Một số đề xuất về định hướng hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế

Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 được ban hành vào năm 2005 là thời điểm đặc biệt khi quá trình cải cách, đổi mới ở Việt Nam đã diễn ra được gần hai mươi năm và Việt Nam đang xúc tiến mạnh mẽ việc gia nhập WTO, chấp nhận luật chơi chung của nền kinh tế toàn cầu.

Với chủ trương phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, các đạo luật về thể chế kinh tế thị trường được đặc biệt quan tâm hoàn thiện.

Trong thực tiễn triển khai Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị, kể từ năm 2005, bám sát các chỉ đạo của Ðảng, những đạo luật quan trọng về dân sự, kinh tế được ban hành để tạo lập khung khổ pháp lý nền tảng cho nền kinh tế thị trường vận hành. Trong đó phải kể tới các đạo luật quy định về sở hữu và quyền tài sản, hợp đồng, các loại hình doanh nghiệp và quyền tự do kinh doanh, các loại thị trường quan trọng, về cạnh tranh, giải quyết tranh chấp và phá sản...

Có thể nói, hầu hết các khía cạnh quan trọng để nền kinh tế thị trường vận hành đã được điều chỉnh bởi các đạo luật.

Tuy nhiên, pháp luật về dân sự và kinh tế từ nội dung hoặc trong thực tiễn tổ chức thực thi đang có những hạn chế, bất cập. Một số vấn đề được phát hiện từ lâu nhưng chưa được giải quyết thật tốt: Doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, thất thoát, tham nhũng; khiếu kiện đất đai phức tạp. Ðiều kiện thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội chưa thật sự chặt chẽ, trong áp dụng thực tế có thể tạo rủi ro cho người sử dụng đất. Kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính tuy có bước cải thiện quan trọng nhưng thứ bậc cạnh tranh quốc gia vẫn còn thấp.

Quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh (bảy ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện) của Luật Ðầu tư với khoảng 4.284 yêu cầu, điều kiện được quy định ở quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, rất khó theo dõi, thống kê, cập nhật một cách chính xác, kịp thời. Thậm chí có ngành nghề đầu tư kinh doanh mà các điều kiện được quy định ở nhiều nghị định khác nhau, theo phạm vi quản lý bộ, ngành về sản phẩm, dịch vụ liên quan. Vẫn còn các điều kiện đầu tư kinh doanh không hợp lý, làm hạn chế gia nhập thị trường, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, năng suất lao động của doanh nghiệp, tạo kẽ hở cho hành vi nhũng nhiễu. Mức độ thông thoáng và minh bạch, ổn định của môi trường đầu tư, kinh doanh còn chưa cao.

Thực tế cho thấy, việc duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo đảm an toàn thực phẩm còn chưa được quan tâm thỏa đáng (còn ít xử lý các vụ việc về cạnh tranh, về quảng cáo, thông tin thương mại...). Một số vấn đề mới phát sinh của cách mạng công nghiệp lần thứ tư chưa được quan tâm giải quyết (tài sản kỹ thuật số, khai thác, chia sẻ dữ liệu trong khi vẫn phải bảo đảm quyền riêng tư và bí mật/an toàn thông tin cá nhân, các phương thức thanh toán mới). Xuất hiện hiện tượng người Việt Nam lựa chọn quốc gia khác để khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn tòa án, trọng tài và pháp luật nước ngoài để giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài ra, chi phí thời gian và nguồn lực cho việc giải quyết tranh chấp và phá sản còn lớn.

Trước đòi hỏi của quá trình phát triển, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền sở hữu toàn dân đối với các nguồn lực công. Cơ chế kiểm soát quyền lực đối với các chủ thể được giao quản lý, sử dụng tài sản công phải được thiết kế cân xứng với trách nhiệm và quyền hạn được giao. Ở đây, yếu tố công khai, minh bạch trong cơ chế thực thi quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai và các nguồn lực công khác rất nên được tăng cường để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của người dân, các cơ quan đại diện cho nhân dân (nhất là Quốc hội, HÐND các cấp, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị, các cơ quan truyền thông, báo chí...) trong việc thực hiện cơ chế "tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện và thống nhất quản lý".

Các cơ quan có thẩm quyền cần sớm hoàn thiện pháp luật để thu hồi lại tài sản bị chiếm đoạt từ hành vi tham nhũng, lãng phí, áp dụng triệt để nguyên tắc thu hồi tài sản của các chủ thể "hưởng lợi không có căn cứ pháp luật". Vấn đề khác là sớm hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản, nhất là đăng ký đối với bất động sản nhằm thiết lập được hệ thống đăng ký bất động sản (đất đai, nhà ở, công trình xây dựng) có tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản vận hành lành mạnh.

Cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quản trị đối với các loại hình doanh nghiệp để nâng chuẩn quản trị doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế theo hướng tuân thủ các chuẩn mực quản trị hiện đại, đồng thời đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (bảo đảm tôn trọng người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, tôn trọng pháp luật lao động, an sinh xã hội, tôn trọng các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư thiểu số). Hơn nữa, cần chú trọng thúc đẩy việc tổ chức thực thi Luật Cạnh tranh, nghiên cứu việc sửa đổi và bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật An toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, thông tin gian dối đối với người tiêu dùng.

Việc nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật cũng được cộng đồng doanh nghiệp, người dân rất quan tâm. Ðó là cắt giảm thời gian giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế, giải quyết phá sản doanh nghiệp. Bảo đảm quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh của các chủ thể kinh tế đã được Hiến pháp quy định; tiếp tục xóa bỏ các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh; xóa bỏ các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp của Nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng xây dựng khung chính sách, pháp luật, kể cả các cơ chế mang tính thử nghiệm đối với các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao, mô hình kinh tế chia sẻ, giao dịch, quản lý các tài sản kỹ thuật số, đầu tư mạo hiểm, các phương thức thanh toán mới, hệ thống xác thực và định danh điện tử, bảo đảm an toàn cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài. Sớm xây dựng văn bản pháp luật để triển khai đồng bộ, thực chất, hiệu quả chủ trương, định hướng xây dựng đô thị thông minh tránh các biểu hiện chạy đua theo phong trào, kém hiệu quả.

TS NGUYỄN VĂN CƯƠNG

Viện trưởng Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/41779702-mot-so-de-xuat-ve-dinh-huong-hoan-thien-phap-luat-ve-dan-su-kinh-te.html