Một Quảng Trị chan chứa nghĩa tình

Có một người bạn của tôi ở Bình Dương khi đến Quảng Trị làm thiện nguyện từng 'chốt hạ' một câu trước khi rời đi, rằng: 'Miền Nam hào sảng, Quảng Trị nghĩa tình'. Phải, nghĩa tình như là một thứ gen của người Quảng Trị, được đắp bồi qua ngàn năm 'thử lửa, thử vàng' nơi mảnh đất cằn khô, bỏng rát giữa khúc ruột miền Trung. Những ngày dịch giã hoành hành, cái nghĩa tình của người Quảng Trị lại trỗi dậy mạnh mẽ...

Quả bầu, hũ muối... gửi vô Nam

Món muối sả, đặc sản quê hương Quảng Trị được bà con làm để gửi vào miền Nam những ngày tháng 7/2021- Ảnh Thanh Lộc

Những ngày giữa năm 2021, khi ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam COVID-19 bùng phát dữ dội thì ở Quảng Trị, mảnh đất miền Trung nắng lắm mưa nhiều cũng dấy lên những phong trào hướng về đồng bào miền Nam hết sức mạnh mẽ.

Ở miền núi, người ta sẽ không quên hình ảnh những mẹ già người Vân Kiều, Pa Kô gùi những quả bí, quả bầu đến trụ sở UBND xã để... gửi vô Nam. Những thứ quà quê không đáng mấy tiền nhưng trĩu nặng ân tình trong những ngày khó nhọc.

Ở miền biển, người ta cũng sẽ nhớ chị em ngư dân tất tả trên bến cảng, chọn những con cá tươi ngon, đưa về nhà rồi cùng nhau thổi lửa, làm món cá kho, cũng để... gửi vô Nam.

Ở đồng bằng, một thứ đặc sản địa phương đã được rất nhiều nhóm thiện nguyện lựa chọn để “biếu đồng bào trong nớ”, đó là... muối sả. Phàm là người Quảng Trị, ít ai không biết làm món muối sả, món ăn dân dã nhưng cũng là đặc sản địa phương, tổng hòa giữa đậu lạc, sả, ruốc (có thêm thịt nạc băm sẽ ngon hơn). Người Quảng Trị gọi đây là món ăn rất... tốn cơm. Và với tất cả tấm lòng, từ những loại nông sản quê hương, câu chuyện những hạt muối nghĩa tình của người Quảng Trị được khẩn trương chế biến, đóng gói, gửi tặng người dân TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cũng mặn mà như chính món ăn đó.

Nhắc đến muối sả, chúng tôi lại nhớ đến bà Nguyễn Thị Hạt (52 tuổi), ở thôn Long Thành, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa. Vào một sáng đẹp trời tháng 7/2021, bà Hạt đã làm cán bộ xã Tân Long một phen “chới với” khi chở đến quầy tiếp nhận của UBND xã 1 con lợn hơn 120 kg. Rất thật thà, bà Hạt cho biết gia đình mình không có gì, nhìn lui nhìn tới chỉ có mấy con lợn là có giá trị nên bắt một con to nhất để nhờ cán bộ... gửi vô Nam. UBND xã Tân Long đã rất nhanh trí để có hướng xử lý món quà tươi sống của bà Hạt khi cho đoàn viên thanh niên xẻ thịt, làm muối sả gửi cho người dân các tỉnh, thành phía Nam.

Những ngày đó, đi khắp xóm làng Quảng Trị, trong những nét âu lo cho “bà con trong nớ” là tấm chân tình hướng về miền Nam đầy xúc động, tự hào. Không ai nói ra, nhưng ai cũng còn nhớ, mới năm ngoái thôi, khi bão lũ tơi bời, hàng đoàn xe từ miền Nam đổ về miền Trung, trong đó có Quảng Trị để cứu trợ. Giờ miền Nam gặp khó, hàng đoàn xe nghĩa tình lại xuất phát từ Quảng Trị hối hả ngược vào Nam...

“Chiếc hộp Thạch Sanh” bên vệ đường Quảng Trị

Người dân dừng lại lấy những chiếc phong bì trong “Chiếc hộp Thạch Sanh” -Ảnh: Nguyễn Phúc

Những ngày đầu tháng 10/2021, từng dòng người rời miền Nam trên những chiếc xe máy, xe đạp, thậm chí... đi bộ vượt dặm dài thiên lý để trở về quê. Ngày đó, hình ảnh những gia đình đang dắt díu nhau đi hoặc ngủ vạ vật bên quốc lộ, những em bé còn đỏ hỏn trên tay mẹ giữa trời mưa rét... đã làm nhiều con tim quặn thắt. Và người Quảng Trị, cũng như các tỉnh, thành khác dọc đường hồi hương, lại lao ra đường, mỗi người mỗi việc, dù ít dù nhiều, miễn là làm được chút gì đó cho đồng bào mình.

Xứng đáng được nhắc đầu tiên là các chiến sĩ cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Quảng Trị đã đội nắng đội mưa, phân luồng, giám sát giao thông, dẫn đường cho hàng ngàn người đi xe máy vào ra địa phận tỉnh Quảng Trị trên tuyến Quốc lộ 1. Từ chỗ thực hiện nhiệm vụ, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đã trở thành một người đưa tin về những đoàn xe, một người vận chuyển để hàng quà đến được tay bà con. Trong đó, điển hình là trung tá Lê Hoài Hương. Chị đã đứng ra tiếp nhận và phân phối hàng quà để tặng cho bà con, rồi về sau dùng chính nhà hàng của gia đình kinh doanh để làm nơi nghỉ chân tạm thời cho đồng bào trên dặm dài hồi hương.

