Một số ca sán lá phổi đặc biệt

Bệnh sán lá phổi do loài ký sinh trùng là sán lá ký sinh ở phổi gây nên. Bệnh sán lá phổi không lây trực tiếp từ người này sang người khác như lao mà bệnh sán lá phổi do ăn phải ấu trùng sán lá phổi trong cua hay tôm, chủ yếu là cua đá (cua suối). Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên, trong đó lao phổi chiếm tỷ lệ cao. Triệu chứng thường gặp trong bệnh lao và bệnh sán lá phổi là ho kéo dài, từng đợt ho ra máu, hoặc tràn dịch màng phổi. Chính vì vậy, hầu hết bệnh nhân sán lá phổi đều được chẩn đoán là lao, điều trị thuốc lao hàng năm, thậm chí hàng chục năm và có bệnh nhân ở thị xã Hà Giang bị ho ra máu, được chẩn đoán và điều trị lao trong suốt 30 năm.

Trong số khoảng 500 bệnh nhân sán lá phổi mà chúng tôi gặp tại 10 tỉnh miền núi phía Bắc không ít trường hợp được cơ sở y tế chẩn đoán là lao. Chúng tôi muốn ví dụ một số trường hợp điển hình để cùng chia sẻ với đồng nghiệp nhằm chẩn đoán đúng bệnh và xử lý có lợi cho bệnh nhân hơn. Bởi vì liệu trình điều trị bệnh sán lá phổi chỉ 2 ngày, nhưng nếu những ca khó, chúng ta chẩn đoán nhầm là lao và dùng thuốc chống lao hàng năm thì tốn kém cho gia đình và xã hội, đó là chưa tính đến tác dụng không mong muốn của thuốc chống lao. Vấn đề ít ai để ý là sán lá phổi thường không sốt về chiều như lao và cơ thể ít suy sụp, trẻ vẫn chơi, đi học bình thường, nhưng thỉnh thoảng ho ra ít máu sẫm màu lẫn đờm, đôi khi ho ra máu tươi. Bệnh nhân sán lá phổi chủ yếu là trẻ em (71,7%). Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là 3 tuổi (bị bệnh từ lúc 1 tuổi rưỡi - ở Sìn Hồ, Lai Châu do sử dụng nước cua chống còi xương), bệnh nhân cao tuổi nhất là 73 tuổi (ở Bảo Yên, Lào Cai). Bệnh nhân phát hiện sớm nhất là 1 tháng (Hòa Bình), bệnh nhân phát hiện muộn nhất là 30 năm (ở Hà Giang). Những khó khăn trong chẩn đoán Sán lá phổi trong phổi bệnh nhi. Tại điểm Mộc Châu, Sơn La, trong số 57 người ho ra máu được xét nghiệm đờm, chỉ có 4 người có vi khuẩn lao (BK) trong đờm (12,3%) và 26 người có trứng sán lá phổi trong đờm (45,6%). Muốn chẩn đoán xác định sán lá phổi cần xét nghiệm đờm, dịch màng phổi hoặc phân tìm trứng sán lá phổi. Một điều khó khăn tương tự như với lao, đó là tỷ lệ tìm thấy trứng sán lá phổi trong đờm chỉ đạt 30- 40% số bệnh nhân bị sán lá phổi nhưng thuận lợi hơn lao là liệu trình điều trị sán lá phổi chỉ 2 ngày, trong khi đó, liệu trình điều trị lao tới 3- 6 tháng và thuốc lao có nhiều tác dụng phụ hơn so với thuốc sán lá phổi. Ngoài ra, trong bệnh sán lá phổi, bạch cầu ái toan thường tăng cao trong máu là dấu hiệu định hướng và chụp Xquang phổi với tổn thương nốt mờ, mảng mờ có hang nhỏ, tổn thương ở vùng thấp nhiều hơn, có trường hợp tràn dịch màng phổi. Mặc dù vậy, với tổn thương ở phổi, trên phim Xquang khó phân biệt được giữa sán lá phổi và lao hay u... Hoặc có bệnh nhân nữ 13 tuổi ở Đà Bắc- Hòa Bình vào một bệnh viện được chẩn đoán u phổi, bố bệnh nhi tìm gặp tôi xin được tư vấn, tôi xác định sán lá phổi và điều trị 2 ngày khỏi, giải quyết được nỗi lo của gia đình và nhiều vấn đề khác. Giữa năm 2009, bệnh nhi quê ở Tuyên Quang thì không được may mắn nên không tránh khỏi phẫu thuật cắt bỏ thùy phổi chứa 2 con sán lá phổi trong khối u. Trường hợp chỉ tràn dịch màng phổi mà không ho ra máu thì việc chẩn đoán có khó khăn hơn. Ví dụ bệnh nhân P. ở Thuận Châu, Sơn La bị tràn dịch màng phổi, được chẩn đoán là lao và được điều trị lao kết hợp chọc dịch hàng tuần, mỗi lần chọc được hàng lít dịch, suốt trong thời gian 8 năm liên tục, làm cho lồng ngực biến dạng, méo mó. Khi Bệnh viện Bạch Mai tiến hành hội chẩn, đã xác định bệnh nhân bị sán lá phổi (có trứng sán trong dịch màng phổi) và điều trị khỏi sau 2 ngày. Tại một xã miền núi vùng sâu tỉnh Yên Bái, trong cùng một tháng giữa năm 2001 có 2 cháu bé 8 tuổi và 12 tuổi đã chết do ho ra máu. Trong đó có cháu đã từng đi bệnh viện lớn điều trị nhưng không khỏi và trong gia đình có cả chị và em cùng có triệu chứng ho ra máu như vậy. Các bác sĩ tuyến TW đã phối hợp với Trung tâm Phòng chống sốt rét tỉnh Yên Bái xác định nguyên nhân gây chết cho các cháu này là bệnh sán lá phổi. Một số bệnh nhân khác đều đã được điều trị lao ở các bệnh viện lớn nhiều năm không khỏi. Đặc biệt, bệnh nhân Hoàng Văn H., 68 tuổi (dân tộc Kinh) tại thị xã Hà Giang điều trị lao 30 năm và nhiều lần đi bệnh viện Trung ương cấp cứu do vỡ ổ áp-xe. Tất cả những bệnh nhân này đều do sán lá phổi gây nên và được điều trị khỏi bằng thuốc đặc hiệu (Praziquantel) trong 2 ngày. Tóm lại, như trên đã nói, giữa lao phổi và sán lá phổi dễ nhầm lẫn dẫn đến việc chỉ định điều trị sai. Kể cả chụp Xquang với nốt mờ, mảng mờ do sán lá phổi nhiều khi cũng khó phân biệt với u hay lao phổi. Vậy làm thế nào để chẩn đoán đúng, chính xác và điều trị bệnh này hiệu quả, chúng tôi sẽ trao đổi trong các số báo sau. Theo thống kê, 10 tỉnh có bệnh nhân sán lá phổi là: Sìn Hồ (Lai Châu), Thuận Châu, Mộc Châu (Sơn La), Đà Bắc (Hòa Bình), Bảo Yên (Lào Cai), Lục Yên (Yên Bái), thị xã Hà Giang (Hà Giang), Văn Quan (Lạng Sơn), Thanh Sơn (Phú Thọ), Kỳ Sơn (Nghệ An), Tuyên Hóa (Tuyên Quang). PGS.TS. Nguyễn Văn Đề (Đại học Y Hà Nội)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/200908170355282p0c63/mot-so-ca-san-la-phoi-dac-biet.htm