Một nhân cách lớn về ý chí và nghị lực của người chiến sĩ cộng sản kiên trung

Đồng chí Lương Khánh Thiện (13-10-1903/1-9-1941), quê ở xóm Dưới, thôn Mễ Thượng, xã Mễ Tràng, tổng Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm (nay là tổ dân phố Mễ Thượng, phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam).

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị giày xéo bởi gót giày quân xâm lược; vốn là người thông minh, ham học hỏi, ngay từ khi còn đi học, những trang sử vẻ vang của dân tộc đã hun đúc trong người học trò Lương Khánh Thiện tình yêu quê hương tha thiết, nung nấu ý chí phải đánh đổ đế quốc, phong kiến, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước, đại diện các bộ, ban, ngành dự lễ khánh thành Nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước, đại diện các bộ, ban, ngành dự lễ khánh thành Nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Từ một thanh niên yêu nước, đồng chí sớm trở thành lớp chiến sĩ cộng sản đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, giữ nhiều trọng trách quan trọng: Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ (1937), Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội (1939); Bí thư Thành ủy Hải Phòng; Bí thư Liên tỉnh B (gồm các tỉnh: Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An)... Ba lần bị bắt và cuối cùng bị thực dân Pháp giết hại năm 1941, khi mới 38 tuổi. Cuộc đời đồng chí Lương Khánh Thiện tuy ngắn ngủi, nhưng vô cùng trong sáng và cao đẹp. Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo, hoạt động ở nhiều địa phương khác nhau, nhưng dù ở đâu, làm việc gì, đồng chí luôn đặt lợi ích chung của cách mạng lên trên lợi ích cá nhân, hết lòng vì Đảng, vì nhân dân. Những cống hiến to lớn và sự hy sinh oanh liệt của đồng chí đã góp phần tô thắm thêm lịch sử và truyền thống vẻ vang của Đảng ta.

Đồng chí Lương Khánh Thiện, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Hà Nam. Có thể khái quát một số điểm quan trọng, nổi bật về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lương Khánh Thiện như sau:

Thứ nhất, đồng chí Lương Khánh Thiện là tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học tập, rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn cách mạng.

Từ một học sinh Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, với lòng yêu nước và nhiệt huyết cách mạng, đồng chí đã sớm hòa mình vào trong phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh thành phố cảng, của công nhân thành phố Nam Định, trở thành hội viên của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, do đồng chí Nguyễn Ái sáng lập.

Thực tiễn và phong trào cách mạng đã tôi luyện người thanh niên yêu nước Lương Khánh Thiện trong thời gian đi "vô sản hóa" ở nhà máy Chai Hải Phòng năm 1928, trở thành người chiến sĩ cộng sản, nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp năm 1929.

Với nhãn quan chính trị sắc bén, đồng chí đã nhận ra được khả năng to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam, đã giác ngộ, vận động họ đứng lên làm cách mạng. Với tinh thần vừa làm vừa học, năng động, sáng tạo trong lý luận và thực tiễn, đồng chí sớm trở thành thủ lĩnh của phong trào công nhân Hải Phòng; vận động, tổ chức và kêu gọi công nhân đấu tranh với giới chủ và nhà cầm quyền thực dân Pháp tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện đời sống...

Khi bị địch bắt, giam cầm, tra tấn tại các nhà tù, trong đó có nhà tù Côn Đảo, đồng chí đã cùng với các đồng chí của mình “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”. Chính tại nơi “địa ngục trần gian” Côn Đảo, đồng chí được tiếp cận nhiều hơn với sách báo tiến bộ, được các đồng chí lớn tuổi hơn có nhiều kinh nghiệm và trình độ lý luận giúp đỡ, đồng chí đã nắm bắt được nhiều vấn đề lý luận, tiếp thu được những quan điểm, nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, từ đó nghiền ngẫm, đúc rút các bài học soi rọi cho quá trình hoạt động thực tiễn của mình. Đồng chí Lương Khánh Thiện đã thể hiện tư chất của một người cộng sản có tầm nhìn xa trông rộng, có khả năng phân tích, khái quát, nhận định chính xác các vấn đề theo tinh thần phương pháp luận Mác - Lênin, sớm trở thành một tài năng chính trị lớn của Đảng ta.

Thứ hai, đồng chí Lương Khánh Thiện là tấm gương luôn vượt lên mọi hoàn cảnh; khó khăn không chùn bước, gian khổ không sờn lòng, tù đày không khuất phục, luôn lạc quan tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng.

Rời Trường Kỹ nghệ thực hành với hai bàn tay trắng, trước mắt là thất nghiệp, đói khổ, nhưng không nản chí. Với kiến thức tiếp thu từ Trường Kỹ nghệ thực hành, đồng chí lăn lộn trong phong trào công nhân Nhà máy Sợi Nam Định, trong phong trào “Vô sản hóa” ở Hải Phòng; đã tôi luyện ý chí, nhân cách và bản lĩnh của người chiến sỹ cộng sản Lương Khánh Thiện.

