Một số giải pháp tăng cường tuyên truyền, thực hiện Công ước chống tra tấn trong quân đội

Ngày 28-3-2014, Quốc hội nước ta chính thức ban hành Nghị quyết số 83/2014/QH13, phê chuẩn Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước chống tra tấn) của Liên hợp quốc. Ngay sau đó, trên cơ sở kế hoạch thực hiện Công ước chống tra tấn do Chính phủ phê duyệt, ban hành, Bộ Quốc phòng đã xây dựng kế hoạch cùng Đề án tuyên truyền Công ước chống tra tấn, triển khai thực hiện trong toàn quân từ năm 2015 và đến nay bước đầu đã có kết quả tích cực.

Sân khấu hóa công tác tuyên truyền về Công ước Chống tra tấn tại Lữ đoàn Công binh 239, Binh chủng Công binh - Nguồn: qdnd.vn

Trong kế hoạch thực hiện Công ước về chống tra tấn ban hành theo Quyết định số 3603/QĐ-BQP ngày 04-9-2015, Bộ Quốc phòng xác định, đây là dịp, điều kiện thuận lợi để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng trong quân đội, nhất là lực lượng trực tiếp làm công tác điều tra, được giao tiến hành một số hoạt động điều tra, kiểm sát, xét xử, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự. Từ mục đích này, Bộ Quốc phòng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong toàn quân phải tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao theo tiến độ. Để thực hiện nội dung trong kế hoạch được ban hành, Bộ Quốc phòng tiếp tục xây dựng Đề án tuyên truyền Công ước chống tra tấn. Tại Đề án này, Bộ Quốc phòng đặt ra mục tiêu, đến năm 2020, 90% quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng cùng 100% người trực tiếp làm công tác điều tra, được giao tiến hành một số hoạt đồng điều tra, người làm công tác kiểm soát, xét xử, tạm giam, tạm giữ, thi hành án và thực hiện hoạt động xử lý vi phạm hành chính được phổ biến, nâng cao nhận thức về nội dung cơ bản của Công ước chống tra tấn.

Trước đó, vấn đề chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội luôn được Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị trong toàn quân triển khai đồng bộ. Năm 2014, toàn quân đã triển khai thực hiện các đề án: “Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường giai đoạn 2013 - 2016”; “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 - 2016”; “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước giai đoạn 2013 - 2016”; “Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013 - 2016”; “Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số”; “Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên”.

Theo báo cáo từ Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị), với sự chỉ đạo kiên quyết của Bộ Quốc phòng, với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm cao của các cơ quan, đơn vị chức năng, trong năm 2016, công tác tuyên truyền về nội dung Công ước chống tra tấn đã được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức năng lực hành vi chấp hành pháp luật, kỷ luật quân đội, nhất là đối với những cán bộ, nhân viên, những người được giao nhiệm vụ trực tiếp làm công tác điều tra, kiểm sát, xét xử, tạm giữ, tạm giam, thi hành án và thực hiện hoạt động xử lý vi phạm hành chính. Tính đến thời điểm này, nhiều nội dung công việc tuyên truyền về Công ước chống tra tấn đã được hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch, làm tiền đề để hoàn thành sớm mục tiêu đã xác định vào năm 2020.

Theo báo cáo của Vụ Pháp chế của Bộ Quốc phòng, nội dung về Công ước chống tra tấn đã được tích hợp trong 4.000 cuốn Tài liệu Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2017 phát hành tới cấp đại đội và tương đương. Bộ Quốc phòng tổ chức tập huấn cho hơn 600 báo cáo viên pháp luật các cơ quan, đơn vị toàn quân về nội dung cơ bản của Công ước chống tra tấn. Trong tháng 11-2017, Bộ Quốc phòng sẽ hoàn thành cuốn tài liệu bổ trợ “Những nội dung cơ bản của Công ước Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người”, in và phát hành tới các cơ quan, đơn vị toàn quân. Đáng chú ý là Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ đạo tuyên truyền về Công ước Chống tra tấn tại trại giam T711 và T974; Cục Pháp chế đã phối hợp với Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) hướng dẫn, chỉ đạo làm điểm, tuyên truyền Công ước chống tra tấn theo hình thức “sân khấu hóa” tại 10 đơn vị; đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm cho tổ chức triển khai đồng loạt trong toàn quân vào năm 2018.

