Một số điều nên biết về Lễ Phật đản

Đại lễ Phật đản là cách gọi tôn kính ngày sinh của Đức Phật Thích-ca-Mâu-ni (Shakyamuni), vào ngày 15/4 Âm lịch, năm 624 trước Công nguyên.

Lễ Phật đản là cách gọi tôn kính kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật Thích-ca-Mâu-ni (Shakyamuni), người sáng lập Phật giáo, sinh vào ngày trăng tròn tháng Vesak (tháng tâm linh theo quan niệm của người Ấn Độ cổ), năm 624 trước Công nguyên. Trước khi giác ngộ, Đức Phật chính là Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha Gautama) thuộc một quốc gia nhỏ tại khu vực nước Nê-pan ngày nay. Năm nay, Lễ Phật đản sẽ vào ngày thứ Sáu - 26/5/2023.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Các quốc gia theo Phật giáo Nam truyền (hay còn gọi là Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo Tiểu thừa) giữ quan điểm ngày trăng tròn tháng Vesak (theo lịch cổ Ấn Độ) là ngày sinh của Đức Phật, cũng là ngày Đức Phật thành đạo, lại cũng chính là ngày Đức Phật nhập Niết bàn. Do vậy, Phật giáo Nam truyền tổ chức 3 lễ trong một ngày nên gọi là Đại lễ Tam hợp (ba trong một) hay Đại lễ Vesak.

Ngày Phật đản tại các quốc gia theo Phật giáo Tiểu thừa được tổ chức vào ngày trăng tròn trong tháng 5 Dương lịch. Cá biệt có những năm có 2 ngày trăng tròn trong tháng 5 Dương lịch như năm 2007, nên có nơi tổ chức Đại lễ vào ngày trăng tròn đầu tiên, tức ngày 1/5, trong khi tại nơi khác lại vào ngày trăng tròn lần 2 tức ngày 31/5.

Còn theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền (hay Phật giáo Đại thừa), do ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, ngày Đức Phật đản sinh từ lịch cổ của Ấn Độ chuyển sang lịch Trung Hoa là ngày 8/4 Âm lịch. Vì thế trước đây một số quốc gia với đa số Phật tử theo Phật giáo Bắc truyền như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam,… Đại lễ Phật đản được tổ chức vào ngày mồng 8/4 âm lịch.

Song từ Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên diễn ra ở Côlômbô, Sri-Lanka năm 1950, 26 quốc gia đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày rằm tháng Tư Âm lịch. Từ đó các nước theo Phật giáo Đại thừa đã kỷ niệm ngày Phật đản vào ngày 15/4 Âm lịch hàng năm (thường trùng với tháng 5 Dương lịch).

Ảnh minh họa: Internet

Năm 1999, theo đề nghị của 34 quốc gia có Phật giáo, Đại hội đồng Liên hợp quốc tại phiên họp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã công nhận Đại lễ Vesak - Phật đản là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên hợp quốc. Từ năm 2000 trở đi, những hoạt động kỷ niệm được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hợp quốc trên thế giới, thời gian vào ngày trăng tròn đầu tiên của tháng 5 Dương lịch.

Tại Việt Nam, nằm ở khu vực chịu ảnh hưởng của cả Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Tiểu thừa nên Đại lễ Phật đản được tổ chức trên cơ sở tập quán, văn hóa vùng miền nhưng đều rất trang nghiêm, trọng thể. Một điểm đáng lưu ý, vào ngày Phật đản, nhiều người Việt Nam dù không theo Phật giáo, vẫn tự nguyện thực hiện một số nghi thức với ý nghĩa mong cầu an lành cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Một số việc nên làm trong ngày Phật đản

Ăn chay

Hiện nay, ăn chay đã trở thành xu hướng, thói quen của nhiều gia đình, thậm chí cả các bạn trẻ trong các ngày mùng 1, ngày Rằm Âm lịch, đặc biệt là ngày Lễ Phật đản. Bên cạnh ý nghĩa tâm linh, ăn chay còn khiến cơ thể tẩy trừ độc tố, tâm hồn nhẹ nhõm, rất tốt cho sức khỏe. Cách làm bữa ăn chay cũng không cần quá cầu kỳ, chỉ lưu ý nên chế biến bằng các loại rau, củ, quả, thực vật thanh khiết.

Vệ sinh nhà cửa, lau dọn bàn thờ sạch sẽ

Vệ sinh làng xóm, khu phố và nhà riêng, đặc biệt là khu vực bàn thờ thật sạch sẽ chính là một cách thể hiện lòng thành kính đối với Đại lễ, đồng thời cũng là việc giúp cho gia đình và cộng đồng trở nên gắn kết; tinh thần cũng vui vẻ, thanh thản, an yên hơn.

Đi lễ chùa

Trong điều kiện cho phép, bạn có thể đến chùa nghe giảng đạo hoặc thành kính dâng hương hoa lên bàn thờ Đức Phật, dành chút thời gian suy ngẫm sau những mưu sinh vất vả. Điều này giúp cho tâm trí được bình lặng, loại bớt những tạp niệm. Nếu là người đã quy y, nên phụ giúp nhà chùa trong việc chuẩn bị lễ, giúp đỡ, hướng dẫn khách thập phương.

Làm việc thiện nguyện

Trong Lễ Phật đản cũng như trong các ngày bình thường, bạn đều nên làm nhiều việc thiện, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Các nhà tu hành chân chính đều khuyên rằng, theo tinh thần của Đức Phật chỉ dạy, hãy làm việc thiện với tâm nguyện chia sẻ, bác ái chứ không phải mưu cầu phúc lợi cho bản thân.

Phóng sinh

Vào ngày này, bạn có thể tham gia cùng các Phật tử phóng sinh các động vật như chim, cá... Tuy nhiên, cần lưu ý cách làm sao cho thực chất, ý nghĩa trong việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường.

Duy Thái

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mot-so-dieu-nen-biet-ve-le-phat-dan-254892.html