Một số giáo viên tại Trung tâm Anh ngữ ILA Nha Trang thiếu chứng chỉ ngoại ngữ bậc 5

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa đã ban hành KLTT đối với Trung tâm Đào tạo Anh ngữ ILA.

Qua việc thanh tra, cơ quan chức năng cũng ghi nhận nhiều thông tin tích cực trong hoạt động giáo dục tại Trung tâm đào tạo Anh ngữ ILA tại Nha Trang.

Được biết, Trung tâm có hoạt động tại gian hàng L4-04, tầng 4, số 44 Trần Phú, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Một trong nhiều hoạt động tại ILA Nha Trang. Ảnh fanpage Trung tâm

Một trong nhiều hoạt động tại ILA Nha Trang. Ảnh fanpage Trung tâm

Tại thời điểm thanh tra: Trung tâm có 12 giáo viên là người nước ngoài; 21 nhân viên, trong đó, có 01 Trưởng Trung tâm, 01 giám sát kinh doanh, 01 giám sát vận hành, 07 nhân viên hành chính, 11 nhân viên hỗ trợ lớp học.

Căn cứ các quy định hiện hành về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; về trình độ, vị trí, tiêu chuẩn của giáo viên theo quy định tại Điều 18 Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT ngày 24/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học, một số giáo viên có hợp đồng lao động đã hết hạn, một số giáo viên thiếu chứng chỉ năng lực ngoại ngữ từ bậc 5 trở lên, 01 giáo viên thiếu Bằng Cử nhân.

Căn cứ cơ cấu tổ chức của trung tâm ngoại ngữ, tin học tại Điều 5 Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT, việc sử dụng chức danh Trưởng Trung tâm là chưa đúng theo quy định.

Trong thời kỳ thanh tra và tính đến thời điểm thanh tra, Trung tâm chưa thực hiện việc báo cáo định kỳ theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT.

Đối với việc thực hiện điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục khác: Trung tâm có quan tâm đầu tư, đảm bảo chất lượng giáo dục; có triển khai thực hiện công tác công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục theo quy định (thông tin về các khóa học như: chương trình học, tài liệu dạy học, điều kiện học tập, thời gian khai giảng, học phí và một số thông tin cần thiết khác).

Theo đó, cơ quan chức năng xác định các sai hạn chế, sai phạm nêu trên thuộc trách nhiệm của Giám đốc Trung tâm. Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Giám đốc Trung tâm Đào tạo Anh ngữ ILA tại Nha Trang rà soát, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ giáo viên theo đúng các quy định tại Điều 18 Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT; Rà soát sử dụng tên gọi các chức danh lãnh đạo đúng theo quy định; - Thực hiện việc báo cáo định kỳ (6 tháng, năm) theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT;…

Cũng trong tháng 4/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa cũng ban hành KLTT hành chính đối với Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm

Ngoài những thành tích đã đạt được, vẫn còn những tồn tại như: Hiệu trưởng ban hành quyết định bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó các tổ năm học 2022-2023 chưa đúng thể thức văn bản theo quy định tại Nghị định 30; sử dụng căn cứ “xét tình hình thực tế” để ban hành quyết định là không còn phù hợp. Tại một số bộ môn, tổng số giờ dạy và kiêm nhiệm còn có sự chênh lệnh lớn giữa các giáo viên.

Đối với việc tổ chức lựa chọn SGK, đến thời điểm thanh tra, trường vẫn chưa thực hiện rà soát, điều chỉnh lại Mẫu 2 theo hướng dẫn tại Công văn số 1314/SGDĐT-GDTrHTX ngày 07/06/2022; chưa đóng dấu treo theo hướng dẫn tại Công văn số 482/SGDĐT-GDTrHTX ngày 10/3/2022. Nội dung Quy chế chi tiêu nội bộ năm 2023 còn thiếu mục chế độ đào tạo bồi dưỡng cán bộ, viên chức theo Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND ngày 23/9/2022 của HĐND tỉnh Khánh Hòa.

Trách nhiệm này thuộc về Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, các tổ trưởng tổ chuyên môn và Tổ Văn phòng của nhà trường.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin khi sự việc có diễn biến mới.

Quang Vũ

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/giao-duc/mot-so-giao-vien-tai-trung-tam-anh-ngu-ila-nha-trang-thieu-chung-chi-ngoai-ngu-bac-5-d193191.html