Một nửa ăn vụng, xử lý thế nào?

Điều 38 Bộ luật Dân sự quy định 'Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình'.

Hình minh họa.

Hỏi: 3 tháng trước tôi sinh con đầu lòng, do cháu bị sinh thiếu tháng, ốm yếu nên hầu như hai mẹ con ở nội trú trong bệnh viện. Trong lúc tôi bận bịu chăm con nhỏ vắng nhà thì chồng tôi lén lút ngoại tình với một cô gái (cô này đã ly hôn) ở xã bên cạnh.

Biết chuyện, tôi đã nói chuyện với anh ấy và cũng gặp cô gái kia yêu cầu hai người chấm dứt quan hệ; tuy nhiên hai người đó vẫn phớt lờ, trắng trợn hơn, anh ấy còn ăn ở tại nhà cô ta. Xin hỏi hành vi ngoại tình đến mức nào sẽ bị pháp luật xử lý và mức phạt cụ thể như thế nào? (bạn Nguyễn Ngọc Lan, 25 tuổi ở Yên Bái).

Trả lời: Điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 nghiêm cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.

Theo như bạn trình bày, trong khi bạn sinh con và bận nuôi con nhỏ, chồng bạn đã ngoại tình với người phụ nữ khác, bất chấp mọi lời khuyên can mà tiếp tục mối quan hệ sai trái, chuyển đến sống chung với người tình. Hành vi của chồng bạn là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/09/2013, hành vi của chồng bạn là người đang có vợ mà chung sống như vợ chồng với người khác có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 1- 3 triệu đồng.

Nếu hành vi ngoại tình gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự về tội Vi phạm chế độ một vợ, một chồng; mức phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Hỏi: Cháu phát hiện chồng mình có nhân tình ở gần nơi công tác nhưng anh ấy phủ nhận. Khi cháu nhắn tin liên hệ với cô gái kia thì cô ta thừa nhận đã quan hệ với chồng cháu và còn trơ trẽn gửi cho cháu hình ảnh hai người thân mật kèm lời lẽ thách thức, xúc phạm cháu.

Cháu yêu cầu ly hôn nhưng chồng cháu không đồng ý, anh ấy nói rằng cháu không có chứng cứ về việc anh ấy ngoại tình nên sẽ không có lý do để ly hôn.

Cháu phân vân vì anh ấy có quan hệ ngoài luồng khi đi công tác xa nhà, anh ấy lại là người “ăn vụng biết chùi mép” nên việc tìm chứng cứ ngoại tình là rất khó. Xin hỏi cháu phải thu thập chứng cứ việc ngoại tình kia như thế nào mới là hợp lệ? (bạn Huỳnh Hoa, 19 tuổi ở Bình Định).

Trả lời: Hành vi ngoại tình được coi là nguyên nhân khiến hôn nhân đổ vỡ và ngoại tình cũng là một trong những căn cứ để tòa án giải quyết cho ly hôn.

Cụ thể theo hướng dẫn quy định Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình, nếu việc ngoại tình mà dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng ở mức độ trầm trọng, cuộc sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì có căn cứ để tòa giải quyết cho hai người ly hôn.

Theo như cháu trình bày, cháu biết chồng mình ngoại tình nhưng chưa thu thập được chứng cứ của việc ngoại tình đó do chồng cháu ở xa, anh ấy lại là người “ăn vụng biết chùi mép”. Vậy thu thập chứng cứ ngoại tình có khó không?

Chứng cứ việc ngoại tình được thu thập như thế nào mới coi là hợp lệ? Trước hết, chứng cứ ngoại tình cần đáp ứng yêu cầu chung của chứng cứ, tức là phải có tính khách quan, liên quan và hợp pháp.

Chứng cứ ngoại tình phải là những gì có thật (không chấp nhận giả mạo, dàn dựng); phù hợp với diễn biến khách quan và phải được thu thập theo trình tự hợp pháp. Việc thu thập chứng cứ ngoại tình mà không hợp pháp cũng không được tòa án công nhận.

Thực tế, chỉ đối với những hành vi ngoại tình công khai, rõ ràng (như việc hai người ngoại tình với nhau trong nhà nghỉ bị bắt quả tang, hoặc việc hai người ngoại tình chung sống với nhau bị lập biên bản tại hiện trường…) thì việc thu thập các chứng cứ đó mới không quá khó khăn.

Còn lại hầu hết loại quan hệ này đều thực hiện lén lút, kín đáo, chẳng hạn như chồng cháu quan hệ ngoài luồng ở xa nhà, anh ấy lại giỏi xóa dấu vết thì việc thu thập chứng cứ ngoại tình rất khó.