Trong lĩnh vực xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định về đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, quản lý bộ đội, từ cuối tháng 11-2016, Bộ Quốc phòng đã ban hành Chỉ thị số 91/CT-BQP về việc tăng cường quản lý, giáo dục và chấp hành kỷ luật trong Quân đội Nhân dân Việt Nam; ban hành Thông tư số 192/2016/TT-BQP, Quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng.

Đáng chú ý là, tại thông tư số 192/2016/TT-BQP, Bộ Quốc phòng quy định chi tiết nhiều nội dung điều khoản có ý nghĩa thiết thực trong duy trì và nâng cao năng lực chấp hành kỷ luật, pháp luật. Ví dụ, tại các Điều 15, 16 và 17 của Thông tư này, Bộ Quốc phòng quy định rất rõ các hành vi làm nhục, hành hung người chỉ huy hoặc cấp trên; làm nhục hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới; làm nhục, hành hung đồng đội; đồng thời đưa ra hình thức xử phạt nghiêm minh, trong đó đáng kể là các hình thức giáng chức đến cách chức. Nếu hành vi được thực hiện nhiều lần, gây hậu quả xấu thì có thể tước quân hàm sĩ quan đến tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc. Theo đánh giá từ các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, từ khi 2 văn bản này được triển khai, nhất là từ khi Thông tư số 192 được thi hành, việc chấp hành pháp luật, kỷ luật của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã có chuyển biến tích cực, mạnh mẽ. Như vậy, việc thực hiện Đề án tuyên truyền và nội dung kế hoạch thực hiện Công ước Chống tra tấn có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với nội bộ quân đội, củng cố thêm bản chất truyền thống tốt đẹp của quân đội nhân dân Việt Nam, ngăn ngừa hiện tượng vi phạm khi thực thi công vụ trong điều tra, kiểm sát, xét hỏi...; ngăn ngừa hiện tượng quân phiệt bằng lời nói, hành động tại các cơ quan, đơn vị, tăng nhận thức, giảm thiểu các hiện tượng vi phạm kỷ luật, pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, tăng sức mạnh trong xây dựng mối đoàn kết nội bộ. Đây được xem là nội dung quan trọng để cụ thể hóa pháp luật Việt Nam, phù hợp với điều kiện thực tiễn hoạt động quân sự, tăng hiệu quả thực hiện quyền con người theo Hiến pháp năm 2013 và các bộ luật, luật mà Nhà nước đã ban hành, phù hợp với cam kết thực hiện các điều ước quốc tế của Việt Nam, nhất là với nội dung Công ước chống tra tấn.

Tuy nhiên, với đặc thù là lực lượng lớn, có nhiều cơ quan, đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo; trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng quân đội; để quyết tâm làm chuyển biến mạnh mẽ công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật nói chung và thực hiện Công ước chống tra tấn, cấp ủy đảng, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tích cực thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền nội dung Công ước chống tra tấn và kết hợp chặt chẽ với phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao chất lượng nhiệm vụ xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Để đạt được yêu cầu trên cần thực hiện đồng bộ nhiều nội dung, biện pháp nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần chiến đấu, văn hóa pháp luật và nếp sống chính quy của bộ đội; trong đó, thực hiện tốt Công ước chống tra tấn nói riêng và pháp luật, kỷ luật quân đội nói chung là một trong những biện pháp quan trọng cần được phát huy hơn nữa.

