Một quá trình hoàn thiện

NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN (NNPQ) với định nghĩa cơ bản nhất là không ai ở trên luật hay mọi người phải tuân theo luật; là toàn thể một quốc gia có trách nhiệm thực hiện công lý, phục tùng pháp luật và quan tâm đặc biệt đến việc tôn trọng các quyền con người và nguyên tắc tương ứng. Dưới góc độ quản lý, NNPQ là QUẢN LÝ XÃ HỘI (QLXH) bằng pháp luật; trong đó, các cá nhân, tập thể, tổ chức và cơ quan công quyền đều phải tuân theo pháp luật.

Mô hình ưu việt

Thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền” (tiếng Anh là Rule of law) là mô hình nhà nước trong đó mọi biểu hiện về quyền lực của chính phủ đều có khả năng đo đếm được theo các tiêu chuẩn pháp luật và có khả năng chống lại mọi nguy cơ và ảnh hưởng xấu bằng những phương tiện tri thức để bảo đảm trật tự; cơ sở của Nhà nước là ý tưởng về công lý, công bằng dựa trên sự công nhận và tiếp nhận hoàn toàn giá trị tối thượng của nhân cách con người, được bảo đảm bởi các thể chế làm khuôn khổ của trật tự tự do, dân chủ và quyền con người, an toàn cho các công dân. Chế độ pháp quyền từ lâu đã trở thành một trong những ý niệm chung gắn với nền chính trị tốt. Sê-ling cho rằng, “chế độ pháp quyền là chế độ lý tưởng cuối cùng của nhân loại, là sự thể hiện đầy đủ tinh thần tuyệt đối (cái tuyệt đối) trong những mối quan hệ giữa con người với con người”.

NNPQ và quyền lực tối thượng của pháp luật với ý nghĩa như nhau, là “sự thống trị, ưu thế hoặc quyền tối thượng của pháp luật” (hay “ưu thế của tinh thần pháp lý đồng nghĩa với chế độ pháp trị”) và là một thành tố của trật tự pháp lý nhằm tăng cường bảo vệ các quyền con người, quyền tự do cơ bản của cá nhân trong phạm vi quốc gia và sự phát triển của các hình thức dân chủ của chính quyền. Hiến pháp với tư cách là luật có ưu quyền tuyệt đối, việc lập pháp phải tuân thủ trật tự hiến định, ngành hành pháp và tư pháp phải tuân thủ pháp luật. Pháp luật phải được áp dụng có hiệu lực, có sức chế ngự mạnh mẽ đối với những hành động độc đoán và vi phạm pháp luật (VPPL) nhằm bảo vệ cá nhân bằng pháp luật trước nhà nước. Dân chủ là yếu tố tự thân của học thuyết pháp trị và “một nền dân chủ của chế độ pháp trị chỉ có thể hiệu quả nếu nhân dân có thể chấp hành, kiểm tra và theo dõi các quyết định của họ; nếu không, mọi sự sẽ chỉ là một bề ngoài che giấu cho những bộ máy ra quyết định không được hợp pháp hóa thích đáng ở phía sau”.

NNPQ là một giá trị hình thành sớm trong lịch sử tư tưởng chính trị - pháp lý nhân loại, đã được thử nghiệm, chọn lọc qua nhiều thế kỷ, ngày càng được bổ sung nội hàm mới phát triển thành học thuyết tư tưởng. Đến thời đại cách mạng tư sản, mô hình NNPQ đã trở thành hiện thực ở nhiều nước phương Tây và trở thành hình thức phổ biến trong thế giới đương đại. Qua từng thời kỳ, tư tưởng đó có những bước tiến mới thể hiện sự phát triển tư duy nhân loại về trình độ tổ chức QLXH, phản ánh nguyện vọng khát khao của con người sinh ra vốn có quyền tự do, bình đẳng; có quyền làm chủ bản thân và làm chủ đời sống xã hội.

Ngày nay, không ai có thể phủ nhận được vai trò, chức năng to lớn của mô hình NNPQ trong quá trình phát triển của từng quốc gia - dân tộc. Là học thuyết về tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, tinh hoa của nhân loại có nguồn gốc từ thời cổ đại, NNPQ có thể được áp dụng ở các nước trên cơ sở những nét đặc trưng về văn hóa, chính trị, tư tưởng pháp lý, truyền thống dân tộc. Xây dựng NNPQ được xem là “chìa khóa” để giải quyết nhiều vấn đề cốt yếu liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia đương đại.

