Một nhân vật xém 'hy sinh' và những fan hâm mộ

Sau khi phim 'Cảnh sát hình sự' chiếu lên ti vi một thời gian, vẫn còn nhiều những bình luận chê bai khác nữa. Như bình luận về cảnh truy đuổi không quyết liệt, thiếu hấp dẫn… Thì chính xác rồi, ví dụ, Cảnh sát phóng xe máy đuổi theo ô tô, bám thành nhảy lên, đánh lộn tơi bời để bắt tội phạm, thì tiếp theo phải là xe máy không người lái lao đi, va đập, bùng cháy dữ dội. Nhưng tiền đâu mà mua xe, dù xe cũ thì cũng phải mông má, sao dám cho nó lao đi, bùng lửa lên? Thế là chỉ có cảnh mấy cánh tay bám vào thành xe, đu người lên thôi, là hết.

Khi viết kịch bản, bọn tôi thoải mái sáng tạo, có cả một phần phim viết về vụ án cướp máy bay ở sân bay, bay vòng vèo để tẩu thoát vượt biên ra nước ngoài. Hồi đó, thực tế có chuyện đó, nhưng đoàn phim liên hệ với hàng không để quay ở sân bay mà không được. Không làm được phim cướp máy bay thì phải chuyển thành phim cướp xe khách. Tất nhiên, phim cướp xe khách thì khó hồi hộp, gay cấn bằng phim cướp máy bay.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Đỉnh điểm và ồn ào nhất là chuyện ông diễn viên trẻ đóng vai nhân vật Cảnh sát trả lời phỏng vấn báo, nói là kịch bản nhạt, ông ấy đã phải cố đóng thì nhân vật mới hay thế... Bọn tôi rất bực bội, cáu kỉnh về vụ này. Là diễn viên thì chỉ được biết kịch bản phân cảnh, chỉ liên quan đến vai của mình, lại mới đóng một phần, trả lời phỏng vấn như thế là nói liều, nói đại, nói phét...

Bọn tôi bảo với Phạm Ngọc Tiến, ông nói với Thùy Linh cho thằng này nghỉ diễn đi. Nó nói mà đầu không nghĩ, lại tưởng sẽ đóng suốt cả 40 tập vì không ai thay thế được. Có gì đâu, thêm vào phần sau một cảnh mở đầu là lễ truy điệu đồng chí ấy đã hy sinh anh dũng khi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt và giới thiệu một chiến sĩ mới đến thay. Kịch bản vẫn giữ nguyên, chỉ đổi tên nhân vật, thay mấy hành vi quen thuộc của nhân vật cũ là hay nhìn lên trời, hay nháy mắt, thì chuyển thành hay huýt sáo, hay gãi tai là xong. Ông Tiến đồng ý.

Mấy hôm sau thì ông Tiến gặp bọn tôi, nói lại, cái thằng diễn viên ấy nó đã chân thành nhận là do say rượu, nói lung tung không suy nghĩ, xin lỗi các anh. Thôi, không phải “làm lễ truy điệu” nó nữa, để nó sống tiếp, tiếp tục chiến đấu xem sao, nếu nó còn nói lung tung thì cho “hy sinh” sau cũng được.

Dù có dư luận trên báo chí như thế, thì ở khắp nơi, bộ phim này vẫn được chào đón, còn hơn cả mong đợi rất nhiều lần. Phim phát sóng liên tục thành từng đợt, liền các tối trong tuần. Truyền hình hồi ấy lại chưa có nhiều kênh, chưa có phim Mỹ, phim Hàn như bây giờ, nên có lẽ vì thế mà nó thu hút lắm người xem, nhiều tối đường phố vắng hẳn người đi lại vì bận ở nhà xem phim “Cảnh sát hình sự”.

Lắm người xem thì cũng lắm người hâm mộ, hâm mộ nhiều kiểu, nhiều dạng, mà cũng lạ lùng... Không biết các ông biên kịch khác, các ông đạo diễn, các anh chị diễn viên thì được hâm mộ như thế nào, nhưng cứ như tôi được trải qua, thì cũng rất sướng, nhiều khi “lịm cả củ tỷ”…

Tôi đi công tác nhiều nơi với tư cách nhà báo, lãnh đạo báo, trong các cuộc tiếp rượu, chủ tiệc hay mời thêm khách đến ngồi cùng. Họ hay tìm cách giới thiệu tôi cho oách, để như khẳng định cuộc ngồi với tôi là vinh dự tự hào đấy. Thường giới thiệu tôi là nhà thơ. Nếu may mắn trong đám thực khách có ai mê thơ, biết bài nào hay thuộc một hai câu thơ nào đó của tôi, thì là ổn, cứ thế mà tán thêm, đọc thêm và... uống thôi. Bằng không thì giới thiệu thêm tôi là nhà văn, nhà báo. Nếu có ai đã từng đọc tí văn tí báo của tôi, là ổn. Bằng không nữa thì giới thiệu tôi từng là Phó tổng, Tổng biên tập báo này, chí kia... Nhưng cũng có cuộc giới thiệu hết thế cả rồi mà mọi người vẫn ừ, à, chả biết tôi là ông đếch nào cả. Không sao, tôi sẽ nói dăm ba câu têu tếu, kế chuyện gì đó là lạ, là vui ngay, rồi uống, vẫn đủ vui vẻ, thân ái...