Hai là, trong tổ chức thực hiện, đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền giáo dục các đối tượng theo hướng sinh động, sát thực tế, thiết thực với nhiệm vụ và chức năng, quyền hạn, qua đó nâng cao ý thức, điều chỉnh hành vi chấp hành pháp luật, xây dựng môi trường làm việc chính quy, khoa học, kỷ cương, kỷ luật, văn hóa. Nội dung giáo dục phải toàn diện, trong đó chú trọng kết hợp giữa nội dung Công ước chống tra tấn các văn bản pháp luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và các quy định của Bộ Quốc phòng đã ban hành.

Ba là, quá trình thực hiện phải bám sát thực tiễn sinh động trong môi trường quân đội để bổ sung, làm phong phú thêm nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện cho phù hợp với nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và tính chất, nhiệm vụ của từng đơn vị. Từ nhận thức đúng, đề cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; coi đó là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, việc làm hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, khắc phục nhận thức và hành động xem nhẹ công tác phổ biến, giáo dục, tuyên truyền pháp luật hoặc coi công tác này là trách nhiệm riêng của cơ quan chuyên môn.

Bốn là, phát huy vai trò của cấp ủy viên phụ trách công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trong chỉ đạo, theo dõi, bám sát đơn vị, cơ sở và chịu trách nhiệm về kết quả tổ chức thực hiện. Cấp ủy các cấp cần nghiên cứu, nắm vững các văn bản, chỉ thị về thực thi pháp luật; tình hình chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội ở cơ quan, đơn vị mình để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo phù hợp đặc điểm, nhiệm vụ và đối tượng. Nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy phải thể hiện rõ yêu cầu, nội dung, giải pháp khắc phục khâu yếu, mặt yếu và kết quả đạt được. Trên cơ sở nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình thực hiện hằng tháng, quý, năm; xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định trong công tác. Đồng thời, tăng cường trao đổi, bàn bạc, thống nhất kế hoạch, chương trình, phối hợp tổ chức thực hiện theo đúng yêu cầu, hướng dẫn của cấp trên; lồng ghép nội dung Công ước chống tra tấn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, duy trì nền nếp, chế độ, xử lý kiên quyết mọi hành vi vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và quy định của đơn vị. Quá trình tiến hành phải bám sát kế hoạch, bảo đảm nền nếp, đúng tiến độ, hiệu quả gắn với công tác kiểm tra, đôn đốc, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với các đơn vị thuộc quyền.

Năm là, phát huy hơn nữa vai trò của các báo cáo viên làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và phổ biến Công ước về chống tra tấn của Liên Hợp quốc. Các cấp ủy cần tiến hành rà soát, đánh giá chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của đơn vị, làm cơ sở để xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của đội ngũ này trong thực hiện nhiệm vụ.

Sáu là, tiếp tục phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình, cách làm đã được khẳng định trong thực tiễn kết hợp với xây dựng các hình thức mới phù hợp với yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Cơ quan chính trị các cấp cần năng động, sáng tạo, nhạy bén hơn nữa trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, bám sát thực tiễn, làm cơ sở để tham mưu, hướng dẫn việc đổi mới hình thức tuyên truyền; coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, xác định mặt làm được, chưa làm được, tìm cách làm hay, nhân tố mới để xây dựng, nhân rộng. Các đơn vị cần phát huy vai trò của tủ sách, ngăn sách pháp luật, thường xuyên cập nhật nội dung mới, có tính giáo dục cao.

Trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, hiệu quả chấp hành pháp luật, kỷ luật trong quân đội, các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh việc phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương, bảo đảm nâng cao chất lượng việc thực thi Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc. Đây cũng có thể được xem là hành động thúc đẩy cam kết trong thực hiện quyền con người ở Việt Nam với cộng đồng quốc tế./.

Đức Tâm

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/an-ninh-quoc-phong/2018/49623/mot-so-giai-phap-tang-cuong-tuyen-truyen-thuc-hien-cong-uoc.aspx