Mục tiêu chiến lược

Ở Việt Nam, xây dựng NNPQ XHCN là một khâu trọng yếu trong đổi mới hệ thống chính trị (HTCT); một mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp đổi mới để đáp ứng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ về phương pháp và tăng cường hiệu lực QLXH bằng pháp luật trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, phát triển kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN. Qua thực tiễn tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã thấy rõ sự cần thiết phải xây dựng và thực hiện quản lý nhà nước (QLNN) theo hướng NNPQ; từ đó đã có những bước tiến quan trọng trong việc sửa đổi Hiến pháp 1980 và ban hành Hiến pháp 1992.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII, công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã có những tiến bộ quan trọng; từng bước phát triển hệ thống quan điểm, nguyên tắc cơ bản về xây dựng NNPQ XHCN của dân, do dân, vì dân. Tại Đại hội lần thứ VIII (7-1996), ĐCSVN một lần nữa khẳng định năm quan điểm cơ bản về cải cách bộ máy nhà nước (BMNN) của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa VII). Đến Đại hội lần thứ IX (4-2001), Đảng ta tiếp tục khẳng định nhiệm vụ xây dựng NNPQ XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và chỉ rõ “Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, là NNPQ của dân, do dân, vì dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước QLXH bằng pháp luật”.

Với việc lần đầu đưa ra quan niệm về NNPQ “là hệ thống những quan điểm, tư tưởng đề cao pháp luật, pháp chế trong tổ chức hoạt động của BMNN và trong đời sống xã hội. NNPQ là Nhà nước QLXH theo pháp luật”, Đại hội Đảng lần thứ IX đánh dấu một bước phát triển về tư duy của Đảng về NNPQ XHCN. Đến Đại hội lần thứ X, ĐCSVN tiếp tục khẳng định: “Nhà nước ta là NNPQ XHCN. Cần xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về Nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hoàn thiện hệ thống pháp luật (HTPL), tăng tính cụ thể, khả thi của các quy định trong văn bản pháp luật. Xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến và hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền”.

Kế thừa và phát triển quan điểm về xây dựng NNPQ Việt Nam XHCN, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI khẳng định: “Nhà nước ta là NNPQ XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do ĐCSVN lãnh đạo. Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, QLXH bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế XHCN”. Đại hội Đảng lần thứ XI (1-2011) tiếp tục bổ sung nội dung kiểm soát quyền lực thành một yếu tố mới của cơ chế quyền lực nhà nước và làm sâu sắc thêm nhận thức về xây dựng, hoàn thiện NNPQ XHCN. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (1-2016) cũng bổ sung, hoàn thiện một bước quan trọng và cơ bản quan điểm và thể chế về NNPQ XHCN.

Nhìn lại công tác xây dựng, hoàn thiện Nhà nước CHXHCN trong thời gian qua dựa trên những quan điểm và đặc trưng cơ bản của NNPQ; nâng cao năng lực quản lý và điều hành của Nhà nước theo pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN và kỷ luật, kỷ cương. Đồng thời, thể chế hóa các quan điểm của Đảng về xây dựng NNPQ XHCN trong gần 3 thập kỷ tiến hành đổi mới, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “1/ Nhà nước CHXHCN Việt Nam là NNPQ XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; 2/ Nước CHXHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; 3/ Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Điều 2).

Những vấn đề đặt ra

Do được xây dựng trên một cơ sở lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội và giai cấp khác với các hình thái kinh tế trước đây nên NNPQ XHCN có những đặc trưng riêng so với các NNPQ trong các hình thái kinh tế - xã hội khác. Việc xây dựng NNPQ XHCN cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải được nghiên cứu thiết kế phù hợp với đặc điểm, truyền thống dân tộc và trình độ phát triển của xã hội.

Trải qua ba thập kỷ tiến hành đổi mới toàn diện đất nước, tư tưởng dùng pháp luật để QLXH, QLNN đã được khẳng định và đề cao; vai trò của pháp luật được ghi nhận, trở thành một trong những công cụ chủ yếu để QLXH, QLNN. Song bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn đổi mới cũng đang đòi hỏi cần nghiên cứu tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa tư tưởng chính trị về Nhà nước và pháp luật trong lịch sử cùng với kinh nghiệm xây dựng NNPQ của các quốc gia đương đại để khắc phục những hạn chế, tồn tại và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLXH.

ĐỖ ĐỨC MINH

PGS, TS Chính trị học, Ban Thanh tra và Pháp chế, ĐHQGHN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/cuoituan/chuyen-de/item/37498402-mot-qua-trinh-hoan-thien.html