợp ngư dân neo tàu bị tai nạn. Ví dụ như đảo Đá Bắc, nằm ở tọa độ: 17 độ 6 phút vĩ Bắc – 111 độ 30 phút kinh Đông. Khi ngư dân vào đảo này neo trú bình thường, nhưng tàu có chiều dài thân vỏ trên 20 mét vào quá sâu và khi trở gió thì va vào đá ngầm bị chìm. Có trường hợp, ngư dân neo trú và chịu đựng vượt cấp bão. Ví dụ như neo ở đảo Bom Bay, Đá Lồi thì tàu nhỏ không thể chịu được bão cấp 10, 11, nhưng ngư dân vẫn nán lại, không di chuyển về đảo Đá Hải Sâm nên đã gặp rủi ro. Báo cáo này đưa ra biểu đồ thống nhất cấp độ bão để trụ lại từng đảo ngầm.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Nhận xét về công trình nghiên cứu khoa học của tác giả Lê Văn Chương, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Sâm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc cho biết: “Tôi ấn tượng rất tốt với đề tài gắn bó với biển, gắn bó với ngư dân, cùng ngư dân bám biển nhiều năm, nắm bắt phương pháp neo đậu của ngư dân của nhà báo Lê Văn Chương. Tác giả đã đưa ra đề xuất văn hóa bám biển, đó là vấn đề rất quý giá và tôi thấy tâm đắc”. Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Cương, Trưởng ban giám khảo khẳng định: “Trong các bài dự thi, đặc biệt nhất là bài “Phương pháp neo tàu trên vùng nước cạn ở quần đảo Hoàng Sa để trụ bão và bám đảo”, tôi cho là hết sức giá trị về mặt tâm huyết lẫn thực tiễn”.

PV (Thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mot-nha-bao-say-sua-cong-viec-khi-tham-gia-nghien-cuu-khoa-hoc-se-co-co-hoi-thanh-cong/