Nếu có cuộc nào đấy, tôi thấy bạn hay, rượu ngon, đồ nhắm tốt, tôi muốn ồn ào, mặn chuyện hơn, ngồi lâu hơn, thì tôi tự giới thiệu thêm. Đại khái, lúc nãy anh này chị kia đã giới thiệu tôi, nhưng chắc mọi người chưa nắm hết, nên xin giới thiệu thêm, tôi là một trong những đồng tác giả của phim "Cảnh sát hình sự" dài 40 tập đầu tiên của Việt Nam. Thông tin đó thường là rộn ràng lên ngay, như: Ố thế á, tôi đã xem rồi. Vợ tôi mê phim ấy lắm. Con gái tôi rất thích... Có người còn kể, mẹ tôi hồi còn sống cứ giữ rịt cái ti vi để canh chờ xem phim này. Sau đấy là rổn rảng nâng chén, bắt tay, chụp ảnh chung và rượu ngon, đồ nhắm tốt lại được gọi thêm ời ời, mang ra tiếp thêm tới tấp. Rồi chuyện ran ran như pháo nổ, không dứt...

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến.

Có cuộc ở tỉnh, vừa nghe giới thiệu thế xong, có ông liền đứng bật dậy, xin phép chạy về nhà chút rồi sẽ ra ngay. Hỏi có việc gì, bảo về khoe với vợ con là đang được ngồi với bác tác giả viết phim "Cảnh sát hình sự", cho "con vợ em nó sướng", tiện thể lấy chai rượu hổ cốt đặc biệt chưa bao giờ cho ai uống mang ra, mời bác vài chén.

Có cuộc này, tôi nhớ mãi. Đi công tác ở một tỉnh miền núi. Phó Chủ tịch tỉnh gọi thêm một số lãnh đạo sở ngành cùng đến để tiếp rượu tôi. Cuộc rượu đã ngàn ngàn, vãn vãn, thì có ai đó nhắc đến phim "Cảnh sát hình sự", thế là tôi nói, tôi là đồng tác giả. Lại ồn lên, nhất là sau khi tôi kể một vài chi tiết về chuyện viết kịch bản. Có một cán bộ trẻ, là Phó giám đốc sở, khoảng bốn chục tuổi, nãy giờ ngồi xa xa, cầm chén cầm chai lại gần tôi, ngắm sát vào mặt tôi, reo lên: Ô chồ chồ, ô chồ chồ, thật á, bác viết ra cái phim hình sự ấy thật á? Tôi khiêm nhường, khẽ gật gật đầu: Ừ, đơn giản thôi mà. Ông xem phim chưa, sau tên phim là tên các nhà biên kịch. Mà họ xếp theo đội hình quân đội đánh giặc. Xếp trên ra đánh đầu tiên, rồi tiếp theo, càng xếp sau càng quan trọng hơn. Xếp cuối cùng là quan trọng nhất, là chỉ huy. Tên tôi xếp sau, dưới cùng ấy (Thú thực với các ông cùng đội, khi không có mặt các ông, tôi thường nói thế để làm oách mình lên tí, mục đích trong sáng, chả có ý đồ gì xấu kém cả đâu).

Nghe thế, anh Phó sở càng reo to hơn: Ô chồ chồ, bác tham gia viết phim ấy là kinh rồi, lại còn xếp dưới cùng như chỉ huy nữa chứ. Anh ta rót rượu, nói xin uống riêng với bác một chén. Xong lại rót tiếp, nói trịnh trọng hơn: Em xin thay mặt vợ em uống với bác một chén nữa! Xong thì nắm tay rồi ôm tôi rất lâu. Lại bảo, em ôm bác để ngấm mùi bác tí rồi về nhà ôm vợ em cho nó biết mùi tác giả phim hình sự. Xong rồi anh ta chào, xin về nhà ngay. Mọi người chèo kéo giữ lại cách nào cũng không được, cứ kiên quyết rời đi...

Anh Phó sở đi rồi, tôi hỏi mọi người: Cái ông cứ nói ô chồ chồ này là người thế nào? Lạ nhỉ? Mọi người tấm tắc cười, rồi kể, ông này là cán bộ trẻ, được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng từ sớm, là người dân tộc mà "kinh" hơn người Kinh, được đề bạt Phó sở từ lúc 35 tuổi. Ông này mới lấy vợ, xinh lắm, trẻ hơn ông ấy gần hai chục tuổi. Chuyện ông ấy lấy vợ cũng cầu kỳ. Ông ấy về bản quê mình, chọn một con bé xinh, thông minh, mới học xong cấp hai, đưa lên trên này học cấp ba, rồi chu cấp cho học Cao đẳng, tốt nghiệp xong thì ông xin việc cho rồi cưới làm vợ. Cưới đâu đã hơn hai năm nay rồi mà chưa thấy con cái gì.

Tôi hỏi tiếp, ông "Chồ Chồ" (gọi thế cho tiện, chứ không phải là tên thật) bảo là ôm cho ngấm mùi tôi để về ôm vợ, cho vợ biết mùi tôi, là nói thật, hay say rượu mà nói thế? Mọi người bảo: Tay này uống rượu khôn lắm, chả bao giờ say đâu. Nó nói có khi thật đấy. Về khoản si mê vợ thì tay này đứng đầu, là nhất tỉnh. Nhà nó có ti vi màn hình phẳng, có đầy đủ sách báo, tạp chí, lại có cả máy nghe nhạc, giàn loa xịn để vợ giải trí theo nhu cầu... Tôi nghe mà nửa tin, nửa phân vân. Nhưng đến sáng hôm sau, tôi bất ngờ được gặp lại "Chồ Chồ" đưa vợ đi cùng đến gặp tôi, và tôi tin hẳn lên đến một trăm phần trăm luôn…

(Còn nữa)

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/mot-nhan-vat-xem-hy-sinh-va-nhung-fan-ham-mo-i689130/