Hoạt động trong vòng vây của chỉ điểm, bị mật thám truy lùng gắt gao, nhưng đồng chí luôn biến hóa, cải trang trong vai người buôn gỗ, buôn chè ở miền rừng núi của tỉnh Phú Thọ để chỉ đạo phong trào cách mạng, xây dựng căn cứ bí mật của Đảng, thành lập chi bộ Đảng làm nòng cốt cho sự ra đời của Ban Cán sự tỉnh Phú Thọ năm 1940; trong vai người thợ, thày lang ở Hải Dương để hoàn thành nhiệm vụ của Bí thư Liên tỉnh B, trực tiếp phụ trách Đảng bộ Hải Phòng.

Ba lần bị địch bắt, tra tấn dã man, với các ngón đòn và nhục hình: Đi tàu bay, đi tàu ngầm, bó giò khô, bó giò ướt, cắm kim vào mười đầu ngón tay, dí điện vào người..., nhưng chúng không khuất phục được người chiến sĩ cộng sản kiên trung. Dù thân thể đầy thương tích, mặt bị biến dạng, đau đớn, nhưng trước đồng đội, đồng chí Lương Khánh Thiện vẫn lạc quan. Trong tâm trí những người đồng chí cùng ở nhà lao Hỏa Lò, không bao giờ quên được nụ cười lạc quan của người chiến sĩ cộng sản Lương Khánh Thiện, luôn tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng, sẽ đạp đổ xiềng xích bất công, xây dựng một xã hội tiến bộ, dân chủ, công bằng, bác ái.

Thứ ba, đồng chí Lương Khánh Thiện - tấm gương cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng, cho lý tưởng cao đẹp của Đảng và nhân dân.

Cuộc đời đồng chí là một mẫu mực về phẩm chất cao quý của người cộng sản, là tấm gương sáng về tinh thần học tập, rèn luyện và vươn lên không ngừng. Từ khi bước chân vào con đường hoạt động cách mạng cho đến lúc hy sinh, bằng niềm tin mãnh liệt và nghị lực phi thường, xác định rõ lẽ sống ở đời và làm người, đồng chí đã miệt mài học tập, rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, từng bước trang bị cho mình những hiểu biết về lý luận chính trị, trở thành người lãnh đạo cao nhất của Xứ ủy Bắc Kỳ. Đồng chí không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, luôn biết kết hợp giữa thực tiễn sinh động với lý luận khoa học, giải quyết đúng đắn những vấn đề cơ bản mà cách mạng đặt ra, nhất là trong những hoàn cảnh gay go, phức tạp. Trong cao trào vận động dân chủ (1936- 1939), Đảng ta đã vượt qua biết bao trở lực và khó khăn, tạo nên một cao trào cách mạng sôi nổi, cuốn hút hàng triệu quần chúng tham gia. Thành công đó có cống hiến trí tuệ, sức lực to lớn của đồng chí Lương Khánh Thiện.

Đồng chí Lương Khánh Thiện là một tấm gương sáng về sự gắn bó máu thịt với nhân dân. Bất kỳ ở đâu, giữa những người công nhân, phu mỏ, hay bà con nông dân, khi đi “vô sản hóa”, khi mới chỉ là đảng viên, hay khi đã trở thành Bí thư Xứ ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hải Phòng, Liên tỉnh B..., đồng chí luôn hòa mình với quần chúng, học hỏi và tổ chức, động viên quần chúng tham gia cách mạng.

Trong 16 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Lương Khánh Thiện nhiều lần bị thực dân Pháp bắt, giam cầm, tra tấn rất dã man, tàn bạo, nhưng đồng chí luôn nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất. Khi bị giải ra pháp trường, trước họng súng kẻ thù, đồng chí vẫn hiên ngang tỏ rõ khí phách của người cộng sản. Những khẩu hiệu cách mạng mà đồng chí Lương Khánh Thiện và các đồng chí của mình hô vang trước kẻ thù khi chúng xử bắn đồng chí ngày 1-9-1941, còn vang vọng mãi đến hôm nay. Tấm gương hy sinh lẫm liệt của đồng chí Lương Khánh Thiện mãi là niềm tự hào của Đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam.

Đồng chí Lương Khánh Thiện-người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người lãnh đạo tài năng của Đảng ta. Học tập, noi gương đồng chí Lương Khánh Thiện, chúng ta nguyện nêu cao ý chí cách mạng, tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cộng sản, kiên trì học tập, nâng cao nhận thức, trình độ mọi mặt, tích cực hoạt động thực tiễn, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và nhân dân lên trên hết, trước hết, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Đặc biệt, hiện nay cần tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, có đủ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong tình hình mới; đưa nước ta tiếp tục đi lên, đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn trên tiến trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

NGUYỄN CẦM VÂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/mot-nhan-cach-lon-ve-y-chi-va-nghi-luc-cua-nguoi-chien-si-cong-san-kien-trung-551908