Một sáng kiến, hình thức tham vấn hiệu quả

LƯƠNG ANH TẾ - Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải DươngTừ một sáng kiến trong hoạt động lập pháp của Quốc hội Khóa XV, với sự chuẩn bị công phu, chu đáo, đặc biệt là tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp, doanh nhân, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc góp phần hoạch định chính sách. Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Diễn đàn đã khẳng định mạnh mẽ thông điệp nhất quán về kiên định ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, 'có vĩ mô là có tất, mất vĩ mô là rất khó khăn', giữ kinh tế vĩ mô cũng chính là giữ cho từng doanh nghiệp, cho cả ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Sáng kiến trong hoạt động lập pháp của Quốc hội Khóa XV

Nói là sáng kiến, bởi vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV đã sử dụng hoạt động diễn đàn để tham vấn ý kiến Nhân dân rộng rãi nhất. Tại diễn đàn, ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý, kể cả các chuyên gia nước ngoài được trình bày khách quan, trung thực nhất, kể cả các ý kiến trái chiều nhau được trao đổi, "mổ xẻ" để đi đến nhận thức chung, thống nhất. Trên cơ sở đó, các tầng lớp Nhân dân có thêm những ý kiến từ nhiều góc độ khác nhau, hợp chung lại để các nhà hoạch định chính sách lựa chọn, thể chế hóa thành chính sách ở tầm vĩ mô, bởi mọi chính sách, pháp luật đều hướng đến phục vụ người dân và quản lý xã hội hiệu quả nhất.

Ngay trong lúc dịch bệnh Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề về kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân, Quốc hội Khóa XV đã tổ chức Diễn đàn kinh tế vào tháng 12.2021, giúp Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chính sách kịp thời góp phần phục hồi kinh tế, xã hội, bảo đảm đời sống Nhân dân. Tiếp ngay sau Diễn đàn Kinh tế 2021, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, quyết định sử dụng gói chính sách tài khóa, tiền tệ 347.000 tỷ đồng (khoảng 15 tỷ USD) trong 2 năm 2022 - 2023 hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã thể chế hóa Kết luận của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII, cùng với các nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đã tạo động lực, nguồn lực, niềm tin rất kịp thời và mạnh mẽ; đồng thời, hỗ trợ tích cực, thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong phiên hội thảo chuyên đề tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 về “Thúc đẩy việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tếđã đánh giá: Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã góp phần không nhỏ bảo đảm xu hướng phục hồi tính cực của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, bảo đảm nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhờ đó, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 8 tháng năm 2022 đạt gần 150 nghìn doanh nghiệp, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 8 tháng tăng 9,4% so với cùng kỳ; khách quốc tế 8 tháng đạt hơn 1,4 triệu lượt, gấp 12,7 lần cùng kỳ năm 2021… Những con số kể trên phần nào biểu thị niềm tin mạnh mẽ của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vào các chính sách ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế tại nước ta.

Nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc góp phần hoạch định chính sách

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê cho rằng, để thúc đẩy các gói hỗ trợ, các cơ quan quản lý cần tiếp tục lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp; có hệ thống giám sát, đánh giá kịp thời, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, cần rà soát các tiêu chí, chỉnh sửa cho phù hợp; bổ sung tiêu chí mới khi nền kinh tế thế giới đối mặt nhiều thách thức. Việc hỗ trợ cần có mục tiêu, như ưu tiên với các ngành trong lĩnh vực tạo bệ đỡ cho nền kinh tế như logistics, công nghiệp hỗ trợ… Và có những đề xuất: Các chính sách phải xây dựng trên nguyên tắc can thiệp có mục tiêu, không thực hiện các chính sách hỗ trợ hay can thiệp đại trà. Chính sách cần xác định rõ thời kỳ áp dụng để bảo đảm tính linh hoạt, nghĩa là có lộ trình cụ thể…

Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn & Kiểm toán Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh, khuyến cáo: Bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh - sức chống chịu của doanh nghiệp trước các cú sốc và thách thức bất ổn là vấn đề mấu chốt trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Để hỗ trợ các doanh nghiệp theo đuổi phát triển bền vững, Chính phủ cần có một cơ chế cho các doanh nghiệp đang tiên phong về môi trường, với các thể chế liên quan đến những ưu tiên, ưu đãi về thuế và đất đai cho những địa điểm đặt các nhà máy sản xuất, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn…

Trong phiên Hội thảo với nội dung: Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”,chính sách về đất đai được các đại biểu dự hội thảo quan tâm nhất - vì đây là “nút thắt”, điểm mấu chốt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, liên quan đến rất nhiều đối tượng trong xã hội.

Tham luận của GS.TS. Hoàng Văn Cườngđã phân tích khá sâu, kỹ về chính sách đất đai, tập trung làm rõ 5 vấn đề. Tác giả đưa ra khuyến nghị: Trong luật pháp phải xác định rõ, định giá đất hay bảng giá đất phải sát với giá trị thị trường của đất đai, chứ không phải là giá thị trường. Nếu giá thị trường là vấn đề không thể nắm bắt được, đề nghị Nhà nước phải thực hiện thu hồi đất cho tất cả các trường hợp Nhà nước phê duyệt các dự án đầu tư, hoặc Nhà nước chấp nhận đầu tư, chứ không nên để các nhà đầu tư tự thỏa thuận. Nhiều ý kiến thảo luận sau đó đều tỏ quan điểm nhất trí với phân tích, đánh giá của GS.TS. Hoàng Văn Cường.

Về định giá đất, tài chính đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, đây là những vấn đề cả về mặt lý thuyết và thực tiễn đang còn khoảng cách, nhận thức rất khác nhau. Bộ trưởng đề xuất: “chúng ta có thể chuyển đổi số ở lĩnh vực đất đai càng sớm càng tốt thì sẽ thực hiện được quyền của Nhà nước thay mặt Nhân dân để giám sát nguồn lực này một cách tốt nhất”. Thông qua dữ liệu đất đai, chúng ta sẽ giám sát được nguồn lực, giúp người dân có thể tiếp cận được các thông tin đất đai công bằng, công khai và bình đẳng. Thông qua hệ thống này, chúng ta cũng có thể cải cách thủ tục hành chính để Nhà nước chuyển sang là một trong những cơ quan phục vụ Nhân dân, hơn là gây khó khăn về các “rừng thủ tục” hành chính như hiện nay,

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ tại hội thảo, có 3 vấn đề về tài chính, đất đai: (1) vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất, thực ra đây là một lỗ hổng vô cùng lớn mà Luật Đất đai năm 2013 đã không “bịt” được và nó tạo nên thất thoát lớn về địa tô chênh lệch và cũng từ đây xảy ra một số sai phạm. Cho nên, việc quản lý mục đích sử dụng đất phải hết sức chặt chẽ; (2) vấn đề giá đất cũng tồn tại về phương pháp xác định giá đất; (3) giao đất, lâu nay chúng ta coi thời điểm xác định giá đất là thời điểm giao đất nhưng không biết là tại thời điểm giao đất đến thời điểm xác định giá đất là bao lâu. Do đó, phải quy định thời điểm xác định giá đất đến thời điểm giao đất không quá 6 tháng. Như thế mới bảo đảm được độ chính xác và khi "anh" nộp tiền vào ngân sách thì mới giao đất.

Và còn rất nhiều ý kiến tâm huyết có giá trị tham khảo trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách vĩ mô. Có thể nói, với sự chuẩn bị công phu, chu đáo, đặc biệt là tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp, doanh nhân, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 đã thu được kết quả rất hữu ích và đáng trân trọng.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/mot-sang-kien-hinh-thuc-tham-van-hieu-qua-i301333/