Tuy nhiên, cháu vẫn có thể thu thập các chứng cứ gián tiếp thể hiện việc ngoại tình như thông qua list (danh sách) điện thoại thể hiện lịch sử các cuộc gọi dày đặc vào khoảng thời gian được cho là riêng tư, các tin nhắn, các hình ảnh thể hiện mối quan hệ thân mật giữa họ, nhật ký hẹn hò.v.v.

Trong trường hợp của cháu, những tin nhắn của cô gái thừa nhận việc có quan hệ tình cảm với chồng cháu, hình ảnh thân mật của hai người mà cô ta chủ động gửi cho cháu cũng được xem là chứng cứ ngoại tình… Cháu cần lưu giữ những chứng cứ đó kèm đơn ly hôn để nộp cho tòa án

Hỏi: Từ khi lấy chồng, tôi chỉ ở nhà nuôi con và làm nội trợ, toàn bộ kinh tế gia đình do chồng tôi lo liệu. Hai năm trước, tôi phát hiện chồng có bồ. Quá đau khổ, tôi đã ngã vào vòng tay người đàn ông khác để trả thù chồng. Không ngờ tôi bị bắt quả tang sự việc.

Chồng tôi đề nghị ly hôn và yêu cầu tôi phải ra khỏi nhà tay trắng vì tôi đã không làm ra tiền lại mắc lỗi ngoại tình. Xin hỏi tôi bị ly hôn trong hoàn cảnh như vậy thì sẽ không được chia tài sản có đúng không? (Chị Hà Thị Sinh, 31 tuổi ở Hòa Bình).

Trả lời: Chị đã mắc phải sai lầm đáng tiếc khi có hành động ngoại tình để trả miếng chồng theo kiểu “ông ăn chả, bà ăn nem”, để rồi phải lãnh đủ hậu quả chua xót, bẽ bàng.

Theo Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn thì tài sản vợ chồng sẽ do hai bên thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được thì:

+ Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung;

+ Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau: a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.

Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Như vậy, trường hợp của chị dù suốt quá trình hôn nhân chị chỉ ở nhà nội trợ, không trực tiếp làm ra tiền, của cải vật chất nhưng vẫn được tính là lao động có thu nhập.

Khi chia tài sản ly hôn, chắc chắn chị sẽ được hưởng phần ít hơn vì công sức đóng góp của chị ít hơn chồng, chưa kể chị lại có lỗi ngoại tình (vi phạm nghĩa vụ chung thủy của vợ chồng).

Như vậy, việc người chồng nhằm vào điểm yếu của chị như không làm ra tiền, ngoại tình để ép chị phải ra đi tay trắng khi ly hôn là không đúng.

Chị cần thẳng thắn thỏa thuận với chồng về việc phân chia tài sản dựa trên các căn cứ trên. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, chị có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.

Hỏi: Tôi làm quản lý, điều hành xưởng sản xuất của gia đình ở dưới huyện nên tối ngày chỉ quanh quẩn ở nhà. Trong khi vợ tôi làm hướng dẫn viên du lịch trên thành phố, hay đi công tác xa. Gần đây tôi nghi ngờ vợ có bồ nhưng chưa tìm được chứng cứ. Xin hỏi tôi có được phép gắn camera để bí mật theo dõi hoặc thuê thám tử tư để điều tra vợ mình không? (Anh Mạc Đức, 42 tuổi ở Quảng Ninh).

Trả lời: Điều 38 Bộ luật Dân sự quy định “Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” như sau:

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2.Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3.Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Tại khoản 1 Điều 30 Luật Đầu tư và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 cũng quy định "thám tử tư, điều tra" là lĩnh vực cấm đầu tư do gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích công cộng.

Điểm k khoản 1 Điều 7 Nghị định 102/2010/NĐ- CP ngày 1/10/2010 cũng quy định “kinh doanh dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” là ngành, nghề cấm kinh doanh.

Như vậy, pháp luật không cho phép các tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ điều tra, hoạt động thám tử tư dưới mọi hình thức nên việc anh thuê thám tử tư (nếu có) để thực hiện dịch vụ điều tra vợ mình là xâm phạm quyền tự do của cá nhân, vi phạm pháp luật.

Theo Điều 38 Bộ luật Dân sự kể trên, quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Như vậy, việc anh lắp camera để bí mật theo dõi vợ mình cũng như thuê thám tử tư (nếu có) để điều tra cô ấy là vi phạm pháp luật.

Quỳnh Lưu (Thực hiện)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/mot-nua-an-vung-xu-ly-the-nao-d76440.html