Một Nhà khoa học đầu ngành đã đi xa

Trong số gần 200 bài báo, sách chuyên khảo về người Dao thì bài viết của thầy mang tính 'khai sơn phá thạch', lấp lánh những giá trị khoa học mới.

Tôi với anh Phan Chí Thành cùng một số bạn chuyên ban Dân tộc học khóa 19, rủ nhau đi thăm thầy Phan Hữu Dật, thế mà không kịp, thầy đã đi xa rồi. Nhìn tủ sách của thầy tặng khoa Nhân học, xem bảo tàng mini ở nhà thầy và đặc biệt là đọc lại tập các công trình nghiên cứu của thầy, càng thấy thầy vẫn ở lại cùng học trò, cùng những người nghiên cứu dân tộc học, nhân học Việt Nam.

Thầy Phan Hữu Dật, là Giáo sư đầu ngành, dành cả cuộc đời tâm huyết cho sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu dân tộc học. Năm 1964, tốt nghiệp nghiên cứu sinh ở Liên Xô trở về nước, thầy tham gia giảng dạy, nghiên cứu dân tộc học ở Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Thầy đã công bố hàng trăm bài báo khoa học và 10 đầu sách chuyên khảo. Nhưng vượt lên tất cả, các công trình đấy chính là sự đam mê, say sưa tìm tòi nghiên cứu và ứng dụng kiến thức dân tộc học, nhân học trong phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam.

Giáo sư Phan Hữu Dật sinh năm 1928 tại làng Thanh Lương, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: vov.vn.

Năm 1968, thầy và đồng nghiệp công bố bài nghiên cứu “Về vấn đề xác minh tên gọi và phân loại các ngành Dao ở Tuyên Quang”. Công trình công bố đã gây được tiếng vang trong giới nghiên cứu Dân tộc học lúc bấy giờ, nhiều luận điểm của công trình (về phân chia các ngành Dao, nguồn gốc tộc người Dao, quá trình thiên di của người Dao, cũng như đặc trưng văn hóa ngôn ngữ của từng ngành Dao…) sau hơn nửa thế kỷ, cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.

Năm 2009, chúng tôi tham dự Hội thảo Quốc tế Dao học ở Quảng Tây (Trung Quốc), một số nhà khoa học đã đến đề nghị chia sẻ bài viết và xin phép được dịch bài nghiên cứu sang tiếng Trung. Sau này, có một số luận án tiến sĩ về người Dao đều sử dụng nhiều luận điểm trong kết quả nghiên cứu của thầy.

Trong số gần 200 bài báo, sách chuyên khảo về người Dao thì bài viết của thầy mang tính “khai sơn phá thạch”, lấp lánh những giá trị khoa học mới. Vào một buổi sáng đầu tháng 3 năm 2018, tôi nhận được điện thoại của thầy: “cậu đến nhà, mình tặng cậu mấy cuốn sách mới xuất bản những năm gần đây”.

Nhận được 3 công trình chuyên khảo của thầy, lũ học trò hậu sinh chúng tôi rất cảm kích và phần khởi. Phấn khởi trước hết là bởi ở tuổi 90, thầy vẫn còn nghiên cứu, viết sách hàng ngày.

Tôi biết, trong ngành khoa học xã hội Việt Nam, nhiều giáo sư chỉ ngoài 60 đến 70 tuổi là đã “rửa tay gác kiếm”. Nhờ thông thạo 4 ngoại ngữ: tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung, thầy luôn cập nhật được thông tin về các trường phái lý thuyết mới nghiên cứu về dân tộc học, nhân học trên thế giới.

Nhưng thấm đậm vào mỗi trang viết của thầy là tính thực tiễn và ứng dụng kiến thức dân tộc học, nhân học để giải quyết những vấn đề cấp bách đang đặt ra.

Dấu ấn của Tướng Đồng Sỹ Nguyên trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại

Năm 2000, khi về hưu ở tuổi 72, thầy vẫn là chủ nhiệm đề tài: “Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách liên quan đến mối quan hệ dân tộc hiện nay”. Ở công trình này, thầy chú trọng nghiên cứu về “vấn đề xung đột dân tộc hiện nay, vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Trong tình hình ở Liên Xô và các nước Đông Âu đang xảy ra những vấn đề xung đột tộc người thì nghiên cứu của thầy không chỉ có giá trị lý luận mà quan trọng hơn là đã cung cấp cơ sở khoa học cho các nhà quản lý để xây dựng mối quan hệ dân tộc, chống diễn biến hòa bình.