Dạo đó, người ta thường nói vui rằng, Quảng Trị có “phong trào” ra chặn đường bà con về từ miền Nam để... tặng quà. Thực sự không thể đếm hết các điểm “tiếp sức” của những đội nhóm thiện nguyện dọc tuyến Quốc lộ 1 về qua Quảng Trị, chỉ biết rằng những hộp cơm, chai nước, chai xăng... luôn sẵn sàng tiếp ứng khi ai đó cần. Thậm chí có người còn tặng bà con cả xe đạp, xe máy.

Nhưng cách làm tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ là “Chiếc hộp Thạch Sanh” bên vệ đường Quảng Trị. Đó là những chiếc hộp nhựa đơn giản, đựng phong bì tiền, được đặt bên đường. Bà con đi xe máy từ miền Nam về chủ động dừng lại và lấy cho mình một phần. Và cũng như “nồi cơm Thạch Sanh”, “Chiếc hộp Thạch Sanh” bên vệ đường Quảng Trị cứ vơi rồi lại đầy...

Khởi nguồn của chương trình ý nghĩa này là một nhóm gồm 20 người thường uống cà phê buổi sáng cùng nhau. Ám ảnh trước những hình ảnh tang thương của đồng bào mình trên đường thiên lý và quyết tâm phải một điều gì đó thực sự có ý nghĩa thay vì chỉ ngồi nhâm nhi cà phê rồi xuýt xoa thương cảm, họ đã quyết định góp tiền lập “Chiếc hộp Thạch Sanh”. Và rồi, hình ảnh dòng người đi tả tơi trong áo mưa tiện lợi, trên những chiếc xe máy nát bươm dừng lại bên đường, tự mở hộp nhận một chiếc phong bì, cúi đầu cảm tạ, rồi lại tiếp tục hành trình, đã được đăng lên mạng xã hội, tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Từ đó, những “anh em ở hội... uống bia buổi chiều” hay những “chị em ở hội... tán gẫu buổi tối” cũng chủ động liên lạc và tiếp sức bằng tiền cho “hội... cà phê buổi sáng”.

Chưa hết, rất nhiều người dù không quen biết cũng chuyển tiền vào “Chiếc hộp Thạch Sanh” chỉ vì lý do rằng: “Tôi phải nhờ các bạn thôi, chứ tôi nhìn hình ảnh bà con như thế tôi chịu không nổi”. Một trong những người “chơi lớn” phải kể đến là anh Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Trị khi ủng hộ cho chương trình 200 triệu đồng. Là người bị “lôi kéo” bởi “Chiếc hộp Thạch Sanh”, anh Hiếu cũng không thể ngờ rằng chỉ 2 giờ sau khi thông tin anh ủng hộ 200 triệu đồng được chia sẻ, rất nhiều anh em, bạn bè và nhân viên của anh cũng hưởng ứng ủng hộ thêm 70 triệu đồng nữa.

Vậy là chỉ sau 1 tuần, từ ý tưởng “làm một điều gì đó”, hơn 350 triệu đồng đã được cho đi bằng “Chiếc hộp Thạch Sanh”, mang theo tấm lòng người Quảng Trị theo những vòng xe trở về quê hương.

Thương lấy dân mình

Bà Nguyễn Thị Hạt, thôn Long Thành, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa mang con lợn ủng hộ đồng bào miền Nam- Ảnh: Thanh Lộc

Nhưng đâu chỉ lo cho đồng bào trong Nam, ngoài Bắc, chính quyền và người dân Quảng Trị cũng không quên con em mình đang lâm cảnh ngặt nghèo khi dịch bệnh bủa vây. Giữa rất nhiều sự lựa chọn, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã lựa chọn cách làm trọn nghĩa, vẹn tình khi tổ chức 3 đoàn tàu hỏa đưa hàng trăm người dân ở miền Nam về quê. Người dân Quảng Trị cũng dang rộng vòng tay đón bà con mình về mà không mảy may e ngại. Giữa thiếu thốn nhân lực y tế, Quảng Trị vẫn đưa 2 đoàn y, bác sĩ vào Bình Dương để kề vai cùng tỉnh bạn chống dịch. Chính quyền Quảng Trị cũng đứng ra tổ chức nhiều cuộc vận động quyên góp, hiệu triệu tấm lòng của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để lo cho người Quảng Trị đang sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng trong nhiều lần bày tỏ quan điểm về công tác ứng phó với COVID-19 đều khẳng định nhất quán, rằng Quảng Trị sẽ làm hết sức để “không ai bị bỏ lại phía sau”, không ai phải thiếu ăn, thiếu mặc. Nhiều người biết đến Quảng Trị là một tỉnh còn nhiều khó khăn, thường xuyên gánh chịu thiên tai địch họa. Qua cách ứng xử trước đại dịch của lãnh đạo và Nhân dân Quảng Trị thời gian qua, hẳn nhiều người sẽ biết thêm về một Quảng Trị với những con người chất phác, hồn hậu nhưng tràn đầy yêu thương và sẵn sàng chia sẻ. Một Quảng Trị chan chứa nghĩa tình...

Nguyễn Phúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=164732&title=mot-quang-tri-chan-chua-nghia-tinh