Đặc biệt, công trình của thầy như dự báo tình hình và phương hướng chính sách để giải quyết những vấn đề nảy sinh phức tạp ở Tây Nguyên sau đó vài năm. Vấn đề xây dựng chính sách đại đoàn kết dân tộc ở một quốc gia đa dân tộc luôn đau đáu trong tâm trí của thầy.

Suốt sau khi nghỉ hưu, cho đến những năm gần đây, thầy luôn trăn trở cùng các học trò nghiên cứu về “Những đặc điểm chủ yếu của các dân tộc ở nước ta, đặc điểm tình hình các dân tộc ở Tây Nguyên và những vấn đề đặt ra, dân tộc học và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta”.

Ngay cả những vấn đề mới xuất hiện trong thực tiễn các công tác dân tộc hiện nay, thầy cũng đi sâu nghiên cứu, đề xuất giải pháp có tính khả thi như công trình “Những đặc điểm chủ yếu của toàn cầu hóa và vấn đề dân tộc trong toàn cầu hóa”.

Yêu cầu của thực tiễn, những vấn đề cấp bách đặt ra trong đời sống kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số luôn là chủ đề được thầy thường xuyên quan tâm nghiên cứu.

Không chỉ nghiên cứu định hướng những chính sách lớn, với cảm quan của nhà dân tộc học lão thành, thầy còn đề xuất những chính sách cụ thể về bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống, vai trò của già làng trong xã hội truyền thống…

Trong số gần 200 bài báo, sách chuyên khảo về người Dao thì bài viết của thầy mang tính “khai sơn phá thạch”. Ảnh: vov.vn

Tôi nhớ vào những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, sinh viên đến nhà thầy để học viết luận văn tốt nghiệp, bao giờ cũng được ăn bát mì tôm, chiếc bánh bao nắp hầm của thời bao cấp khó khăn.

Giữa đêm khuya giá lạnh, hơi ấm của những chiếc bánh, của tấm lòng bao dung từ người thầy vẫn là kỷ niệm khó quên đối với một thế hệ dân tộc học như chúng tôi.

Thương học trò không có sách và tài liệu nghiên cứu, năm 2010, thầy ủng hộ trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn 1500 cuốn sách, tập chí, luận văn, luận án… để thành lập Tủ sách Phan Hữu Dật.

Những năm cuối đời, dù tuổi đã cao, thầy vẫn dành dụm một số tiền không nhỏ để lập Quỹ giải thưởng Phan Hữu Dật, mỗi năm trao thưởng từ 10-15 suất cho sinh viên, học viên ngành dân tộc học, nhân học có thành tích tốt.

Trần Đức Tùng, một học viên sau đại học xuất sắc được nhận giải thưởng Phan Hữu Dật năm 2017 đã xúc động phát biểu: “Thực sự em cảm thấy rất vinh dự khi được nhận giải thưởng này. Nó là động lực để em theo đuổi con đường khoa học và có thêm tình yêu với nghề dân tộc học, nhân học mà các thầy cô đã dành nhiều tâm huyết truyền dạy”.

Hàng năm, các sinh viên, học viên khoa Nhân học vẫn được sang nhà thầy ở Bồ Đề, Gia Lâm nghe thầy giảng. Học trò không chỉ được học về kiến thức mà còn được học thêm vê tấm gương yêu nghề, đam mê khoa học. Giờ giải lao, ai cũng được tham quan bảo tàng mini, nơi trưng bày rất nhiều các hiện vật, tư liệu kể lại câu chuyện cuộc đời của thầy.

Từ nay không còn được nghe thầy giảng bài nữa nhưng quỹ học bổng, tủ sách mang tên thầy, bảo tàng mini… vẫn là hành trang đối với các thế hệ trẻ nghiên cứu nhân học.

Giáo sư Phan Hữu Dật, sinh năm 1928, tại làng Thanh Lương, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Hữu Dật, nguyên Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp.

Giáo sư Phan Hữu Dật là nhà nghiên cứu nhân học hàng đầu Việt Nam, với hơn 100 công trình công bố.

Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được tập thể các bác sĩ và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa nhưng do tuổi cao, bệnh trọng, Thầy đã từ trần hồi 2 h 52 phút ngày 18 tháng 4 năm 2019 (tức ngày 14 tháng 3 năm Kỷ Hợi), hưởng thọ 92 tuổi.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/van-hoa/mot-nha-khoa-hoc-dau-nganh-da-di-xa-post197636.gd